Chủ tịch Fidel Castro phất cờ trên cao điểm 241

Sáng ngày 15-9-1973, trên cao điểm 241, Tân Lâm, Cam Lộ, Quảng Trị, Chủ tịch Fidel Castro dương cao lá cờ Giải phóng và nói với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 304: “Các đồng chí hãy mang lá cờ bách chiến bách thắng này cắm tại Sài Gòn”. Ít ai nghĩ, tròn một năm rưỡi sau, vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, những người lính Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 và Lữ đoàn xe tăng 203 đã cắm cờ Giải phóng trên nóc dinh Độc Lập, báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng!

*

Trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của mình, sáng ngày 15-9-1973, Chủ tịch Fidel Castro vào thăm vùng giải phóng Quảng Trị. Ông là vị Nguyên thủ nước ngoài đầu tiên bất chấp hiểm nguy bởi đạn bom vẫn rình rập cận kề, tới thăm vùng giải phóng của ta ở chiến trường miền Nam. Cùng vào Quảng Trị lần này có Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Sáng ngày 15-9, Chủ tịch Fidel và Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng Đoàn công tác rời thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Lĩnh, qua cầu Hiền Lương vào Đông Hà rồi ngược đường 9 lên Cam Lộ. Tại đây có Trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Vào thời điểm này, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đang công tác ở nước ngoài và Phó chủ tịch Huỳnh Tấn Phát cũng đi công tác xa, không thể có mặt, nên đồng chí Trần Nam Trung - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ Cách mạng lâm thời vinh dự tiếp đón Chủ tịch Fiedel và Thủ tướng Phạm Văn Đồng…

Dừng chân thăm “Thủ đô” của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại thị trấn Cam Lộ một lúc, Chủ tịch, Thủ tướng cùng đoàn lên thăm cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 304 tại Tân Lâm. Theo chương trình làm việc, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 304 và nhân dân địa phương đang đón chờ Chủ tịch và Thủ tướng tới dự cuộc mít tinh tại cao điểm 241 (căn cứ Carol - căn cứ hậu cần, kỹ thuật của Mỹ - ngụy trước đó). Tại đây năm 1972, trong chiến dịch Trị - Thiên, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304 có sự hỗ trợ của Pháo binh Mặt trận, đã đánh chiếm và làm chủ hoàn toàn căn cứ hậu cần - kỹ thuật đặc biệt quan trọng này của địch.

Do Tư lệnh Sư đoàn Hoàng Đan và Chính ủy Tạ Hồng Thanh đi vắng, Tư lệnh phó sư đoàn Lê Công Phê và Phó chính ủy Trần Trác chỉ huy đơn vị đón khách quý. Sau thủ tục chào hỏi, Chủ tịch Fidel yêu cầu được thị sát căn cứ hậu cần - kỹ thuật của địch. Trong bộ quân phục màu xanh ô-liu gọn gàng, khỏe mạnh, Chủ tịch Fidel sải những bước dài vòng quanh cao điểm. Vừa đi ông vừa hỏi cụ thể cách phá hệ thống hàng rào dày đặc, khi tiến công cao điểm; các bước làm chủ trận đánh, cách bắt tù binh và áp giải tù binh…

Ở trung tâm cao điểm còn ngổn ngang hơn một chục khẩu pháo 175mm và 150mm của địch, Chủ tịch xem kỹ từng khẩu, và ông muốn có một khẩu 175 để trưng bày trong Bảo tàng Cách mạng Cuba, chứng minh cho tinh thần chiến đấu dũng cảm, thông minh tuyệt vời của Quân đội và nhân dân Việt Nam (được biết sau đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng đưa một khẩu “Vua chiến trường” ra Bắc để tặng Chủ tịch Fidel).

Sau một vòng quanh cao điểm 241, Chủ tịch và Thủ tướng trở về dự mít tinh trong sự đón chào nồng nhiệt của bộ đội và người dân địa phương. Trước rừng cờ Giải phóng tung bay và hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 304, bộ đội địa phương và nhân dân chào đón, Chủ tịch Fidel đã diễn thuyết hơn một giờ rưỡi, không cần giấy tờ chuẩn bị. Mỗi lần ông dừng lời là một lần “pháo tay” lại nổ ran khắp triền đồi còn ngổn ngang xác xe tăng, súng pháo của địch. Trong không khí vô cùng náo nhiệt, đầy xúc động, Chủ tịch cầm lá cờ Giải phóng từ tay một chiến sĩ đứng gần mình, gương cao lá cờ và nói rất lớn: “Các đồng chí hãy mang lá cờ bách chiến bách thắng này cắm tại Sài Gòn” và quả quyết: “Hẹn gặp lại tại Sài Gòn sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng”.

Trong buổi chiêu đãi của Đảng, Nhà nước ta tổ chức từ biệt Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Cuba vào tối ngày 16-9-1973 tại Hà Nội, Chủ tịch Fidel đã xúc động bày tỏ: “…Chúng tôi đã đến thăm tập đoàn cứ điểm mạnh ở phía tây Đông Hà và cao điểm nổi tiếng 241. Ở đó, tại thực địa, chúng tôi đã thấy rất rõ những chiến công rất to lớn của các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam… Ở đây có thể thấy rất rõ khả năng chiến đấu phi thường của lực lượng cách mạng. Chính trên ngọn đồi 241, chúng tôi đã tham dự một cuộc mít tinh của quần chúng cùng với đại diện của các lực lượng vũ trang giải phóng. Ở đây, chúng tôi đã thấy tinh thần chiến đấu rất cao của các lực lượng vũ trang giải phóng và nhân dân…”.

Chuyến thăm vùng giải phóng Quảng Trị tháng 9-1973 và tấm ảnh Chủ tịch Fidel Castro dương cao lá cờ Giải phóng trên cao điểm 241 đã đi vào lịch sử như một biểu tượng sáng ngời về dũng khí, niềm lạc quan cách mạng, tinh thần quốc tế vô sản cao cả… của vị Lãnh tụ tối cao Cuba và là biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Cuba. Đặc biệt câu nói vừa như mệnh lệnh, vừa gửi gắm niềm tin của Chủ tịch Fidel đối với cán bộ, chiến sĩ Đoàn Khe Sanh, Sư đoàn 304 ngày ấy đã gợi trong chúng ta suy ngẫm thật thú vị.

Lịch sử có không ít những sự trùng lặp ngẫu nhiên. Nhưng cũng có nhiều sự trùng hợp có tính mặc định, mà phải chăng điều nhắn gửi của Chủ tịch Fidel với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 304 là một minh chứng. Chỉ đến trưa ngày 30-4-1975, khi mà lực lượng đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2, gồm Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 và Lữ đoàn xe tăng 203 tiến vào cắm cờ Giải phóng trên dinh Độc Lập, báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng; thì không ít người lính Sư đoàn 304 dự cuộc mít tinh đặc biệt trên cao điểm 241 vào tháng 9-1973, mới nghĩ rằng lời của Chủ tịch Fidel năm trước quả là một tiên đoán chính xác, thể hiện linh cảm đặc biệt của một vị Lãnh tụ đặc biệt!

Duy Tường