Ghi chép của Chi Phan
Hoà vào không khí tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển vào tháng 12-2011, Hội CCB TP Hồ Chí Minh, Báo CCB TP Hồ Chí Minh phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh cùng Ban liên lạc truyền thống Đoàn tàu không số, tổ chức chương trình giao lưu về nguồn, trong đó có hoạt động của các CCB, khởi nguồn của Đoàn tàu không số, ra thăm miền Bắc; tới chào Chủ tịch nước, thăm Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Hải quân và thả hoa trên cảng K15 ở Đồ Sơn - nơi những con tàu không số đầu tiên chở vũ khí, chi viện cho chiến trường miền Nam.
Sau phong trào đồng khởi tại tỉnh Bến Tre năm 1960, đồng chí Nguyễn Thị Định, Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre đã trực tiếp chỉ đạo thành lập những con thuyền vượt biển ra Bắc. Ngày 1-6-1961, con thuyền đầu tiên được xuất phát từ huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Sau 8 ngày, vượt qua nhiều khó khăn, lênh đênh trên biển, thuyền đã cập được vào bờ biển tỉnh Hà Tĩnh. Tiếp theo là thuyền của Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre 2 và Bà Rịa. Kể từ đầu tháng 6-1961 đến tháng 2-1962, đã có 5 thuyền với 34 cán bộ, chiến sĩ vượt biển ra miền Bắc thành công; giúp T.Ư và Bộ Chính trị có quyết định thành lập Đoàn tàu không số, chở vũ khí theo đường biển, chi viện cho chiến trường miền Nam.
Trong số 34 cán bộ, chiến sĩ vượt biển ra Bắc ngày ấy, có 3 đồng chí hy sinh trên biển, 16 đồng chí đã qua đời, chỉ còn 15 đồng chí ở tuổi cao, trong đó có 5 đồng chí đủ sức khoẻ, tham gia chuyến thăm miền Bắc lần này. Đoàn vinh dự được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đón tiếp thân mật. Trong một căn phòng ấm cúng ở tầng một của Phủ Chủ tịch, CCB Nguyễn Văn Đức, trưởng đoàn, là một trong sáu cán bộ, chiến sĩ, trên con thuyền gỗ đầu tiên từ Bến Tre vượt biển ra Bắc, xúc động nói:
- Thật là vinh dự! Đây cũng là sự kiện hy hữu trong cuộc đời chiến đấu của chúng tôi mà ít ai có được hạnh phúc này. Tại nơi đây, 50 năm về trước, chúng tôi được Hồ Chủ tịch gặp gỡ, thăm hỏi, động viên và chỉ rõ mục tiêu, lý tưởng, phấn đấu cùng quân và dân đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hôm nay vinh dự ấy lại trở lại, Đoàn được Chủ tịch nước đón tiếp thân tình. Thay mặt đoàn, tôi xin thưa với Chủ tịch, chúng tôi, 34 cán bộ, chiến sĩ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần làm nên huyền thoại con Đường Hồ Chí Minh trên biển. Giờ đây, về với đời thường, tận dụng sức lực còn lại, anh em vẫn phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, cùng nhân dân địa phương xây dựng quê hương.
Chủ tịch Nguyễn Minh Triết chăm chú lắng nghe đồng chí trưởng đoàn trình bày vài nét về 5 chiếc thuyền gỗ vượt biển ra Bắc. Đầu tiên là khâu chuẩn bị cho các cuộc hành trình giữa lòng địch, giữ được bí mật đến những ngày xuất phát là một kỳ công. Mặt khác, người trên thuyền, hầu hết chưa đi biển xa bao giờ, trang bị lại sơ sài, không hải đồ, không la bàn; phải nhìn sao Bắc đẩu và mặt trời mà đi. Hơn nữa, có thuyền ở Trà Vinh, không có máy móc, chỉ dùng buồm bằng lá cọ. Hành trình trên biển Đông có hai thuyền bị gió bão dập vùi, phải thả trôi theo sóng lớn; thực phẩm, nước uống không còn, phải uống cả nước tiểu của mình… Cuối cùng, một chiếc trôi dạt vào Ma Cao ( khi ấy là thuộc địa của Bồ Đào Nha), một chiếc trôi dạt vào Hải Nam (Trung Quốc). Sau đó, qua con đường ngoại giao, ta đưa thuyền về nước.
