Đại tướng Võ Nguyên Giáp (trong cuốn Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử) kể : "Bác ngồi họp... Đôi mắt người lộ vẻ chăm chú. Bàn tay Bác đặt lên bàn, bỗng giơ lên và nắm lại... Người nói: "Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Không sợ. Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn...". Bàn tay Bác mở ra, mỗi ngón tay trỏ về một hướng...”. Từ tư tưởng chỉ đạo của Bác, Bộ Chính trị quyết định mở ngay các đòn tiến công chiến lược trên khắp các chiến trường và lấy Tây Bắc làm hướng chính...

Đúng như Bộ Chính trị đã dự kiến, tháng 11-1953, phát hiện một bộ phận quân ta tiến lên Tây Bắc, địch vội vã cho 6 tiểu đoàn nhảy dù xuống chiếm Điện Biên Phủ (20-11); tiếp đó ngày 25-11, chúng lại điều 6 tiểu đoàn đánh chiếm Mường Ngòi, Mường Khoa, xây dựng phòng tuyến sông Nậm Hu để nối liền Thượng Lào với Điện Biên. Chấp hành nghị quyết Bộ Chính trị, Bộ Tổng tư lệnh một mặt ra lệnh cho bộ đội ta ở các mặt trận Lai Châu, Trung Lào và Tây Nguyên nhanh chóng bước vào đánh địch, một mặt khẩn trương chuẩn bị chiến dịch Trần Đình (mật danh của chiến dịch Điện Biên). Và thế là các đòn tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 bắt đầu.

Ngày 10-12-1953, sau khi đã diệt và chiêu hàng hơn một ngàn thổ phỉ ở Mường La và Thuận Châu, ta tiến đánh quân địch ở Lai Châu, tiêu diệt 24 đại đội. Kế hoạch lấy quân Lai Châu tăng cường cho Điện Biên Phủ của địch bị đập tan, Na-va lại vội điều 6 tiểu đoàn cơ động từ đồng bằng lên, đưa lực lượng ở đây tới 12 tiểu đoàn. Điện Biên Phủ trở thành nơi tập trung binh lực thứ 2 của địch trên chiến trường Đông Dương sau đồng bằng Bắc Bộ. Phía biên giới Lào - Việt, trong hai ngày 21 và 22, quân tình nguyện Việt Nam và quân giải phóng Lào đánh luôn hai trận ở Khăm He và Ba Na Phào, tiêu diệt hoàn toàn hai tiểu đoàn cơ động địch, rồi tiến nhanh về Thà Khẹt và Đường 9 giải phóng hầu hết vùng Trung Lào. Địch buộc phải điều động quân từ các chiến trường khác đến tăng viện cho Xê-nô (Xa-van-na-khét). Xê-nô trở thành nơi tập trung binh lực thứ 3 của địch. Ngày 31-1-1954, Liên quân lại tập kích thị xã Áp-ta-pu và giải phóng toàn bộ cao nguyên Bô-lô-ven, sau đó, ta phối hợp với Quân giải phóng Ít-xa-rắc, Cam-pu-chia giải phóng Vương Sai, Xiêm Păng, uy hiếp Stung Treng và tiến vào Công-pông-chàm. Vùng giải phóng Hạ Lào thành vùng tự do rộng lớn ở phía nam Đông Dương. Hướng Tây Nguyên, chủ lực của ta ở Liên khu V cũng dồn dập mở các cuộc tiến công. Ngày 15-12-1954, ta giải phóng thị xã Kon Tum, phá thế uy hiếp của địch ở Quảng Nam và Quảng Ngãi, vùng tự do của ta kéo dài từ ven biển Quảng Nam, Quảng Ngãi đến biên giới Việt - Lào, nối liền với vùng giải phóng Bô-lô-ven. Cũng trong thời gian này, quân ta tập kích thị xã Plây-cu, địch hốt hoảng ra lệnh ngừng cuộc tiến công Phú Yên, điều 11 tiểu đoàn ở Nam bộ và Bình Trị Thiên lên Tây Nguyên để tổ chức 2 tập đoàn cứ điểm An Khê và Plây-cu, đây trở thành nơi tập trung binh lực lớn thứ 4 của chúng. Ở Thượng Lào, để đánh lạc hướng phán đoán của địch, tạo điều kiện cho công việc chuẩn bị tiến công Điện Biên Phủ, ngày 26-1-1954, Liên quân Lào - Việt tiến vào phòng tuyến sông Nậm Hu, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phông Xa Lỳ, 17 đại đội địch, trong đó có một tiểu đoàn Âu - Phi, bị tiêu diệt. Vùng giải phóng của Lào mở rộng thêm gần 10.000km2, nối liền với Tây Bắc Việt Nam. Lo sợ quân ta đánh thẳng vào kinh đô nước Lào, Na-va vội tăng cường cho Luông-pha-băng 5 tiểu đoàn và cho Mường Sài 3 tiểu đoàn. Và đây là nơi tập trung binh lực lớn thứ 5 của chúng.

Còn ở đồng bằng Bắc bộ, từ ngày 12-12-1953 đến ngày 15-2-1954, lực lượng vũ trang địa phương đã đánh 8 trận lớn trên sông Hồng, sông Đáy, sông Đào, sông Thái Bình, diệt 15 đại đội địch, đường số 5 bị tê liệt hàng tuần lễ, phòng tuyến sông Đáy của địch bị phá vỡ. Căn cứ địa của ta ở tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng được mở rộng. Phối hợp với các chiến trường, từ ngày 20-1 đến ngày 20-2-1954, quân dân Bình Trị Thiên cũng tiêu diệt và bức rút 6 vị trí, giải phóng Hướng Hoá, Lăng Cô (Thừa Thiên), trận Phò Trạch (Quảng Trị). Ở Liên khu V, ta tập kích Điện Bàn (Quảng Nam) vùng Hòn Khói (Khánh Hoà), huyện Tánh Linh và Lương Sơn (Bình Thuận). Ở Nam bộ, nhân lúc địch rút gần hết lực lượng cơ động ra Bắc bộ, Tây Nguyên và Trung Lào, ta tăng cường công tác địch vận và nguỵ vận, nhiều đại đội địch bỏ về nhà, phong trào đào rã ngũ lan rộng trong binh lính Hoà Hảo và Cao Đài...

Cuộc chiến đấu của quân - dân ta ở vùng sau lưng địch, cùng với các cuộc tiến công ở mặt trận chính diện, buộc chúng phải phân tán lực lượng như Bác Hồ tiên đoán, tạo điều kiện cho quân dân ta hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn quân địch ở Điện Biên Phủ - một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của chúng ở Đông Dương.

NGUYỄN PHÚC ẤM