Ngày 5-8-1964, Mỹ ném bom một số cửa biển của Việt Nam. Đây là chiến dịch mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc .

Quê tôi, xã Xuân Đan, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Hợp với các xã lân cận, thành một rẻo đất hình lưỡi bò, bao bọc ba phía bởi sông Lam, Biển Đông, Cửa Hội, lại kề cận T.P Vinh, Bến Thủy, nên những năm Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại, không mấy ngày, quê tôi ngớt tiếng đạn bom.

Năm tôi lên 8 tuổi, cả mùa hè năm 1964, hằng ngày, trên trời lúc nào cũng ầm ầm... ì... ì tiếng máy bay trinh sát của Mỹ. Cũng vì nghe quen tiếng ì... ì đó, nên chúng tôi gọi là “máy bay xay lúa”. Trước ngày 5-8-1964, ngày mà chiến tranh, bom đạn giáng xuống đầu chúng tôi, Ủy ban xã và Xã đội đã phổ biến, chỉ thị cho các gia đình đào hầm phòng tránh máy bay. Nhà nào cũng đào một vài chiếc hầm; rộng non một mét, dài mét rưỡi đến hai mét, sâu đến tầm vai. Hầm để lộ thiên, không che chắn gì, chỉ có tính chất tượng trưng, vì chưa ai hình dung được bom đạn của thằng Mỹ nó lớn, bé thế nào!

Cũng vài ngày trước đó, đi chăn bò ven sông, mấy tay “trinh sát” nhí chúng tôi phát hiện hai chiếc tàu của Hải quân trú đậu kín đáo trong bãi bần ngoài bờ sông. Sau này, học hành lên, tôi mới biết đó là biên đội tàu phóng lôi của Hải quân ta vừa tham gia đánh bị thương khu trục hạm Ma - đốc của Mỹ, về trốn đậu ở đó.

Trưa ngày 5-8, tôi cùng hai đứa em con cậu Cả và cậu Hai đang miệt mài với những đường bi ngọt như mía lùi ở sân vườn nhà bà ngoại (cách nhà tôi một dậu cây chè Tàu) thì bất ngờ từng tốp máy bay Mỹ từ phía biển lao vào. Tiếng máy bay phản lực rú rít kinh hoàng. Rồi tiếng bom nổ ầm ầm, dữ dội phía T.P Vinh và bãi bần ngoài đê, nơi hai con tàu Hải quân trú đậu. Tiếng đạn pháo cao xạ của bộ đội phòng không bắn máy bay Mỹ, nổ đầy trời...

Ba anh em, đứa nào đứa nấy mặt cắt không ra máu. Ba chân bốn cẳng, tôi chạy vội về nhà, cùng cha nhảy xuống căn hầm vừa đào bên bụi tre ở góc vườn. Mẹ tôi bế em út mới ba tháng tuổi và kéo em gái tôi mới lên 5 xuống căn hầm cạnh gốc mít to trong vườn. Khi tôi nằm gọn dưới hầm, cha tôi lấy nong và cành cây phủ lên trên.

Lẫn trong tiếng máy bay rú rít, tiền bom đạn là tiếng trẻ con khóc, tiếng người lớn gọi tìm con í ới, nháo nhác khắp làng. Sau này, em con cậu Hai tôi bảo, nó nhanh chân chạy về nhà, chui vào buồng, chốt chặt cửa rồi yên chí nằm trong đó, vì máy bay không vào được...!

Sau đợt ném bom thứ nhất của máy bay Mỹ, từ phía T.P Vinh (cách nhà tôi chứng 10km), một cột khói khổng lồ, đen kịt bốc lên, tỏa ra. Liền đó, tôi nghe người lớn kháo nhau, máy bay ném bom trúng kho xăng dầu Bến Thủy (sau này mới biết chỉ còn một ít cặn dầu mỡ; phần lớn xăng dầu, ta đã chủ động sơ tán từ trước). Chỉ một ít cặn dầu mỡ mà cột khói hình nấm bốc cao ngất trời, trông không khác gì cột khói bom nguyên tử trong sách giáo khoa nói về vụ Mỹ ném bom xuống Hirôsima Nhật Bản trong Thế chiến hai. Cách cả chục cây số mà chỗ chúng tôi, bụi tro than rơi lả tả, mùi khói xăng dầu khét lẹt...

Chiều hôm đó, máy bay Mỹ còn vào đánh phá T.P Vinh và vùng phụ cận hai lần nữa. Mỗi lần từng tốp hai hay bốn chiếc bay vào, tiếng động cơ gầm rú, bom đạn nổ ùng oàng, rồi tiếng đạn pháo cao xạ của bộ đội phòng không quất đanh, gọn, chát chúa... đinh tai, nhức óc. Xen trong mớ âm thanh kinh khủng đó là tiếng trẻ con sợ hãi kêu khóc, người già cầu trời khấn Phật, mong yên hàn qua kỳ bom rơi đạn lạc...

Sau ngày 5-8-1964, bẵng đi mấy tháng yên ắng, từ tháng 2-1965 cho đến ngày Mỹ buộc phải chấm dứt ném bom đánh phá miền Bắc, quê tôi chẳng khác gì túi bom, túi đạn. Thế hệ chúng tôi chai lỳ và lớn lên từ trong rau cháo, đạn bom, rồi theo bước cha anh ra trận... nhưng ký ức về ngày đầu chiến tranh, về ngày 5-8-1964, như một vết thương, hằn sâu, còn mãi...

(còn nữa)

Duy Tường