Cảm kích trước những kỷ niệm trên 5 con thuyền gỗ vượt biển ra Bắc, bằng giọng nhỏ nhẹ, chân tình, Chủ tịch nói:
- Tôi từng đọc, từng nghe và tiếp xúc với các chiến sĩ tham gia Đoàn tàu không số, nhưng lần này, tôi thực sự cảm động. Các đồng chí là những tấm gương tiêu biểu về tinh thần dũng cảm kiên cường của quân và dân Việt Nam; đồng thời để lại những bài học quý giá về lòng yêu nước, chí căm thù giặc, tinh thần đoàn kết, xây dựng lực lượng, tình yêu thương đồng chí, đồng đội…
Chủ tịch mong rằng, trong bối cảnh đất nước ngày càng đổi mới và hội nhập sâu rộng với khu vực, thế giới, các CCB từng chiến đấu ở tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển hãy tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương Anh hùng; giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Chủ tịch Nguyễn Minh Triết khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn luôn quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng, thông qua các chế độ đãi ngộ xứng đáng, trên cơ sở chính sách, pháp luật và điều kiện thực tế của đất nước. Chủ tịch đề nghị, sắp tới, nhân kỷ niệm 50 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển, Ban liên lạc truyền thống CCB Đoàn tàu không số, với khoảng 1.300 hội viên, cần có chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể. Trước hết là tập trung rà soát lại khách quan, chính xác, tháo gỡ khó khăn, những oan sai, để ghi nhận và đền đáp xứng đáng công lao, sự hy sinh của tập thể, cá nhân chưa được ghi nhận. Mặt khác, các ban, ngành, đoàn thể cùng với cơ quan chức năng chung tay giúp đỡ để cải thiện cuộc sống của thương binh, bệnh binh, các CCB có hoàn cảnh khó khăn.
Các hoạt động Lễ kỷ niệm 50 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển phải thiết thực, trọng thể, mang ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, có nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh…
CCB Nguyễn Văn Đức thay mặt anh em trong đoàn và đồng đội xin hứa với Chủ tịch nước, sẽ giữ gìn sức khoẻ để sống vui, sống hạnh phúc cùng con cháu; ghi nhận lời dặn dò của đồng chí, luôn luôn phấn đấu là hội viên gương mẫu.
Tiếp tục thực hiện chương trình hoạt động, đoàn đến thăm Bộ Quốc phòng. Đại tướng Phùng Quang Thanh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân uỷ T.Ư, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra tận cửa xe ô tô đón Đoàn. Tình đồng chí, đồng đội, không khí chan hòa, cởi mở, thân thiết biểu hiện ngay từ cái bắt tay đầu tiên. Sau khi nghe Đoàn trưởng Nguyễn Văn Đức báo cáo và một số ý kiến phát biểu của đoàn viên trong đoàn, Đại tướng đánh giá cao tinh thần không sợ hy sinh gian khổ, chiến đấu dũng cảm, mưu trí của 34 cán bộ, chiến sĩ đầu tiên vượt biển ra Bắc nói riêng và hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ trong Đoàn tàu không số nói chung. Bộ trưởng khẳng định: Đường Hồ Chí Minh trên biển là chiến công to lớn, là kỳ tích hào hùng, thể hiện sức mạnh của cả dân tộc và nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.
