Ngay từ khi thành lập năm 1930, Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta đã ghi “nam nữ bình quyền”. Đảng sớm nhận rõ, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ phải giải phóng phụ nữ; gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ.
Ngày 20-10-1930, Hội phụ nữ phản đế Việt Nam chính thức được thành lập. Để đánh dấu sự kiện này, Quốc hội Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20-10 hàng năm làm ngày truyền thống của Hội và coi đây là ngày tôn vinh phụ nữ Việt Nam.
Trong các giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, không thể kể hết những tấm gương phụ nữ anh hùng quả cảm, chiến đấu hi sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân. Có những mẹ Việt Nam anh hùng lần lượt tiễn chồng, con, cháu ra mặt trận chiến đấu chống kẻ thù rồi anh dũng hi sinh. Và còn biết bao nhiêu phụ nữ khác một mình nuôi cha mẹ già, chăm sóc con nhỏ để chồng đi chiến đấu xa mà vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lao động sản xuất ở hậu phương,..
Truyền thống anh hùng của “đội quân tóc dài” tiếp tục được phát huy trong giai đoạn mới. Phụ nữ tiếp tục khẳng định được vị thế và vai trò quan trọng của mình. Về trình độ, hiện nay, cứ 100 cử nhân có 36 nữ, 100 thạc sĩ có 34 nữ, 100 tiến sĩ có 24 nữ. Trong Quốc hội, phụ nữ chiếm hơn 27%, và Việt Nam được đánh giá là nước có tỉ lệ phụ nữ tham gia hoạt động chính trị cao nhất thế giới.
Trong tất cả các ngành, lĩnh vực công tác, phụ nữ đều khẳng định được vị trí, khả năng đóng góp không thua kém gì nam giới. Nhiều chị em đạt được những giải thưởng cao quý trong nước và quốc tế, vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu "Nhà giáo Nhân dân" và "Nhà giáo Ưu tú", "Thầy thuốc Nhân dân", "Thầy thuốc Ưu tú", "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú". Nhiều nữ trí thức đã trở thành các nữ doanh nhân giỏi, năng động, tài ba... Ở nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa và ở không ít vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vai trò của phụ nữ cũng được khẳng định đúng mức, nhất là trong các chương trình mục tiêu lồng ghép như xoá đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục, y tế cộng đồng, bảo tồn giá trị văn hoá...
Ngày nay, để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phụ nữ Việt Nam luôn luôn cố gắng nâng cao trình độ học vấn, kĩ năng nghề nghiệp, rèn luyện sức khoẻ, trau dồi đạo đức, tích cực tham gia các phong trào do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động.
Phẩm chất người phụ nữ Việt Nam được khẳng định ở mọi nơi, mọi lúc. Nhiều phụ nữ nông thôn trở thành nữ công nhân có trình độ, làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp, và cả trên đồng ruộng được cơ khí hoá, tự động hóa. Nhờ thông tin điện tử, thương mại điện tử, những ngành có đông lao động nữ như nông nghiệp, thủy hải sản, may mặc, dịch vụ... đang từng bước hoà nhập vào hệ thống kinh tế quốc tế. Cùng với đó, phụ nữ có ảnh hưởng to lớn tới hạnh phúc và sự ổn định của gia đình. Họ luôn luôn đứng sau những thành công trong sự nghiệp của chồng, sẵn sàng hi sinh lợi ích bản thân để giúp con cái trưởng thành và vững vàng trong cuộc sống.
Nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ; đòi hỏi thường xuyên cần có sự quan tâm giúp đỡ, chăm sóc những phụ nữ, còn khó khăn, nhất là chị em ở vùng dân tộc, tôn giáo, vùng sâu, vùng xa; góp phần rút ngắn sự chênh lệch, khoảng cách giữa các đối tượng, vùng miền,tạo mọi điều kiện để thực hiện có hiệu quả các quyền cơ bản và phát huy vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội là trách nhiệm không chỉ của đơn vị các cấp, các ngành mà cũng là trách nhiệm của từng cấp Hội CCB, để phụ nữ ngày nay tiếp tục khẳng định được vị thế và vai trò quan trọng không thể thiếu của mình. Họ vừa là những người anh hùng lao động cần cù, sáng tạo, thông minh, vừa có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc, tinh hoa văn hoá dân tộc. Đồng thời, họ là những người con trung hậu, là những người mẹ dịu hiền, người vợ đảm đang, sinh ra và nuôi dạy nên những thế hệ anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.
CCB Việt Nam