Để lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành thắng lợi, ngay sau khi Đảng ta vừa ra đời, từ ngày 14 đến 31-10-1930, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập Hội nghị T.Ư Đảng Cộng Sản Đông Dương tại Hương Cảng, Trung Quốc. Cùng với việc thông qua Luận cương Chính trị của Đảng, Hội nghị còn đề ra Án nghị quyết về vấn đề phản đế. Nội dung ghi rõ: “Ở Đông Dương có nhiều lực lượng phản đế mà hiện nay cần phải liên hiệp lại làm một phong trào cách mạng để đánh đổ đế quốc chủ nghĩa, mau giải phóng cho xứ Đông Dương1. Án nghị quyết đã chỉ rõ: “Việc tổ chức Hội Phản đế là một trách nhiệm cần kíp của Đảng. Thế mà từ trước đến giờ Đảng không có một kế hoạch cho xác đáng để tổ chức hội ấy”2. Trên cơ sở đó, ngày 15-11-1930, Ban Thường vụ T.Ư Đảng đã ra chỉ thị về vấn đề thành lập Hội Phản đế đồng minh là tổ chức Mặt trận đầu tiên.
Hội nghị thành lập Hội Phản đế đồng minh do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì ở hải ngoại. Khi đó ở trong nước phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đang phát triển mạnh. Chính quyền Xô viết đã ra đời ở nhiều địa phương trên 2 tỉnh Nghệ - Tĩnh và thực dân Pháp bắt đầu huy động lực lượng ở các nơi về tập trung lực lượng khủng bố trắng. Từ thực tiễn của phong trào cách mạng ở 2 tỉnh Nghệ - Tĩnh, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và T.Ư đã đúc rút thêm kinh nghiệm trong công tác tổ chức và xây dựng lực lượng Mặt trận. Nội dung Án nghị quyết đã ghi: “Trong cách mạng phản đế và điền địa ở Đông Dương thì dân tộc Việt Nam là một dân tộc có lịch sử đấu tranh bất diệt với giặc Pháp từ ngày Pháp chiếm đến nay, nên đầu óc phản đế trong các tầng lớp nhân dân rất mạnh mà nhất là Nghệ - Tĩnh”.
Chỉ thị của Ban Thường vụ T.Ư Đảng ngày 18-11-1930 về với tỉnh Đảng bộ Nghệ - Tĩnh như mở ra lối thoát trong công tác vận động toàn dân đoàn kết đấu tranh chống khủng bố trắng của thực dân Pháp, bảo vệ chính quyền Xô viết non trẻ mới ra đời. Để tăng cường mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, thắt chặt mối đoàn kết công nông binh, nhiều tổ chức quần chúng lần lượt được ra đời và hoạt động rất có hiệu quả. Người tổ chức Hội Phụ lão, Hội Phụ nữ, Hội Thanh niên... các tổ chức Hội Tán trợ, Hội Cứu tế đỏ, Hội Làm đồng, Hội Lợp nhà, Hội Buôn bán, Hội hiếu... Đảng bộ Nghệ An đã thực hiện và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về công tác Mặt trận xuống cơ sở. Từ đường phố ở thị xã Vinh đến nông thôn nên tập hợp được mọi tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ nhằm bảo vệ Đảng kéo dài ảnh hưởng của Xô viết Nghệ Tĩnh trong nhân dân. Đó là thành quả to lớn của Mặt trận phản đế đồng minh từ ngày đầu dựng Đảng3.
Sau 30 năm đi bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 8-2-1941, Nguyễn Ái Quốc với tên mới là Hồ Chí Minh đã về Tổ quốc (tại Cao Bằng) trực tiếp lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh giành độc lập dân tộc. Để đoàn kết toàn dân trong một Mặt trận thống nhất chống phát xít, chớp thời cơ giành độc lập cho dân tộc, ngày 19-5-1941, Bác Hồ đã chủ trị Hội nghị thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất chống Pháp - Nhật, lấy tên là Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh). Mặt trận đã đề ra chương trình hành động gồm 10 điểm: Lấy lá cờ màu đỏ hình chữ nhật, có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa làm cờ của Mặt trận Việt Minh (đến năm 1945 khi giành được độc lập là Quốc kỳ). Đến ngày 25-10-1941, Tổng bộ Việt Minh được phổ biến rộng rãi cho nhân dân cả nước. Nhằm cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam cùng nhau đoàn kết và hăng hái tham gia Mặt trận Việt Minh, Bác Hồ đã sáng tác nhiều bài thơ, viết nhiều bài đăng trên báo Độc lập, viết cả thư để kêu gọi đồng bào ta cả nước thi đua gia nhập Mặt trận Việt Minh. Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì thư của Bác Hồ kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân gia nhập và ủng hộ Mặt trận Việt Minh “Đã gây một tác động lớn trong đồng bào và các đồng chí ta suốt từ Bắc chí Nam”4.
Trong điều kiện dân trí từ thời Pháp thuộc còn thấp kể cả đội ngũ làm công tác tuyên truyền của Việt Minh. Vì thế từ 10 điểm của Mặt trận Việt Minh đề ra đã được Bác Hồ sáng tác thành bài thơ song thất lục bát ngắn gọn, súc tích phù hợp với từng đoàn thể của Mặt trận: nông dân, công nhân, thợ thuyền, phụ nữ, phụ lão, thiếu niên và nhi đồng... Mùa Xuân năm 1942, Bác viết tập thơ dài “Lịch sử nước ta”. Bác còn có thơ chúc Tết năm Nhâm Ngọ (1942):
“Chúc phe dân chủ thắng lợi
Chúc đồng bào ta đoàn kết mau
Chúc Việt Minh ta tiến tới...”.
Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân của Bác Hồ kính yêu từ ngày đầu thành lập Đảng luôn luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam gìn giữ và phát huy trong thời gian trường kỳ kháng chiến chống quân xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta trong hòa bình. Tư tưởng ấy là kim chỉ nam cho toàn Đảng và toàn dân ta đắp xây đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh sánh vai cùng bầu bạn quốc tế.
Hà Lạc