Trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972, tôi mang quân hàm Thiếu tá, Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn tên lửa 285, Sư đoàn Phòng không 363, đóng tại TP Hải Phòng. Tối ngày 23-12-1972, tôi được Đảng ủy, Ban chỉ huy Trung đoàn giao nhiệm vụ cùng Thiếu tá Phó chính ủy Lê Phương Châm, chỉ huy hai tiểu đoàn 71 và 72 lên tăng cường cho Sư đoàn phòng không 361, bảo vệ thủ đô Hà Nội. 23 giờ đêm hôm ấy, chúng tôi hoàn thành công tác chuẩn bị, bắt đầu hành quân với hơn 100 ô tô gồm các loại từ xe TZM, xe bệ phóng, pháo cao xạ, xe chỉ huy, hậu cần… Sau khi vượt gần 200km qua các làng xóm, phố thị và phải che giấu đội hình ban ngày cũng như ban đêm để tránh các cuộc đánh phá ác liệt của máy bay địch, chiều ngày 25 chúng tôi về tới vị trí tập kết. Trận địa của Tiểu đoàn 71 đóng tại Hà Liễu (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang); trận địa của Tiểu đoàn 72 ở Đại Chu (huyện Yên Phong, Bắc Ninh). Khoảng 13 giờ chiều ngày 26 chúng tôi đã bắn rơi 1 máy bay F4. Nhưng cán bộ, chiến sĩ chỉ ước mơ hạ được B52 Mỹ mới thỏa lòng.
Đêm ngày 27-12, chúng tôi bước vào chiến đấu với quyết tâm trả thù cho nhân dân phố Khâm Thiên (Hà Nội) đêm trước bị B52 ném bom giết hại và thành tích của các đơn vị bạn khích lệ, động viên. Đến 23 giờ, toàn đơn vị bước vào chiến đấu với nhiều tốp máy bay địch tiến vào đánh phá thủ đô. Tôi lệnh cho các tiểu đoàn 71 và 72 tập trung vào một tốp B52 ở hướng tây. Tiểu đoàn 72, Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt và kíp chiến đấu gồm: sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Dựng, trắc thủ phương vị Trương Đăng Khoa, trắc thủ góc tà Nguyễn Văn Chiêu và trắc thủ cự ly Nguyễn Văn Tuyền bắt đầu sục sạo, tìm kiếm mục tiêu. Khi phát hiện dải nhiễu B52, ban đầu chúng tôi định đánh theo phương pháp 3 điểm (bắn vào giữa dải nhiễu do ba trắc thủ góc tà, trắc thủ cự ly và trắc thủ phương vị xác định). Nhưng thấy không chắc thắng nên chúng tôi để máy bay B52 vào gần, nâng cao thế và sóng. Sau đó kíp trắc thủ phát hiện đúng B52 ở cự ly 45 và bám sát chặt chẽ. Khi máy bay vào đến cự ly 33 thì Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Chắt ra lệnh bỏ phương pháp đánh 3 điểm, chuyển sang phương pháp đánh vượt trước nửa góc (bắn đón). Sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Dựng ấn nút phóng, hai quả tên lửa cách nhau 6 giây rời bệ phóng bay tới B52 trong niềm khát khao chiến thắng của toàn đơn vị. Mục tiêu bị xóa nhanh, đúng 23 giờ 3 phút tôi nhận được điện của thủ trưởng Sư đoàn 361 biểu dương Tiểu đoàn 72 bắn rơi tại chỗ B52 Mỹ. Sáng hôm sau Quân chủng tiếp tục điện khen và thông báo chiếc B52 chưa kịp cắt bom đã bị rơi tại chỗ xuống làng hoa Ngọc Hà và thưởng cho chúng tôi một con bò để khao quân. Không thể kể hết niềm vui khi ấy, cán bộ, chiến sĩ ai cũng ôm lấy nhau, bắt tay nhau mà chia sẻ và tin cậy.
Xác chiếc B52 chúng tôi bắn cháy phần lớn rơi xuống hồ Hữu Tiệp, những mảnh vỡ còn lại rải rác trên đường Hoàng Hoa Thám. Sau này một phần được chuyển về Bảo tàng chiến thắng B52 của Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội; hai chiếc động cơ trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Kíp lái gồm 6 phi công, chúng ta đã bắt sống 4 tên (gồm 1 thiếu tá, 2 đại úy và 1 thượng sĩ), 2 phi công bị chết (gồm 1 thiếu tá và 1 trung úy), tất cả đã được trao trả và bàn giao hài cốt về nước Mỹ.
Tới đây, Đại tá Nguyễn Đình Lâm ngừng lời, một tay xoa nhẹ lên vầng trán đã hói cao, ông nói tiếp: Kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 72 rất xuất sắc. Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt có trình độ chuyên nghiệp cao, năng nổ. Năm 1976 khi là trưởng xe điều khiển anh đã bắn rơi 1 chiếc EB66 chuyên gây nhiễu điện tử. Đầu năm 1972 với cương vị Tiểu đoàn trưởng, Chắt lại chỉ huy bắn rơi 1 máy bay F4 trên bầu trời tỉnh Bắc Giang. Nay Phạm Văn Chắt nghỉ hưu tại thành phố Hải Dương. Sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Dựng là một kỹ sư nông nghiệp, đã bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay nhất Trung đoàn 285. Dựng mất năm 1976. Chiến tranh kết thúc, trắc thủ phương vị Trương Đăng Khoa về công tác tại Thái Bình. Còn trắc thủ góc tà Nguyễn Văn Chiêu ra quân rồi học tiếp đại học, sau đó làm việc tại Nhà máy cơ khí Quang Trung, Hà Nội. Trắc thủ cự ly Nguyễn Văn Tuyền, xuất ngũ cũng ôn thi đại học, trở thành giảng viên Trường đại học Bách khoa. Tuy mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng nhưng cứ đến dịp kỷ niệm 12 ngày đêm tháng 12-1972, chúng tôi lại tìm nhau, nhắc về nhau để ôn lại chiến công góp phần làm nên truyền thống anh hùng của thủ đô Hà Nội, của quân đội nhân dân và dân tộc.
Bài và ảnh: Tô Kiều Thẩm