Trong những ngày tháng 10 này, mỗi chúng ta lại bồi hồi nhớ về hình ảnh trùng trùng những đoàn quân trên mình khoác áo trấn thủ, chân đi dép cao su, từ 5 cửa ô như 5 cánh sao vàng vào giải phóng Thủ đô. Nhạc sĩ Văn Cao - tác giả bài hát “Tiến quân ca” được chọn làm Quốc ca bất hủ đã có những dự báo linh cảm thật kỳ lạ khi ông viết bài hát “Tiến về Hà Nội” từ năm 1949 với thể loại hành khúc đem lại không khí sôi nổi đầy khí thế trào dâng. Nghe trong câu hát có nhịp bước hành quân với bao xôn xao hạnh phúc giữa rừng cờ hoa chào đón hân hoan. Trước ngày giải phóng Thủ đô 5 năm, nhạc sĩ tài hoa tưởng tượng đã vẽ nên một không khí rộn ràng đúng như hiện thực: “Năm cửa ô đón những đoàn quân trở về/ Những đài hoa đón mừng nở năm cánh đào”.Một không khí nào nức  tưng bừng cuộn chảy: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về”…

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là sáng ngày 10-10-1954, Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân Tiên phong) dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô tiến vào Hà Nội. Từ sáng sớm, nhân dân Thủ đô đã tưng bừng mang theo cờ hoa, ảnh Bác Hồ ra khắp các ngả đường chào đón bộ đội vào tiếp quản Thủ đô. Trên ngực các anh lấp lánh huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên” trở về thành phố thân yêu nơi sinh ra Trung đoàn Thủ đô. Cũng từ thành phố này  9 năm trước, các anh đã “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” chiến đấu giành giật từng tấc đất ngõ phố, ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch, hy sinh anh dũng. Hôm nay, các anh đã trở về với nhịp bước quân hành. Nhịp bước ấy đã làm nên một Điện Biên Phủ lẫy lừng năm châu để sau này năm 1972, trên vòm trời Thủ đô lại có trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” thật hào hùng oanh liệt bắn hạ pháo đài bay Mỹ B-52 bằng những con rồng lửa từ đất Thăng Long ngàn năm lịch sử.

Trên đường về giải phóng Thủ đô, Trung đoàn Thủ đô đã dừng chân ở Đền Hùng thiêng liêng quây quần xung quanh vị Cha già dân tộc để nghe Bác Hồ dặn dò ân cần như một thông điệp hướng về tương lai: “Ngày xưa các Vua Hùng đã có công dựng nước. Ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước . Và cũng thật tự hào biết bao trong ký ức của người Hà Nội còn nhớ rõ cái thời điểm lịch sử lúc 15 giờ ngày 10-10-1954 còi trên nóc Nhà hát thành phố nổi lên một hồi dài. Hàng trăm nghìn người dân Hà Nội dự lễ chào cờ tại sân vận động cột cờ. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính - Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. Mở đầu lời kêu gọi, Người viết: “Tám năm qua Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ vẫn luôn gần cạnh đồng bào…”. Thưa Bác! Tuy Bác đã đi xa nhưng hình ảnh kính yêu của Bác vẫn luôn sống giữa lòng dân tộc. Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân, vẫn cùng nhịp bước quân hành không chỉ trong ngày giải phóng Thủ đô mà cả sau này trong chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng.

Ngày giải phóng Thủ đô là một cuộc gặp gỡ hân hoan và xúc động biết bao. Nhà thơ Tạ Hữu Yên viết bài thơ “Cảm xúc tháng mười” sau đó được nhạc sĩ Nguyễn Thành chắp cánh bay cao bay xa: “Mẹ đứng hàng đầu rưng rưng nước mắt/ Xốn xang mẹ thường gọi các con/ Anh chiến sĩ mến thương nhìn mẹ/ Nghe niềm vui ấm cả tâm hồn”. Thưa mẹ, Đường về giải phóng thủ đô chính là con đường của truyền thống lịch sử tiếp nối ông cha ngàn năm dựng nước và giữ nước. Trong những bước quân hành ta như vẫn còn nghe âm vang cuộc hành quân thần tốc đoàn quân voi chiến, ngựa chiến của Vua Quang Trung từ Nam ra Bắc tiến vào  thành Thanh Long năm Kỷ Dậu (1789) đánh tan quân Thanh với chiến thắng vang dội oanh liệt: Ngọc Hồi - Đống Đa. Chúng ta vẫn còn nghe âm vang khí thế cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 trào dâng  như nước vỡ bờ vùng lên giành chính quyền ở Bắc Bộ Phủ, mít tinh ở Nhà Hát lớn. Niềm hạnh phúc dâng trào khi Thủ đô được chọn là điểm hẹn của lịch sử.

Ngày về giải phóng Thủ đô chính là một chặng đường đi qua biết bao hy sinh để có được ngày vui giải phóng, một niềm vui tưng bừng mà rưng rưng xúc động như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Về đến đây rồi Hà Nội ơi/ Ngày đi kháng chiến chín năm trời/ Hôm nay về lại đây Hà Nội/ Ràn rụa vui là nước mắt cười”. Ngày giải phóng Thủ đô chính là con đường kết tinh cao đẹp truyền thống yêu nước của dân tộc ta mà Thủ đô Hà Nội hào hoa là nơi hội tụ bao tinh hoa của mọi miền chứa đựng những nét văn hóa đậm chất thanh lịch tao nhã của người Tràng An. Đường về giải phóng Thủ đô là con đường chiến lược cách mạng mà Bác Hồ và Đảng ta đã vạch ra để hướng tới tương lai: Thành phố vì hòa bình, Thủ đô của phẩm giá con người, của niềm tin và hy vọng.

                                                                                     Hà Tĩnh ngày 27-9-2023

Nguyễn Ngọc Phú