Ông quê ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, nhập ngũ năm 1949, được đào tạo tại Trường hàng không cao cấp Nam Uyển (Trung Quốc) và Học viện Không quân Ga-ga-rin (Liên Xô). Về nước, từ năm 1965 đến 1972, ông đã dẫn đường cho máy bay tiêm kích chiến đấu 110 trận, người lái bắn rơi 116 máy bay thuộc 14 kiểu loại và bắn bị thương 1 B52 của Mỹ. Nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, chúng tôi tới thăm ông ở phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Với giọng nói miền Trung nhỏ nhẹ và rành rẽ, ông tâm sự:

Quân chủng Không quân có 5 binh chủng khác nhau: không quân tiêm kích (đánh chặn máy bay đối phương); không quân cường kích (tiêm kích bom, mang bom đi đánh); không quân ném bom (có 3 loại tầm gần, tầm trung và tầm xa - B52 là loại tầm xa); không quân vận tải và thứ 5 là trực thăng. Ba binh chủng là không quân ném bom, không quân vận tải và trực thăng, có biên chế người dẫn đường ngay trong tổ bay. Còn không quân tiêm kích và không quân cường kích phải có dẫn đường ở dưới đất mới bay được. Dẫn đường cũng có 2 loại là dẫn đường hiện sóng ra-đa và dẫn đường sở chỉ huy. Nhiệm vụ của dẫn đường là dẫn dắt máy bay đến đúng mục tiêu, chỉ mục tiêu, sau đó dẫn máy bay về, hạ cánh xuống sân bay. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ, người dẫn đường phải có 5 yếu tố là mắt tinh, nhìn địch, nhìn ta chính xác; tai thính; giọng nói rõ ràng, khẩu lệnh ngắn gọn, dễ hiểu; tính nhẩm nhanh và dám làm, dám chịu trách nhiệm. Người dẫn đường còn phải nghiên cứu kỹ các điều kiện cho một trận đánh là tin tình báo về mục tiêu, thời gian địch tấn công; cường độ nhiễu và khu vực có máy bay gây nhiễu, phán đoán địch đến từ đâu, theo đường nào; khu vực hoạt động của địch như sân bay, nơi tiếp dầu, khả năng cứu giặc lái, trinh sát khí tượng…

Học ở nước ngoài, bạn có những công thức là: Muốn chặn địch cách mục tiêu bảo vệ 100km thì khi chúng vào 270km ta phải cất cánh. Địch có 10 máy bay ta phải bay lên 20 máy bay… Vận dụng vào thực tiễn, nước ta hẹp, đối tượng tác chiến là không quân Mỹ, quân đội nhà nghề, nhiều chủng loại máy bay hiện đại, trong khi ta còn non trẻ, không đủ lực lượng, chỉ có 2 loại MiG-17 và MiG-21. Ta phải lấy ít đánh nhiều, “đặc công” trên trời như Bác Hồ căn dặn. Chúng tôi có phương châm “Bí mật, bất ngờ, đi thấp, kéo cao”. Tôi dẫn đường hiện sóng ra-đa được 4 tháng thì Bộ tư lệnh Quân chủng điều về làm trợ lý dẫn đường tại Sở chỉ huy Bạch Mai (K18). Trận dẫn đường đầu tiên của tôi vào ngày 20-9-1965, tin tình báo cho biết máy bay địch đánh phá sân bay Kép (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang). Ban đầu có ý kiến là biên đội 4 máy bay MiG-17 gồm Phạm Ngọc Lan, Nguyễn Nhật Chiêu, Nguyễn Ngọc Độ và đồng chí Trì cất cánh từ sân bay Nội Bài, qua Hiệp Hòa vào Yên Thế rồi tiến công máy bay địch ở Lạng Giang. Tôi đề nghị đường bay trực diện ấy đúng hướng địch cảnh giới. Nên bay từ Nội Bài tới Bắc Kạn, vòng về Thái Nguyên, sang phía nam tỉnh Lạng Sơn mà đánh xuống Lạng Giang. Sở chỉ huy đồng ý, địch có 4 chiếc F.4, ta có 4 MiG-17, Địch vượt trội hơn ta về tốc độ (tốc độ cao nhất của MiG-17 là 1.180 km/giờ, của F.4 và MiG-21 là 2.100 km/giờ). Nhưng có yếu tố bất ngờ, anh Nguyễn Nhật Chiêu bắn rơi tại chỗ 1 chiếc F.4, 3 chiếc F.4 còn lại bỏ chạy ra biển bị 3 chiếc MiG-17 của ta đuổi theo bắn bị thương 2 chiếc nữa. Đây là trận đầu tiên MiG-17 đã bắn rơi F.4 của Mỹ.

