Khẩu đội pháo phòng không trong trận đánh ngày 5-8-1964.

Mặc dù phiên hiệu Tiểu đoàn Pháo phòng không 217 bây giờ không còn bởi sau này cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn này đều được bổ sung cho các đơn vị chiến đấu ở nhiều mặt trận. Song, dư âm chiến công đánh thắng trận đầu vẫn đọng lại trong tâm trí những CCB Tiểu đoàn 217 đã trực tiếp chiến đấu đánh trả không quân Mỹ ngày 5-8-1964 trên bầu trời Bãi Cháy - Hòn Gai, ở tỉnh Quảng Ninh.

Ngày 15-3-1963, cấp trên điều động Tiểu đoàn Pháo phòng không 44 của Trung đoàn Pháo phòng không 240 - Đoàn Thành Tô, Hải Phòng ra Quảng Ninh thành lập mới Tiểu đoàn Pháo phòng không 217 bảo vệ Quảng Ninh. Ngày 5-8-1964, khi Mỹ mở đầu cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc, với tinh thần cảnh giác cao và ý chí tiến công, Tiểu đoàn Pháo phòng không 217 đã phối hợp cùng các lực lượng vũ trang đánh trả quyết liệt, bắn rơi 2 máy bay Mỹ, bắn bị thương 1 máy bay khác, bắt sống giặc lái Mỹ Anvaret, là tên giặc lái đầu tiên bị bắt sống trên miền Bắc. Cùng ngày 5-8, quân dân ở các địa phương Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa đã tung lưới lửa lên trời cùng Quảng Ninh bắn rơi 8 máy bay Mỹ, làm nức lòng quân dân ta cùng bầu bạn quốc tế. Chỉ sau 2 ngày, tức là ngày 7-8, Quân ủy T.Ư và Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị Tuyên dương công trạng của các đơn vị. Hội nghị vinh dự được Bác Hồ và các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp tới dự. Tại Hội nghị, Bác Hồ nói: “Bác rất vui thay mặt Đảng, Chính phủ đến khen ngợi các chú đã lập được nhiều thành tích lớn trong các cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ vừa qua. Các chú đã chiến đấu rất dũng cảm, bắn rơi 8 máy bay Mỹ, bắn hỏng 3 chiếc khác. Các chú đã bắt sống phi công Mỹ, đánh đuổi tàu chiến Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta, như vậy là rất tốt!”.

Đóng góp vào chiến công đánh thắng trận đầu ngày 5-8 ở Bãi Cháy - Hòn Gai (Quảng Ninh) của Tiểu đoàn Pháo phòng không 217 là công sức và xương máu của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quân đội và các lực lượng vũ trang trên địa bàn. Tiêu biểu là Tham mưu trưởng tiểu đoàn Trần Tam đã thay thế khi chỉ huy tiểu đoàn đi công tác vắng, ra lệnh chuẩn xác để các trận địa của tiểu đoàn đồng loạt nổ súng bắn hạ 2 máy bay Mỹ, bắn cháy 1 chiếc khác, bắt sống tên Trung úy phi công Anvaret. Trắc thủ máy chỉ huy K40-C141 Phạm Hưng nhờ tinh thần cảnh giác cao đã bắt gọn mục tiêu, chuyển về sở chỉ huy kịp thời phục vụ chiến đấu. Trinh sát tiểu đoàn Nguyễn Bách Thảo đã kiên cường cùng trinh sát Ngô Xuân Huy vững vàng trên nóc hầm chỉ huy sở tiểu đoàn, dưới làn bom đạn không hầm hào che chắn, bắt mục tiêu cung cấp nhanh những phần tử qua máy đo cho chỉ huy. Là chiến sĩ Ngô Nuôi được nghỉ phép đã tình nguyện bỏ phép, bám trận địa làm pháo thủ. Khi khóa nòng pháo hỏng, vỏ đạn hóc, Ngô Nuôi đã dùng tay trực tiếp kéo vỏ đạn nóng bỏng đến cái vỏ đạn thứ 29 cũng là lúc hai bàn tay và bụng anh bỏng rát. Khẩu đội trưởng Trương Thanh Luyện, người thay thế khi chỉ huy trung đội công tác vắng, đã gan dạ chỉ huy trung đội bắn rơi một máy bay A-4D của đối phương, khiến viên phi công Mỹ bật dù xuống biển bị bắt sống. Chiến sỹ quân giới Phạm Quang Phú được lệnh chỉ huy đoàn xe tiếp đạn từ Hải Phòng ra Quảng Ninh qua 4 bến phà trên cung đường 100km, khi thấy một xe dân sự lăm le định vượt đoàn xe tải đạn, anh đã dùng mẹo dọa rằng xe nào vô lối vượt trước xe tải đạn ra chiến trường tôi bắn thủng lốp. Các pháo thủ Phạm Văn Năm và Nguyễn Thanh Tùng quay nòng, đậu cò pháo chính xác bắn hạ máy bay A - 4D của địch. Là Trưởng đài trinh sát Ngô Xuân Huy đã chỉ huy đài phát hiện mục tiêu địch nhanh cung cấp những thông số quan trắc kịp thời bảo đảm cho trận đánh thắng lợi. Nhà báo Nguyễn Công Vượng, phóng viên ảnh Báo Vùng Mỏ (nay là Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh) đã dùng xe đạp vượt qua bom đạn tiếp cận nhanh kịp ghi hình tên giặc lái bại trận Anvaret bị bắt sống, minh chứng cho uy lực của không lực Hoa Kỳ bị quân dân ta, trong đó có  các chiến sĩ Tiểu đoàn Pháo phòng không 217 đánh sụp.

Những nhân chứng tiêu biểu trên đây của Tiểu đoàn Pháo phòng không 217 cũng như hàng trăm cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị người còn, người mất, đã đóng góp công sức và cả xương máu làm nên chiến thắng trận đầu ngày 5-8-1964 trên đất mỏ Anh hùng. Ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc này, Chủ tịch nước đã ký lệnh tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất cho Tiểu đoàn Pháo phòng không 217 ngay sau kỳ tích đánh thắng trận đầu.

ĐINH QUANG HUY