Qua trao đổi trong buổi tiếp đoàn, Đại tướng Phùng Quang Thanh biết rằng, hiện nay có tới 60-70% CCB ở Đoàn tàu không số còn nghèo, gặp khó khăn về cuộc sống, trong đó có một số gia đình của 34 cán bộ, chiến sĩ đầu tiên vượt biển ra Bắc. Bởi lẽ, anh em nhiều năm tháng vào, ra, lênh đênh trên biển. Khi hoàn thành nhiệm vụ, lên bờ, không nghề nghiệp, ai nấy khó hội nhập với cuộc sống; không được hưởng chế độ đi B. Cán bộ chiến sĩ ở Đoàn tàu không số, làm nhiệm vụ có tính chất đặc thù nhưng không được hưởng “chính sách đặc thù”. Vì vậy, nhân dịp này, Bộ trưởng đã quyết định tặng 10 nhà tình nghĩa (mỗi nhà trị giá 60 triệu đồng) cho 10 gia đình CCB có khó khăn về nhà ở và trao 34 suất quà cho CCB, thân nhân cán bộ, chiến sĩ khởi nguồn của Đoàn tàu không số. Đại tướng Phùng Quang Thanh nhắc Ban liên lạc truyền thống CCB Đoàn tàu không số cùng với Bộ tư lệnh Hải quân khẩn trương hoàn tất hồ sơ, đề nghị Nhà nước khen tặng, truy tặng các CCB Đoàn tàu không số, trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập.
Trong thời gian ở thăm Thủ đô Hà Nội, Đoàn đã vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mọi người vô cùng xúc động nhớ lại sự quan tâm ân cần và lời dạy bảo của Bác, 50 năm về trước. Một vinh dự lớn lao trong đời một con người, các cán bộ, chiến sĩ được gặp Bác Hồ và các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng. Bác Hồ tươi cười hỏi: “Các chú ra đây có yêu cầu gì với T.Ư nào?”. Tất cả đồng thanh trả lời: “Thưa Bác! Chúng cháu ra đây có nguyện vọng xin được nhiều vũ khí về Nam đánh giặc; cả loại vũ khí đánh lô cốt, tàu chiến Mỹ nữa ạ!...”. Bác thân mật nhìn các chiến sĩ nói: “Không chỉ đánh đồn bốt, tàu chiến Mỹ. Chúng có thể đưa quân vào; phải chuẩn bị đánh lâu dài, đánh thắng quân đội Mỹ có trang bị, vũ khí hiện đại…”. Tiếp đó, Bác ân cần dặn dò các chiến sĩ phải nghỉ ngơi, giữ sức khoẻ; tranh thủ học văn hóa, học chuyên môn, kỹ thuật tàu thuyền. Những lời dạy bảo của Người đã trở thành mệnh lệnh của trái tim, khối óc mỗi người, khiến ai nấy sẵn sàng vượt qua khó khăn, nguy hiểm; sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ…
Xuống Hải Phòng thăm Bộ tư lệnh Hải quân, đoàn coi như về nhà. Đồng chí Tư lệnh và mấy Phó tư lệnh bận chỉ đạo cuộc diễn tập nên vắng mặt. Chuẩn đô đốc Lê Văn Đạo, Phó tư lệnh Quân chủng cùng một số cán bộ, chiến sĩ nồng nhiệt đón đoàn. Đồng chí thay mặt Quân chủng bày tỏ niềm vui mừng được đón Đoàn CCB của 5 chiếc thuyền gỗ, đầu tiên vượt biển ra miền Bắc, tìm đường vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau khi giới thiệu vài nét về thành tích của Hải quân nhân dân Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và xây dựng Quân chủng tiến lên chính quy, hiện đại, Phó tư lệnh Lê Văn Đạo thông báo với đoàn về quyết định của Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng, sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển vào ngày 23-10-2011, ở cấp quốc gia. Trong thời gian này, Quân chủng sẽ mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để tuyên truyền, giáo dục về lịch sử, truyền thống của Hải quân, nhất là truyền thống mở Đường Hồ Chí Minh trên biển, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, giá trị nhân văn cao cả, khí phách anh hùng và chiến công sáng ngời của cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số cũng như nhân dân các đầu bến bãi, đã cống hiến, hy sinh anh dũng vì sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc.