Nhiệm vụ đánh B52 được không quân ta lặng lẽ nghiên cứu, chuẩn bị từ năm 1968. Cuối năm 1971 Mỹ thường cho B52 tới ném bom xuống các trọng điểm Lùm Bùm, Tà lê, Phu La Nhích, Xê Pôn, đường 15, 20 trên đường Hồ Chí Minh chi viện cho miền Nam. Ngày 4-10-1971, phi công Đinh Tôn đã bí mật đưa máy bay vào sân bay Đồng Hới (Quảng Bình). Nhưng khi lên chiến đấu đài chỉ huy sân bay không dẫn được, Đinh Tôn tiếp cận được B52 thì đã quá gần, không thể đánh đối đầu. Ngày 20-11-1971, từ sân bay Nội Bài, hai máy bay MiG-21 do Vũ Đình Rạng và Hoàng Biểu lái bay thấp và cắt mọi thông tin liên lạc hạ cánh xuống sân bay Vinh và sân bay Anh Sơn (Nghệ An) đợi sẵn. Lúc 19 giờ 30 phút, một tốp B52 từ Thái Lan bay vào, Hoàng Biểu cất cánh từ sân bay Vinh lên đánh nhưng bị lộ, B52 vòng trở lại Thái Lan, chúng tôi được lệnh dẫn đường cho Hoàng Biểu giữ nguyên độ cao 6.000m bay thẳng ra sân bay Nội Bài. Hành động nghi binh này khiến địch tưởng ta thoát ly không chiến, liền cho B52 quay lại đánh phá theo kế hoạch. Chúng tôi dẫn đường cho Vũ Đình Rạng cất cánh từ sân bay Anh Sơn, bay thấp theo sườn tây núi Đại Huệ rồi dọc theo đỉnh Trường Sơn, hướng đông nam 160 độ, vượt qua đèo Keo Nưa. Đến thời cơ chuyển hướng, tôi cho anh Rạng sửa đường bay hướng 250 độ, sang đất Lào, ngược chiều với tốp B52 đang vượt qua sông Mê Công. Khi 3 chiếc B52 bay qua nửa nước Lào thì anh Rạng được thả thùng dầu phụ, lấy độ cao. Lát sau, anh mới mở ra đa trên máy bay, bật công tắc ống nói: “Phát hiện B52, cự ly 11km. Xin phép công kích”. Trên ra-đa MiG-21 vùng phóng đã xuất hiện, Rạng nhẩm đếm 1, 2, 3, 4, 5, nghĩa là cự ly chỉ cách gần 1,5 km, anh bóp cò. Quả tên lửa lao lên phia trước, chớp lửa lóe lên, chiếc B52 bị thương, lết về tới Thái Lan thì hạ cánh bắt buộc, hư hỏng hoàn toàn.

Bí mật, bất ngờ, bay thấp tránh ra-đa địch phát hiện, khi tiếp cận địch thì tăng độ cao, tiến công xong lại xuống thấp, hạ cánh an toàn là một kinh nghiệm quý để không quân ta vận dụng đánh bại B52 Mỹ trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không tháng 12-1972. Trong 12 ngày đêm lịch sử này, tôi trực tiếp dẫn đường cho không quân ta bắn rơi 1 máy bay F.4, gián tiếp dẫn đường cho Phạm Tuân và Vũ Xuân Thiều bắn rơi 2 chiếc B52 của Mỹ.

Tô Kiều Thẩm