Tháng 9-1966, anh tình nguyện nhập ngũ vào trường dự bị bay rồi sang Liên Xô học lái máy bay L29, MiG-21 đạt kết quả cao. Về nước năm 1970, anh được biên chế vào phi đội bay đêm Đoàn Sao Đỏ. Anh cho biết:
Bay đêm rất khó, tầm quan sát bị hạn chế, nếu không có tiếng thông thoại từ mặt đất thì cô đơn lắm. Còn kỹ thuật thì phi công phải đạt loại khá các bài bay ban ngày thì mới chuyển sang huấn luyện bay đêm.
B-52 có tốc độ từ 850 đến 950km/giờ, gồm 8 động cơ ở hai bên cánh, chở được 30 tấn bom và có tầm bay xa. Trên B-52 có nhiều hệ thống gây nhiễu để che mắt ra-đa của ta. Chúng thường bay ở độ cao từ 9 đến 12km, có đèn và kéo theo dải khói dài nên cũng dễ phát hiện. Những đêm trăng thì không cần mở ra-đa vẫn tìm được B-52.
Trước khi vào trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, chúng tôi đã được huấn luyện bay đêm đánh B-52, từng phi đội dân chủ quân sự thảo luận và hạ quyết tâm bắn rơi tại chỗ B-52. Khi vào trận, theo yêu cầu nhiệm vụ, phi đội trực chiến ở nhiều sân bay, đảm nhiệm đánh B-52 ở vòng ngoài khu vực các tỉnh Sơn La, Lai Châu xuống bắc Tam Đảo. Những vùng này tên lửa và pháo phòng không của ta ít, địa hình rừng núi, thường bị che khuất và không hiệu quả. Chúng tôi về các sân bay Hòa Lạc, Miếu Môn, Nội Bài và sân bay Kép để trực chiến. Tại các sân bay, trung đoàn đã chuẩn bị sẵn máy bay, chúng tôi chỉ chờ có lệnh là cất cánh lên chiến đấu. Đêm ngày 18-12, tôi và anh Trần Cung trực ở sân bay Hòa Lạc. Đêm ngày 21-12, tôi bay lên gặp B-52 nhưng không bắn được do chênh lệch độ cao quá lớn, phải thoát ly chiến đấu.
Đêm ngafày 29-12, ban đầu chúng tôi trực chiến tại sân bay Miếu Môn, nhưng địch đánh phá ác liệt, phi đội phải di chuyển về sân bay Hòa Lạc. Sau đó trực thăng tới đón chúng tôi sang sân bay Nội Bài, cuối cùng thì lên sân bay Kép (Lạng Giang, Bắc Giang). Nhưng ở đây cũng bị địch ném bom sân bay hư hỏng nặng. Khoảng 23 giờ, tôi được phép cất cánh từ một đoạn đường ngang dùng để kéo ráp máy bay. Sở chỉ huy dẫn đường theo hướng 270 độ, lên vùng trời tỉnh Phú Thọ. Không gặp B-52 nhưng Sở chỉ huy thông báo: Chú ý có máy bay địch phía trước, bay từ phải qua trái, cự ly 7km. Tôi nhìn ra thấy một vệt đèn chớp ngang qua liền báo cáo: “Xin công kích”. Được Sở chỉ huy cho phép, tôi bật tăng lực đuổi theo, ép sau đuôi thì chiếc F-4 vòng trái. Trong khoảng từ 10 đến 15 giây, tôi bị mất mục tiêu phải giảm tốc độ và tắt tăng lực. 15 giây sau tôi lại thấy mục tiêu ở hơi cao và cũng là thời điểm bắn tên lửa. Tôi lại bật tăng lực và đưa chiếc F-4 vào vòng ngắm quang học. Chiếc MiG-21 của tôi được trang bị tên lửa nhiệt. Khi bắn ra tên lửa tự tìm nhiệt của máy bay ở cự ly cho phép. Nếu tên lửa không va chạm với máy bay thì bay gần máy bay có nhiệt lớn, khi qua bị giảm nhiệt cũng nổ, gây sát thương cho máy bay. Lúc này tên lửa nhiệt đã phát tín hiệu bắt mục tiêu. Tôi chỉnh máy bay ở chế độ phóng tên lửa (về giảm trọng và không quá tải). Khi tên lửa bắt được mục tiêu, cự ly 1,5km, tôi phóng liền 2 quả. Ánh lửa phát ra lóa mắt, tôi thoát ly sang bên phải nhưng Sở chỉ huy lại yêu cầu vòng sang trái. Tôi nhìn thấy chiếc F-4 cháy dữ dội, hôm sau được biết nó rơi xuống huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
Trong 12 ngày đêm chiến đấu, phi đội bay đêm của chúng tôi bắn rơi 3 máy bay Mỹ, trong đó có 2 chiếc B-52 do các anh Phạm Tuân và Vũ Xuân Thiều tiêu diệt, còn chiếc F-4 là máy bay cuối cùng của Mỹ bị bắn rơi trong 12 ngày đêm của trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Tôi đã “khóa đuôi” chiến dịch. Đêm hôm ấy tôi không thể nào ngủ được mà nhớ từng giây của trận đánh. Tôi tự hào ở tuổi 22 được tham gia chiến đấu và lập công xuất sắc.
Bài và ảnh: Tô Kiều Thẩm