Nhưng có lẽ cuộc nổi dậy của quần chúng cách mạng vào tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng là vĩ đại hơn cả. Cách mạng Tháng Tám là cuộc biểu dương sức mạnh nhân dân mà tượng trưng là hình ảnh một rừng cờ đỏ sao vàng. Lá cờ bay trong nắng thu vàng từ Bắc vào Nam, từ miền ngược xuống miền xuôi. Những người treo cờ năm ấy đã nhớ lại:
Chiều ngày 17-8-1945, tại Nhà hát Lớn TP Hà Nội, cuộc mít tinh do Tổng hội viên chức tổ chức vừa khai mạc thì bất ngờ các đội viên tuyên truyền xung phong từ trong đám đông giương cao lá cờ đỏ sao vàng. Quần chúng reo hò vang dậy: “Cờ Việt Minh”, “Cờ Việt Minh”. Lính cảnh sát và bảo an ngơ ngác, đứng im tại chỗ. Trật tự cuộc mít tinh tan vỡ. Giữa lúc đó, một tổ đặc biệt của Đoàn Thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu gồm các đồng chí Thái Hy, Lê Phan, Từ Như Trang, do đồng chí Thái Hy làm tổ trưởng chiếm lấy diễn đàn. Mặt trước của Nhà hát Lớn, một lá cờ đỏ sao vàng khổ rộng được đồng chí Trần Lâm (nguyên Tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam) buông từ tầng gác xuống. Đồng chí Lê Phan giành lấy micro, báo tin Nhật đầu hàng và mời đồng bào nghe cán bộ Việt Minh nói chuyện. Nữ đồng chí Từ Như Trang lên diễn đàn kêu gọi đồng bào ủng hộ Việt Minh… Cuộc mít tinh biến thành biểu tình tuần hành. Đồng chí Lê Chi (tức Mai Thiện Chi), thành viên Đội Danh dự Việt Nam đã vác một lá cờ đi trước cuộc biểu tình, quần chúng tự động xếp thành hàng ngũ, đi từ Nhà hát Lớn, qua phố Tràng Tiền, sang phố Đinh Tiên Hoàng vừa đi vừa hô vang các khẩu hiểu “Ủng hộ Việt Minh”,”Đả đảo bù nhìn”, “Việt Nam độc lập”… Người hai bên hè phố tiếp tục xuống đường tham gia làm cho đoàn biểu tình ngày càng lớn. Cuộc treo cờ ở Phủ Khâm sai Bắc Bộ được ông Quang Ngọc kể và ông Nguyễn Hải ghi như sau: “…Trèo qua hàng rào sắt vào phủ Khâm sai, tôi cùng mấy anh em đột nhập trước mũi súng của toán lính bảo an. Tôi chạy lên tầng trên qua cánh cửa cầu thang bên phải. Trên đó vắng ngắt. Nhìn ra lan can phía ngoài thấy cột cờ ngả xuống phía trước; lòng thòng sợi dây mà không thấy lá cờ “Quẻ ly” như hàng ngày đi qua đây nhìn vào. Tôi thận trọng buộc cho thật chắc lá cờ đỏ sao vàng rồi kéo lên đỉnh cột. Sau đó tôi cùng mọi người ngất ngây ngắm lá cờ. Lúc này là giữa trưa, lá cờ ánh lên sắc thắm đỏ trong nắng mới chói chang, rực rỡ…”. Sáng 19-8-1945, một đoàn từ Cổ Nhuế đông tới hàng ngàn người rầm rập kéo vào nội thành vừa đi vừa hô khẩu hiệu vang như sấm động. Người dẫn đầu đã giương cao lá cờ đỏ sao vàng dài 10 mét, rộng 6 mét. Đi sau lá cờ là đội kèn xứ đạo Cổ Nhuế cùng chơi bài “Diệt phát xít” do nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi sáng tác.
Cuộc treo cờ ở dinh Khâm sai Sài Gòn do ông Ung Ngọc Ky kể lại: “Đúng 20 giờ, chúng tôi tiến vào dinh Khâm sai. Anh Lê Văn Vang và anh Cao Văn Tích mang lá cờ đỏ sao vàng và cờ “Liên đoàn thanh niên tiền phong Lê Lai”, hăm hở đi trước. Vào được trong dinh, chúng tôi đến chỗ anh em bồi bếp hỏi chìa khóa mở cửa lên bao lơn để treo cờ. Hai anh Lê Văn Vang và Cao Văn Tích nhanh nhẹn tháo sợi dây rút lá cờ “Quẻ ly” của chính phủ Trần Trọng Kim xuống, thay vào đó lá cờ đỏ thắm của cách mạng. Anh Lê Văn Vang trao lại sợi dây cho tôi và nói kéo cờ lên. Lúc ấy vào 21 giờ đêm ngày 24-8-1945. Chúng tôi vô cùng sung sướng, ai nấy rơm rớm nước mắt nhìn lá cờ uốn lượn trong gió nhẹ đêm thu…”. Ngày hôm sau cuộc mít tinh mừng Cách mạng Tháng Tám do nhà văn Phạm Tường Hạnh ghi: “Theo anh Huỳnh Văn Tiểng, cuộc mít tinh khổng lồ ngày 25-8-1945 ở Sài Gòn có tới 1,5 triệu người dự. Đúng 8 giờ, Ủy ban hành chính lâm thời ra mắt nhân dân trước bao lơn dinh Đốc lý. Sau lời tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ và công bố danh sách của Ủy ban. Cuộc mít tinh kết thúc trước dinh Độc Lập, nhưng mọi người vẫn không muốn ra về. Đội kèn của Thanh niên tiền phong vang lên bài “Tiếng gọi thanh niên”. Bản nhạc vừa tấu lên liền có ngay sự hưởng ứng của toàn thể đồng bào cùng cất lên tiếng hát: “Này anh em ơi, tiến lên dưới cờ giải phóng/ Đồng lòng cùng đi, đi, đi xá gì thân sống/ Nhìn nước non nát tan, thù nung tâm trí cao/ Nhìn muôn dân khóc than, hồn sôi trong máu đào/ Liều thân xông pha ta tranh đấu/ Cờ nghĩa phấp phới vàng pha máu…”.
Nói về sức mạnh nhân dân trong cuộc Cánh mạng Tháng Tám 1945, chúng ta lại nhớ đến câu nói của Hồ Chủ tịch: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế gian không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.
Tô Kiều Thẩm (tổng hợp)