Bác Hồ với các phóng viên báo đài.
Lâu nay không ít người có thói quen hễ nói đến báo chí, văn nghệ là nghĩ đến bài đăng, vở diễn khen ngợi, tụng ca. Vì thế, ít người giở tờ báo ra lại tìm đọc ngay bài viết hoặc ý kiến phê bình những việc ngang tai trái mắt. Nhưng từ ngày 6-6-1953, trong bài "Phải chống bệnh quan liêu…" ký tên C.B., Bác Hồ đã nêu bật nhiệm vụ của báo chí là vừa biểu dương cái tốt, vừa phê bình cái chưa tốt: "Các báo chí thì cần nêu những việc kiểu mẫu, phân tách rõ ràng, làm cho mọi người nhận rõ: quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Và do đó mà khuyến khích quần chúng, mở rộng phong trào phê bình từ dưới lên".
Hơn hai tháng sau, ngày 17-8-1953, tại lớp chỉnh Đảng Trung ương, Bác Hồ lại căn dặn báo chí và người viết báo: "Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ ta, của nhân dân ta, của bộ đội ta. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu".
Về phương pháp phê bình trên báo, Bác Hồ ân cần khuyên: "Khi nhận được phê bình của quần chúng, thì không nên vội đăng, mà phải lựa chọn, điều tra. Khi phải lựa chọn, điều tra. Khi phải trái đã rõ ràng mới đăng lên báo. Như vậy, phê bình mới có kết quả thiết thực". Người còn căn dặn: "Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn".
Nhưng báo chí cũng không chỉ đăng bài viết, ý kiến phê bình do nhà báo viết, mà còn có nhiệm vụ không kém phần quan trọng là: "Phải làm cho quần chúng hăng hái phê bình, nhưng đồng thời phải lãnh đạo việc phê bình của quần chúng. Như vậy, thì mối quan hệ giữa báo chí và quần chúng càng thêm chặt chẽ; và việc quần chúng và báo chí giúp giáo dục cán bộ cũng có kết quả hơn".Bác Hồ lưu ý báo chí "phải lãnh đạo việc phê bình của quần chúng", vì báo chí ta là một binh chủng trên mặt trận tư tưởng, nên phê bình trên báo chí cũng phải có sự lựa chọn vấn đề nào cần đưa, vấn đề nào chưa nên đưa, thậm chí không nên đưa lên công luận.
Là nhà báo lão luyện, nên mỗi khi có dịp là Bác Hồ lại nhắc nhở báo chí và nhà báo phải nắm vững một đặc trưng quan trọng của báo chí cách mạng là tính trung thực. Mà trong phê bình, tính trung thực lại càng phải được đặt lên hàng đầu, vì phê bình là để "trị bệnh cứu người", thiếu trung thực thì làm sao bốc được đúng thuốc. Thế nên, từ năm 1953, tại lớp chỉnh Đảng Trung ương, Bác Hồ đã căn dặn: "Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn". Đến Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam, Bác Hồ lại căn dặn: "Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách, mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng, "trị bệnh cứu người". Chớ phê bình lung tung không chịu trách nhiệm".
Một khi báo chí đã phê bình "một cách thật thà, chân thành, đúng đắn" trên tinh thần "xây dựng", "trị bệnh cứu người"thì tập thể, cá nhân được phê bình cũng cần có thái độ đúng mực. Bác Hồ khuyên: Những người (bất kỳ ở địa vị nào) và những cơ quan được phê bình phải có thái độ thật thà, khiêm tốn". Nên lưu ý trong lời căn dặn này Bác Hồ dùng chữ "được phê bình" và nhấn mạnh cả ba chữ, điều đó vượt xa tầm suy nghĩ và cách nói của một số người thường là "bị phê bình", như hàm chứa cái gì oan ức, tai bay vạ gió. Trong thái độ tiếp nhận phê bình, Bác Hồ đòi hỏi một sự thẳng thắn, minh bạch ở người được phê bình: "Phê bình đúng thì phải đăng báo nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa. Nếu phê bình sai, thì đăng báo giải thích". Bác đòi hỏi cơ quan, đơn vị, cá nhân được báo chí phê bình: "Quyết không được "phớt" lờ phê bình và "trù" người phê bình". Bác Hồ cũng thẳng thắn phê bình hiện tượng phớt lờ dư luận, thành kiến, thậm chí trù dập người viết bài phê bình trên báo: "Có một vài cán bộ và cơ quan, vì sợ phê bình mà chẳng những không giúp đỡ người viết báo lại còn có thái độ không tốt với họ, thậm chí đi kiện họ trước tòa án. Những hành động như vậy cần phải chấm dứt". Lại có hiện tượng đăng báo phê bình nhưng cơ quan, đoàn thể được phê bình cứ im hơi lặng tiếng, cũng được Bác Hồ nghiêm khắc uốn nắn: "Các báo thường đăng lời phê bình của nhân dân. Nhưng nhiều khi như "nước đổ đầu vịt", cán bộ, cơ quan và đoàn thể được phê bình cứ im hơi lặng tiếng, không tự kiểm điểm, không đăng báo tự phê bình và sửa chữa".
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ tối cao của Đảng và nhân dân ta, mà còn là nhà báo vĩ đại, nên những điều căn dặn của Bác Hồ về báo chí và phê bình trên báo chí là vô cùng thiết thực và bổ ích không chỉ với người làm báo, mà với cả mọi người trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ. Bởi trong phê bình, cả về phía báo chí và về phía được phê bình, Bác đều đòi hỏi phải đặt lên hàng đầu tính trung thực, coi đó là cái đức không thể thiếu trong phê bình.
Lê Hồng Thiện (tổng hợp)