Trong đời cầm bút của mình, tôi có may mắn thể hiện bộ ba cuốn hồi ký hơn nghìn rưỡi trang viết của bác Đồng Sĩ Nguyên - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó thủ tướng), Trung tướng - nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn... Cũng vì thế, kỷ niệm của hai bác cháu, như nhiều người nói có thể viết được một cuốn sách hấp dẫn về nghề cầm bút. Xin được ghi lại một vài kỷ niệm:

1. Phù thịnh chứ mấy ai phù suy!

Năm 1998, sau khi hoàn thành biên soạn hai chương trong công trình “Lịch sử Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh” mà tôi được tham gia dưới sự chỉ đạo của bác Nguyên, bác cho mời tôi lên trụ sở Văn phòng Chính phủ (lúc đó bác là Đặc phái viên cao cấp của Chính phủ), rồi ân cần bảo: “Chú đã hoàn thành phần viết của chú rồi. Tôi đọc kỹ và thấy hấp dẫn. Bây giờ chú có thể giúp tôi viết cuốn hồi ký, tôi ấp ủ bấy lâu mà chưa thực hiện được…”.

Được bác tin tưởng, tôi vô cùng cảm động. Nhưng thấy công việc như ngoài tầm với của mình, tôi mạnh dạn: Thưa bác, cháu cảm ơn vì được bác động viên. Những cháu thấy việc bác nhờ hơi khó với cháu. Viết sử có cái khó, nhưng cũng có cái dễ. Nếu có được phương pháp luận tốt, tư liệu phong phú và xử lý tư liệu tốt thì có thể viết được. Nhưng hồi ký cần nhiều thứ, nhất là cảnh tình, không gian, tâm trạng của chủ thể… Cháu biết thời bác ở Trường Sơn, xung quanh bác có nhiều nhà văn, cây viết có tiếng… Nếu các vị đó giúp bác là tốt nhất. Còn cháu chưa một lần đặt chân đến Trường Sơn…

Nghe tôi bộc bạch, bác cười cười rồi nói: “Tôi hiểu, trước đây, khi tôi đang tại chức cũng có vài vị nói sẽ giúp, nhưng rồi không đâu vào đâu, bây giờ lại càng khó. Ở đời người ta phù thịnh chứ mấy người phù suy, chú…!”.

Bác đã nói vậy, không lý do gì nữa để chối từ, tôi vào cuộc nhưng vẫn lo. Rồi chỉ chừng tám tháng (tranh thủ ngày nghỉ và buổi tối) tôi đã giúp bác hoàn thành cuốn hồi ký thứ nhất “Đường xuyên Trường Sơn” (viết về thời gian bác làm Tư lệnh chiến trường Trường Sơn), 440 trang khổ lớn; xuất bản lần đầu hơn 6.000 bản; được tái bản hai lần và dịch ra tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha.

2. Chú thông cảm, bà nhà tôi nghĩ chú là nhà báo…!

Vào một sáng sớm đầu năm 1999, bác Nguyên cho gọi tôi đến nhà bác - 54 Nguyễn Bỉnh Khiêm để giúp bác hoàn chỉnh dự thảo lời giới thiệu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết cho cuốn Lịch sử Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn sắp xuất bản. Tôi biết hôm đó bác phải làm việc sớm với tôi để còn dự họp Quốc hội. Trong lúc hai bác cháu đang rì rầm to nhỏ ở phòng khách, tôi giật mình bởi mấy tiếng động ở phòng trong rất khác thường. Linh tính mách bảo tôi rằng bác gái - bác Lan không muốn tôi quấy rầy bác trai. Tất nhiên là bác Nguyên biết điều đó. Hai bác cháu vẫn trao đổi như không có gì xảy ra. Xong công việc, tôi xin phép về luôn. Bác Nguyên tiễn tôi ra cổng rồi vỗ vai tôi nói nhỏ: Hôm nay chú về không kịp uống nước chè xanh quê ta! Chú thông cảm. Bà nhà tôi tưởng chú là nhà báo. Tôi vẫn thường được anh em báo chí “săn sóc” như vậy.

3. Bác của chúng ta thưởng phạt công minh lắm!

Khi giúp bác Nguyên thể hiện cuốn hồi ký thứ hai có tựa đề “Với cả cuộc đời”, tôi rất chú ý đến sự kiện nhà thờ Hương Phương liên quan đến thời gian bác Nguyên làm Huyện đội trưởng huyện Quảng Trạch, Quảng Bình; bởi lẽ tôi được nghe không ít giai thoại xung quanh sự kiện này. Sự thật không như người ta truyền tụng.

Chuyện chưa có hồi kết! Cách đây ngót chục năm, nhà báo M.V cho đăng trên một tờ báo có uy tín bài viết về sự kiện Hương Phương. Nhà báo này đã “thêm dấm thêm ớt” rồi dựng lên một chuyện động trời rằng: Do vi phạm chính sách tôn giáo, nên bác Nguyên bị Tòa án binh xử tử. Biết chuyện, để bảo vệ một cán bộ trẻ có năng lực (vào Đảng năm 16 tuổi, 23 tuổi là Đại biểu Quốc hội Khóa I…), Bác Hồ đã cho điều chuyển bác sang địa bàn khác công tác và đổi tên thành Đồng Sĩ Nguyên…

Sau khi báo đăng bài viết đó, bác Nguyên cho gọi tôi đến nhờ viết bài cải chính trên báo. Hôm đó, với thái độ hết sức bức xúc, bác nói: “Mình đang sống sờ sờ thế mà người ta xem như đã chết rồi; bịa đặt, thêu dệt. Với tôi thì có thể cho qua, nhưng không thể xúc phạm Bác Hồ. Trong sự kiện Hương Phương, chúng tôi không vi phạm chính sách lương - giáo của Đảng, nhưng cũng có khuyết điểm. Biết trước đây người ta đã thêu dệt nhiều chuyện về sự kiện này, nên trong cuốn hồi ký, chú đã giúp tôi nói kỹ về chuyện nhà thờ Hương Phương. Được Bác Hồ đổi tên cho thì có hạnh phúc nào bằng. Tôi không có hạnh phúc đó. Nhưng nếu tôi mắc khuyết điểm thì Bác xử phạt đến nơi đến chốn chứ không có kiểu bao che, thậm chí “lừa” dân như vậy. Bác của chúng ta thưởng phạt công minh lắm…!

4. Chú là người không dễ bẻ cong ngòi bút

Đến nay, tôi đã may mắn giúp nhiều Tướng lĩnh, chính khách thể hiện thành công hồi ký cá nhân. Một lần, có một ông “lớn” nhờ tôi giúp. Biết viết cho vị này không hề đơn giản, tôi tới hỏi bác Nguyên nên viết hay không. Không ngờ sự đắn đo của tôi hoàn toàn có lý. Nghe tôi hỏi, bác khuyên tôi mà không hề giải thích: “Chú lấy cớ bận nhiều việc mà chối đi; chối thật khéo nhưng kiên quyết. Tôi biết chú khéo “lách”, nhưng khéo “lách” không đồng nghĩa với bẻ cong ngòi bút, mà chú là người không dễ bẻ cong ngòi bút...”.

Y lời bác, tôi thoát được “cửa ải” đó…

Nhắc lại những kỷ niệm nhỏ nhoi, cũng là nén hương lòng tôi muốn dâng lên Anh linh của Bác Nguyên khi cả nước kỷ niệm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đầu tiên không còn Bác.

(còn nữa)

Tháng 4-2019

Duy Tường