Cách đây 60 năm, trong buổi Hội thảo hôn nhân - gia đình ngày 10-10-1959, Bác Hồ dạy: “Quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Từ xưa tới nay, trong xã hội Việt Nam truyền thống, văn hóa gia đình chính  là gia phong (nếp  nhà). Văn  hóa gia đình được  thể hiện ở thuần phong, mỹ tục,  nếp sống, tác phong của các thành viên trong gia đình; được thể hiện ở sự ứng  dụng những tri thức khoa học, y học, giáo dục học, tâm  lý  học,  thẩm  mỹ... để tổ chức gia đình, giáo dục con người, nhất là về mặt tinh thần. Văn hóa gia đình còn được biểu hiện ở sự hiếu thuận của con cháu đối với cha, mẹ, ông, bà, tổ tiên; biểu hiện ở sự nêu gương về nhân cách văn hóa trong gia đình và ở truyền thống gia phong của gia đình, dòng họ. Trên thực tế, gia đình không chỉ là một hiện tượng văn hóa, mà còn là một giá trị văn hóa thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, lý tưởng sống của con người. “Gia đình được coi là giá trị tinh thần vô cùng quý báu của nhân loại, cần được giữ gìn và phát  huy”. Gia đình là một hiện tượng văn hóa và là một giá trị văn hóa. Tất cả các quan hệ và hoạt động sống của các thành viên trong gia đình đều biểu hiện đặc trưng văn hóa của con người.

Nhiều thập niên qua, cơ cấu xã hội có sự biến đổi, nhưng tổ chức của gia đình không biến đổi nhiều. “Gia đình là tế bào của xã hội…”, “…Là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách con người, góp phần vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Do đó, văn hóa gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

Con người mới được xây dựng từ trong gia đình, từ những dòng sữa tươi mát đầu tiên, từ những cử chỉ âu yếm, những lời khuyên bảo, dỗ dành của mẹ cha, nghĩa là từ sự chăm sóc đầu tiên của gia đình. Gia đình còn là môi trường đầu tiên, trực tiếp giáo dục nếp sống, hình thành nhân cách con người, xây dựng đời sống mới trong xã hội mới.

Có thể khẳng định rằng, ở bất kỳ giai đoạn nào, gia đình đều giữ vai trò là tế bào của xã hội, là một trong những nhân tố quyết định sự hưng thịnh của quốc gia. Nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế,  mục tiêu của gia đình là: “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, để mỗi gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội.

Tuy nhiên, công tác gia đình đang tồn tại những hạn chế, yếu kém nhất định. Mặt trái của nền kinh tế thị trường và lối sống thực dụng ích kỷ, đề cao tự do phát triển cá nhân làm phá vỡ những giá trị truyền thống và lối sống tốt đẹp trong một số gia đình. Nhiều giá trị đạo đức của gia đình, của dân tộc đang có biểu hiện xuống cấp. Tệ nạn xã hội đang xâm nhập vào các gia đình; tình trạng bạo lực trong gia đình có chiều hướng gia tăng. Vấn đề gia tăng dân số vẫn còn là nỗi lo, nhất là ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. Mạng lưới y tế, giáo dục thực sự chưa có đủ khả năng đáp ứng cho việc nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình... Đồng thời, qua quá trình hội nhập quốc tế và giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới đang diễn ra đã một phần phá vỡ và làm biến đổi về cấu trúc của một số bộ phận gia đình Việt Nam. Thách thức lớn nhất đối với gia đình Việt Nam hiện nay là cùng với việc tiếp thu có chọn lọc những giá trị nhân văn trong quá trình hội nhập quốc tế, đồng thời phải giữ được bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc để góp phần vào sự ổn định chung và phát triển bền vững của đất nước.

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, đẩy lùi bạo lực gia đình, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, xây dựng gia đình Việt Nam với những giá trị truyền thống nhân văn tốt đẹp. Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XII tiếp tục khẳng định: "Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam... Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh", "Tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc". Nhiều bộ luật đề cập chế định gia đình với vị trí, vai trò rất quan trọng như Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Trẻ em; Luật Người cao tuổi. Ðặc biệt, Chính phủ ban hành Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và quyết định từ năm 2001, ngày 28-6 hằng năm trở thành Ngày Gia đình Việt Nam. Đây chính là sự kế thừa và phát triển đích thực Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập.

  Kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống trong việc xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam hiện đại là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa, góp phần vào mục tiêu chung là xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hướng tới hình thành con người mới Việt Nam với những đặc tính cao đẹp và tiến bộ.

Năm 2019, kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam với chủ đề "Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình". Đây là thông điệp gửi đến tất cả mọi người, nhắn nhủ mỗi gia đình chúng ta không được xem nhẹ chức năng giáo dục truyền thống đạo đức, gia phong và văn hoá ứng xử trong gia đình, đồng  thời  cần hướng tới các giá trị mới một cách mềm dẻo, linh hoạt; cần phải giáo dục  nhận thức đầy đủ về đạo đức, lối sống, nhân cách trong mỗi con người, mỗi gia đình. Đây là một việc làm cần thiết không phải của một cấp, một ngành, mà là công việc chung của toàn xã hội. Đầu tư cho gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững. Nhà  nước cần ưu tiên bảo đảm nguồn lực, đồng thời huy động sự  đóng góp của toàn xã hội và tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế cho công tác gia đình hiện nay.

Thanh Kim Trà