Từ ngày 4-9 đến ngày 23-10-2011, các đơn vị tổ chức đợt thi đua cao điểm với chủ đề “50 ngày đêm hành động kiểu mẫu”. Quân chủng tổ chức gặp mặt truyền thống ở Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh và xây nhà tình nghĩa, nhà đồng đội để tặng các gia đình chính sách, CCB trong Đoàn tàu không so, cùng các địa phương có bến bãi tiếp nhận vũ khí. Đặc biệt, trong dịp này, Quân chủng Hải quân sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng cùng Ban liên lạc truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển xem xét, giải quyết những tồn đọng cho cán bộ, chiến sĩ, CCB ở Đoàn tàu không số, sớm đề nghị với Đảng, Nhà nước tặng thưởng các loại huân chương và danh hiệu cao quý hơn đối với các đối tượng trên.
Thay mặt Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân, Chuẩn đô đốc Lê Văn Đạo đã thân mật trò chuyện, thăm hỏi từng người và tặng quà cho 5 CCB cùng 34 gia đình. Thấy CCB Huỳnh Phước Hải trong đoàn, nguyên là chiến sĩ thuyền gỗ Bến Tre 2, đi dép và mặc quân phục bộ binh, đồng chí lệnh cho nhân viên văn phòng quân chủng, lấy tặng đồng đội một đôi giày và bộ quân phục hải quân mới. Sự quan tâm đó làm CCB Phước Hải và các thành viên trong đoàn hết sức cảm động.
Và cũng không thể quên được giờ phút đoàn đến thắp hương, thả vòng hoa xuống cảng K15 ở phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng; nơi cách đây 50 năm, chuyến tàu Phương Đông 1 đầu tiên, vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Ai nấy vô cùng xúc động, tưởng nhớ tới một số đồng đội đã anh dũng hy sinh trên 2.000 lượt tàu, vận chuyển 80 nghìn lượt người và hơn 150 nghìn tấn vũ khí, đạn dược cùng hàng vạn tấn hàng hóa cho miền Nam. Có đoàn viên trong đoàn đã khóc khi đọc những dòng chữ này khắc ghi trên bia đá ở cảng K15:
“Đường Hồ Chí Minh trên biển cùng với những “Con tàu không số” là kỳ tích thần thoại, thiên anh hùng ca bất hủ, mốc son chói lọi, biểu tượng ngời sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trí tuệ, sự hy sinh, lòng dũng cảm, ý chí độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của toàn thể nhân dân Việt Nam”.
Thời gian ra thăm miền Bắc của những CCB, khởi nguồn của Đoàn tàu không số tuy ngắn và hoạt động liên tục, nhưng Ban tổ chức khéo bố trí vẫn dành thời gian để đồng đội tham quan, vãng cảnh một số danh thắng đất nước. Đồng chí Đào Hồng Tuyển, hiện là Phó trưởng ban thường trực Ban liên lạc truyền thống Đoàn tàu không số, đã nhiệt tình, tạo điều kiện cho đoàn ăn nghỉ đàng hoàng và tham quan đảo Tuần Châu, vịnh Hạ Long. Chính nơi đây, vào tháng 10-1969, CCB Nguyễn Văn Đức, lúc ấy là thuyền phó tàu 154, cùng 17 đồng đội đã thực hiện chuyến đi đột phá, chở 70 tấn vũ khí, hành trình khắp vùng biển các nước Đông Nam Á trong 11 ngày đêm và cuối cùng cập đảo Hòn Khoai, Cà Mau an toàn. Bảy giờ tối, tàu nhổ neo rời vịnh Hạ Long, trong màn đêm sóng phủ mạn tàu và đến 6 giờ tối ngày thứ 11, các thuỷ thủ đã nhìn thấy Hòn Khoai, trong niềm vui khôn tả. Tàu 154 được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng LLVTND” và 18 cán bộ, chiến sĩ đều được tặng thưởng huân chương các loại.
Ôn lại những kỷ niệm hào hùng đó, các thành viên trong đoàn vừa chiêm ngưỡng những kỳ quan vịnh Hạ Long, vừa trào dâng niềm vui sướng, tự hào, biết ơn và cảm phục đồng đội của mình.
C.P