Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Báo CCB Việt Nam có chuyên mục nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống, tôn vinh những chiến công của của quân đội, bộ đội phòng không - không quân, lực lượng vũ trang nhân dân và nhân dân Thủ đô cùng một số tỉnh, TP khác.

Trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, phường Giang Biên, quận Long Biên, TP Hà Nội nằm giữa các trọng điểm đánh phá của không quân địch như cầu Đuống, tổng kho A, ga Yên Viên, kho xăng Đức Giang, sân bay Gia Lâm, cầu Long Biên… Chiến sự ác liệt, Bộ tư lệnh Thủ đô đã tổ chức một đài quan sát do dân quân đảm nhiệm để báo động phòng không cho nhân dân, nắm bắt tình hình đánh phá của các loại máy bay địch báo cáo về Sở chỉ huy để đối phó kịp thời. Trong cuộc tập kích chiến lược của Mỹ bằng B52 vào Hà Nội và một số tỉnh khác, tháng 12-1972, đài quan sát do bốn cô dân quân từ 17 đến 21 tuổi đảm nhiệm. Nay các chị là những bà nội, bà ngoại nhưng kỷ niệm một thời oanh liệt thì không thể nào quên.

Chị Nguyễn Thị Tý có nước da sạm nắng, vết thương vỡ ống chân trái do tai nạn giao thông năm ngoái làm cho chị đi lại khó khăn. Chị cứ tập tễnh mà pha trà cho chúng tôi rồi bằng một giọng nhỏ nhẹ, chị kể: Dạo ấy, tổ có bốn người, gồm tôi (làm tổ trưởng) với ba chị nữa là Nguyễn Thị Bắc, Hoàng Thị Túc và Nguyễn Thị Lai. Tôi là “già” nhất, 21 tuổi (sinh năm 1951), còn lại đều hơn kém nhau một, hai tuổi. Chúng tôi cùng học một khối nhưng khác lớp ở trường cấp 1 và cấp 2 của phường Giang Biên. Năm 1969, hết lớp 7, cả bốn chị em lại cùng vào dân quân và được Bộ tư lệnh Thủ đô chọn đi dự lớp trinh sát trên không; học sử dụng ống nhòm, bản đồ địa hình, đo cự ly, nhận dạng các loại máy bay Mỹ, ký tín ám hiệu quân sự, đếm bom rơi… sau đó thì về Đài trinh sát phòng không. Đài được dựng trên một chiếc lô cốt của Pháp tại đoạn đê làng Quán Tình, cách cầu Đuống khoảng 2km. Đài cao chừng 10m, gồm bốn cột, đoạn dưới là bốn chiếc đường ray chôn đứng, rồi nối bằng gỗ tròn, phía trên cùng là một chiếc chuồng cu hình vuông, mỗi cạnh khoảng một mét cho người ngồi. Nhiệm vụ là khi nghe tiếng còi ủ bên Nhà hát lớn hoặc kẻng báo động của các trận địa pháo xung quanh thì đánh kẻng, thông báo trên loa truyền thanh cho nhân dân vào hầm trú ẩn. Khi máy bay địch vào gần thì quan sát xem loại máy bay nào, đánh bom ở đâu, nổ bao nhiêu quả, dùng điện thoại báo về Sở chỉ huy cho cấp trên xử lý. Nhiều khi đường dây bị bom đạn cắt đứt, chúng tôi phải đạp xe về báo cáo trực tiếp với Ban CHQS huyện Gia Lâm. Bình thường chỉ có hai người trực cả ngày lẫn đêm, còn lại ra đồng sản xuất cùng với bà con xã viên hợp tác xã.

