Năm 1955, nhà báo Trần Ngọc còn là anh lính binh nhì thuộc Đại đoàn 320  Đồng Bằng. Tháng 5-1954, quân và dân ta chiến thắng Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải đàm phán tại Hội nghị Giơnevơ (Thụy Sĩ) lập lại hoà bình ở Việt Nam. Thực dân Pháp và tay sai phải rút khỏi miền Bắc, từ vĩ tuyến 17 trở vào chúng tạm kiểm soát. Hiệp định trên có hiệu lực từ 20-7-1954, nhưng sau 100 ngày chúng mới rút khỏi Hải Phòng. Tháng 10-1955, Hải Phòng hoàn toàn giải phóng, anh bộ đội Trần Ngọc là một trong những chiến sĩ được vào tham gia tiếp quản thành phố Cảng thân yêu. Hải Phòng cũng là chính quê hương nơi chôn nhau cắt rốn của anh, sau 9 năm xa nhà đi chiến đấu. Nhà báo Trần Ngọc sinh năm 1930 tại quận Lê Chân, T.P Hải Phòng. Tại thành phố Cảng, những ngày đầu giải phóng, đêm đêm anh bộ đội trẻ Trần Ngọc cùng tiểu đội đi tuần tra trên đường phố để cho nhân dân được sống yên lành.

Sau khi ra miền Bắc tập kết, các cháu học sinh miền Nam được tổ chức học trong những trường riêng, gọi là Trường học sinh miền Nam. Hải Phòng có một trường trong hệ thống đó. Vào một đêm mùa đông lạnh giá, đường phố vắng ngắt, gió hun hút lạnh lùng thổi từ cửa biển, chiến sĩ Trần Ngọc đi tuần tra qua cổng Trường học sinh miền Nam lưu trú, trong lòng anh lính trẻ mới ngoài 20 tuổi vốn đa cảm, bỗng buồn man mác thương các cháu xa ba má, ra Bắc chịu cái rét đầu tiên. Đêm ấy, về doanh trại không sao chợp mắt, anh vùng dậy viết bài thơ “Chú đi tuần” (còn có tên là "Đêm nay đi tuần", anh vừa viết vừa rưng rưng như muốn khóc, ngòi bút lanh lẹ trên tay anh đưa nhanh trên cuốn sổ tay cho kịp với cảm xúc:

"Gió hun hút lạnh lùng

Trong đêm khuya phố vắng

Súng trong tay im lặng

Chú đi tuần đêm nay

Hải Phòng yên giấc ngủ say

Cây rung theo gió, lá bay xuống đường…

Chú đi qua cổng trường

Các cháu miền Nam yêu mến

Nhìn ánh điện qua khe phòng lưu luyến

Các cháu ơi! giấc ngủ có ngon không?

Cửa đóng kín gió ấm áp mền bông

Các cháu cứ yên tâm ngủ nhé!".

Trong đêm khuya vắng vẻ

Chú đi tuần đêm nay

Nép mình dưới bóng cây

Gió đông lạnh buốn đôi tay chú rồi!

- Rét thì mặc rét chú ơi!

Chú đi giữ mãi ấm nơi cháu nằm…”.

Câu cuối bài là câu chúc của tác giả thân mật, gần gũi, anh coi các cháu miền Nam như cháu con của mình: "Các cháu cứ yên tâm ngủ nhé". Chỉ có đức tính của anh Bộ đội Cụ Hồ mới có được tình cảm thiêng liêng như vậy. Câu thứ năm "Hải Phòng yên giấc ngủ say" - là khái quát cả Hải Phòng sống trong thanh bình yên tĩnh, khi đã sạch bóng quân thù. Tác giả đã nhân hoá Hải Phòng như một cơ thể sống - ngủ ngon trong bầu không khí độc lập, tự do, câu thơ "Cả Hải Phòng yên giấc ngủ say", nâng tầm thành phố cảng thanh bình tươi đẹp trong những ngày đầu mới giải phóng.

Bài thơ xuất phát từ người thật, việc thật, cảnh thật đan xen, cảm xúc chân thật được lan toả trong cả bài. Các cháu ngủ ngon những đêm đầu tiên từ miền Nam ra sống và học tập trên đất Bắc được chăm sóc chu đáo: "Cửa đóng kín gió ấm áp mền bông", thể hiện sự quan tâm của Bác Hồ, Nhà nước và nhân dân miền Bắc đối với các cháu.

Trần Ngọc là nhà báo lão thành, từng công tác ở Báo Quân đội nhân dân từ năm 1960 đến năm 1991 thì nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Sau đó, ông làm Tổng biên tập Báo CCB Việt Nam 5 năm. Bài thơ "Chú đi tuần " đã được in vào sách giáo khoa ngữ văn lớp 3 - Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2002. Thơ văn in trong sách giáo khoa thường là của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng hoặc chuyên nghiệp. Trường hợp nhà báo Trần Ngọc có thơ in trong sách giáo khoa là quá hiếm. Nhưng đấy cũng là phần thưởng vô giá đến với ông, cũng là niềm tự hào “nho nhỏ” của những người làm báo khoác áo lính.

Lê Hồng Thiện