Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng đồng bào ở Lai Châu luôn quan tâm tới việc học hành của con em.
Thăm xã Bản Lang - một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Phong Thổ (Lai Châu), chúng tôi được thầy Nguyễn Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Bản Lang tiếp chuyện. Thầy Tuấn Anh cho biết: Ở Bản Lang có 5 dân tộc anh em cùng sinh sống, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhưng, điều đáng mừng là nhận thức của người dân về chăm lo cho con em được học hành chu đáo lại rất tiến bộ.

Hiện, toàn xã có 6 trường, từ mầm non đến trung học cơ sở, với đầy đủ tiện nghi, phục vụ cho việc dạy và học. Để nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường đã đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ trong trường. Đội ngũ giáo viên thường xuyên gần gũi, động viên, giúp đỡ các em học tập tốt hơn...

“Nhờ đó, kết thúc năm học 2017-2018, tỷ lệ chuyên cần của nhà trường đạt 99%, tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 100%. Không có học sinh bỏ học giữa chừng. Ngoài giờ lên lớp, chúng tôi còn tổ chức hướng dẫn các em học và làm bài tập, xây dựng các mô hình đôi bạn giúp nhau học tập, đôi bạn cùng tiến, tổ chức cho các em trồng rau, trồng hoa, nuôi lợn, gà... để rèn kỹ năng sống” - thầy Nguyễn Tuấn Anh nói.

Đặc biệt, ngay từ đầu năm học mới, Trường đã tổ chức khảo sát, phân chia trình độ nhận thức của các em trong cùng một lớp, bổ trợ kiến thức cho những em còn yếu, sau đó mới bắt đầu dạy học theo chương trình chính khóa. Bên cạnh đó, nhà trường đưa các em ở xa, hoàn cảnh khó khăn... vào ở bán trú tại trường, nâng cao tỷ lệ chuyên cần. Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn nghệ, xây dựng các mô hình gắn với cuộc sống để các em tham gia như chăn nuôi, trồng trọt...

Em Lò Thị Nghiên - học sinh lớp 5 Trường PTDTBT số 1 Bản Lang chia sẻ: “Do nhà xa nên em được ở lại nhà bán trú của trường, được tham gia các hoạt động do thầy cô tổ chức, em rất vui. Ngoài những kiến thức trên lớp, em còn học hỏi thêm nhiều kỹ năng sống và kiến thức từ các hoạt động ngoại khóa”.

Với nhận thức tiến bộ của bà con cùng cách làm thiết thực, hiệu quả đó của nhà trường, hy vọng rằng Lai Châu sẽ sớm phổ cập giáo dục tiểu học, dần xóa được mù chữ trên địa bàn, nâng cao chất lượng nguồn lao động của địa phương.

Qúy Hoàng