Trước khi máy bay B52 tập kích vào Hà Nội, chúng tôi được quán triệt nhiệm vụ và trực cả bốn chị em. Đến 20 giờ 15 phút ngày 18-12-1972, còi báo động của thành phố rú lên, nhiều tốp B52 và máy bay chiến thuật cường kích, tiêm kích ồ ạt đánh vào Hà Nội. Chúng tôi quan sát thấy bầu trời bị xé nát bởi các vệt sáng của tên lửa và đạn pháo phòng không, mặt đất rung chuyển cùng những đợt bom của Mỹ. Tối hôm ấy Đoàn Thanh niên phường Giang Biên lại tổ chức cho thanh, thiếu nhi mít tinh diễu hành kỷ niệm các ngày lễ 19, 20 và 22-12 lịch sử. Khi chúng tôi đánh kẻng báo động nhiều cháu chưa về đến nhà, nhiều gia đình còn chưa ăn cơm tối. Máy bay B52 đã ném bom xuống kho xăng Đức Giang, nhà máy xe lửa Gia Lâm, khu Yên Viên. Làng Quán Tình bị một vệt bom từ xóm Đồng Tâm đến đầu làng Hội Xá. Làng Tình Quang bị một vệt bom từ đầu xóm Trại đến giữa xóm Bãi. Một quả bom rơi vào đầu nhà ông Hoàng Văn Đạt làm sập 2 hầm, 10 người được cứu thoát. Một quả bom khác rơi vào sân nhà ông Trương Đăng Doan làm đổ nhà, bị chết hai người cháu. Ở xóm Bãi, nhiều ngôi nhà bị phá hủy, anh Nguyễn Văn Tâm bị bom đánh bay ra sông Đuống, rơi xuống một chiếc xà lan. Trận bom này phường Giang Biên chết 27 người, hai gia đình ông Nguyễn Bá Thân và bà Trấm mỗi nhà bị giết mất 5 mạng người. Chúng tôi trên đài quan sát chia nhau mỗi người một hướng, căng mắt ra nhìn, đo đếm và gọi điện. Những lần bom nổ gần, đài chao nghiêng như đưa võng, tôi phải lệnh cho chị em lấy khăn quàng cổ buộc người vào cột trụ để khỏi rơi xuống đất.

Cứ thế 12 ngày đêm liên tục, bốn chị em đã báo động kịp thời cho nhân dân sơ tán, báo cáo tỉ mỉ từng trận về Sở chỉ huy cấp trên. Đói khát thì xuống ăn ké với bộ đội dưới trận địa pháo, đêm rét bảo nhau lấy ni lông che xung quanh cho đỡ gió. Chúng tôi không sợ chết, mà chỉ lo cho bố mẹ, bà con ở trong làng bị bom thì khổ. Sau chiến dịch, đài được tặng Huân chương Chiến công hạng ba, bốn chị em mỗi người nhận một bằng khen.

Thời gian sau, cả bốn chị em đều lấy chồng bộ đội, nay các cặp vợ chồng cùng sinh hoạt trong Hội CCB. Chị Nguyễn Thị Tý làm thông tin văn hoá, không có chế độ gì; chồng chị là anh Triệu Thanh Bờ, bộ đội đặc công chuyển ngành làm công nhân Nhà máy cơ khí Cổ Loa, nghỉ theo chế độ 176 năm 1990. Anh chị có ba người con đang sinh sống ở tổ 5 (làng Quán Tình). Chị Tý đau yếu nên bán hàng ăn uống ngay tại nhà phục vụ trong tổ dân phố. Anh Nghĩa, chồng chị Nguyễn Thị Bắc là thương binh, rất nặng tai và khả năng lao động hạn chế. Anh chị cũng làm ruộng ở tổ 5, cũng được ba người con đều đã trưởng thành. Chị Hoàng Thị Túc ở tổ 2 (làng Tình Quang), chồng là anh Đào Văn Trưởng, thương binh 2/4 bộ đội chiến đấu ở B2 trở về, anh chị được ba người con đều tốt nghiệp đại học, con trai Đào Mạnh Trung theo gương mẹ đang làm chỉ huy trưởng ban CHQS phường. Chị Nguyễn Thị Lai, cũng ở tổ 2, thoát ly làm mậu dịch viên Công ty thực phẩm, nghỉ mất sức rồi bị cắt chế độ năm 2004. Chồng chị là anh Nguyễn Văn Giảng, nguyên là lái xe của Bộ tư lệnh Thủ đô. Những ngày B52 đánh phá ác liệt, biết ở quê có đài quan sát, thông tin thuận tiện, cứ sau mỗi trận bom anh lại điện về hỏi thăm, được Lai thông tin đầy đủ. Rồi hai người yêu nhau, thành vợ thành chồng, nhưng do bệnh nặng, anh Giảng qua đời năm 1999 để lại cho Lai hai người con cũng đã trưởng thành.

Bài và ảnh: Tô Kiều Thẩm