tiếp kỳ trước và hết
...Anh Kỷ hỏi và lệnh cho tôi:
- Có đúng đánh vào Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 không? Dừng lại để kiểm tra cho chắc chắn!
Lập tức, tôi quan sát kỹ càng hơn và báo cáo ngay cho anh Kỷ là đã nhầm, chúng tôi mới đánh tới trung tâm truyền tin Sư đoàn 23. Như vậy, đến 10 giờ 30 phút ngày 10-3, lực lượng đột kích thọc sâu chúng tôi và Trung đoàn 24 Sư đoàn 10 làm chủ được khu kho hậu cần (vận tải, quân y...) và trung tâm truyền tin của Sư đoàn 23.
Sự có mặt của lực lượng đột kích thọc sâu sát nách căn cứ đầu não, đã làm cho quân địch ở đây hoảng sợ, chạy như ong vỡ tổ. Thấy cảnh đó, tôi nhắc anh em:
- Giờ thắng lợi đã đến gần, đứa nào không có súng, không chống cự, cứ để cho chúng chạy.
Để chi viện cho Buôn Ma Thuột đang ngấp nghé thất thủ, địch vội điều Liên đoàn biệt động 21 từ đông bắc thị xã vào đỡ đòn và chuẩn bị điều Trung đoàn 45 ngụy từ Pleiku về, nhưng các con đường có thể ứng cứu cho Buôn Ma Thuột đã bị chặt đứt. Lúc này hệ thống chỉ huy phòng ngự của địch hoàn toàn rối loạn. Mặc dù, chúng dùng lực lượng tại chỗ kết hợp không quân phản kích ác liệt, nhưng không đẩy được lực lượng của ta ra khỏi thị xã. Tuy vậy, bọn đầu sỏ vẫn ngoan cố chống cự. Bộ Tư lệnh chiến dịch chủ trương tập trung lực lượng mạnh, nhanh chóng tiêu diệt sở chỉ huy Sư đoàn 23 và các mục tiêu còn lại trong thị xã...
Tối ngày 10-3, toàn bộ lực lượng đột kích thọc sâu gồm Đại đội xe tăng 9 và bộ binh đã áp sát sư bộ Sư đoàn 23 ngụy. Đúng 6 giờ ngày 11-3, sương mù còn phủ trắng núi đồi, chúng tôi nhận lệnh xuất kích, xe nổ máy sẵn sàng, bỗng Vinh – pháo thủ xe 980 kêu to: Một toán địch từ vườn cà phê tiến ra!
Nhìn về phía Vinh chỉ tay, ngoài mấy tên lính đang vận động, tôi thấy những ngọn cà phê lay động mạnh. Biết chắc chắn có xe tăng của địch náu ở đó để chặn đường tiến của ta, tôi lệnh cho các xe nhằm vào khu vườn cà phê nhả đạn. Sau một loạt cấp tập của ta, một xe M.113 và một xe M.41 của địch bốc cháy. Một toán địch hoảng loạn chạy ra. Tôi lệnh cho các xe thôi bắn, để bắt sống. Liền đó, chúng tôi bắt được một tên lính có tên là Chu. Qua khai thác tên này, chúng tôi biết được đại tá Luật – Tỉnh phó Đắk Lắk đang tổ chức lực lượng phản kích.
Biết vậy, tôi đưa tên tù binh về phía sau và điện ngay cho các xe 980, 815, 818, 703 phối hợp cùng Tiểu đoàn 4 đánh địch phản kích. Còn tôi dẫn 3 xe cùng bộ binh đánh tràn vào vườn cà phê. Truy đuổi một lúc, tôi thấy một tên mặc quân phục bàng bạc, có lính thông tin đi cùng, biết chắc là Luật, tôi cho xe truy đuổi, lại gặp xe tăng 815 và bộ binh chặn phía trước. Luật hết phương chống cự, buộc phải đầu hàng. Tôi bố trí một xe K.63 đưa hắn lên giao cho Bộ Tư lệnh Mặt trận.
Cũng trong ngày 11-3, sau khi pháo chiến dịch cấp tập bắn phá các mục tiêu trong thị xã, các mũi binh chủng hợp thành xung phong đánh chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 23 và các mục tiêu còn lại trong thị xã. Xe tăng phối hợp cùng bộ binh từ ba hướng tiến vào trung tâm thị xã. Đại đội 9 của tôi từ hướng Tây phối hợp cùng bộ binh đánh thẳng vào Bộ Tư lện Sư đoàn 23...
10 giờ ngày 11-3, Đại đội 9 sử dụng 3 xe, chia thành 2 mũi cùng bộ binh tiến công địch. Mũi tiến công từ phía tây nam trường tiểu học Nguyễn Du bị địch phản kích dữ dội. Cả hai xe 982 và 988 đều bị trúng đạn, hỏng nặng; một số anh em trên xe bị thương. 10 giờ 30 phút, xe tăng 985 do Trung đội trưởng Nguyễn Hải Phong chỉ huy phát triển theo đường 14 vào trung tâm thị xã, tiến về Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23, dùng pháo xe tăng diệt 1 xe M.113 ra ngăn chặn, tạo điều kiện cho bộ binh diệt địch. Thấy địch dồn sức cản hướng tiến phía xe 985, đang ngồi trên xe 980, tôi lệnh cho xe mình tạt sườn sang hướng nam, chỉnh pháo bắn liên tiếp vào góc phải cổng chính.
Đánh vào Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 ngụy sáng ngày 11-3, chủ yếu là Đại đội 9 và Đại đội 6 xe tăng cùng Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24 Sư đoàn 10.
Dẫn đầu đội hình đánh và cổng Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23, xe tăng 980 của tôi bắn liền hai phát làm sập góc cổng bên phải, cánh cổng bung ra. Tôi cho xe lao vào khu cơ quan chính trị sư đoàn đầu tiên, tiếp đó là khu hậu cần... Chúng tôi dùng bánh xích nghiền nát chướng ngại vật. Mặc dù kẻ địch chống cự không quyết liệt, nhưng chúng chưa hoàn toàn buông súng. Vì vậy, có lúc xe tăng dẫn dắt bộ binh tiến đánh, có lúc xe tăng dừng một chỗ, bắn chi viện cho bộ binh tiến; cách đánh này được gọi là cách đánh “sâu đo”.
Vào khoảng 10 giờ 30 phút, ngày 11-3, cả xe tăng, bộ binh đánh đến chân cột cờ. Tôi cho cả đại đội rải xe ra chốt giữ những vị trí có thể khống chế địch, hỗ trợ các chiến sĩ Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24 nhanh chóng hạ cờ của địch, kéo cờ Giải phóng lên. Đến đây, bộ binh và xe tăng ta làm chủ hoàn toàn Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 ngụy. Cùng lúc, các mũi tiến công của Trung đoàn 95B, Trung đoàn 174... đã hợp điểm tại Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 ngụy. Phút giây đầu tiên ngắm lá cờ Giải phóng ngạo nghễ bay giữa trời xuân Tây Nguyên, cảm xúc sung sướng, tự hào dâng đầy trong tôi.
Trung tướng ĐOÀN SINH HƯỞNG kể Duy Tường ghi