Tại kỳ họp lần này, Quốc hội thống nhất đưa chính sách dân tộc vào nội dung Chương trình giám sát năm 2019 của Quốc hội; tập trung vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2011-2018; dự kiến giao Hội đồng Dân tộc chủ trì về nội dung. Đây được đánh giá là một trong những vấn đề vĩ mô gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật, có ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế-xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước quan tâm theo dõi. Cử tri và nhân dân mong chờ Chính phủ sẽ có những chính sách lâu dài cả về thể chế, nhận thức và hành động để hỗ trợ nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi đây là khu vực khó khăn, thiên tai thường gây thiệt hại vô cùng to lớn về người và của nhưng chưa xây dựng được những chính sách thực sự mang lại hiệu quả cao. Vì vậy cần phải có những quy định rõ ràng, những chính sách cụ thể nhằm phát triển toàn diện và tạo điều kiện để vùng dân tộc thiểu số phát huy nội lực phát triển cùng đất nước.

Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần phải quan tâm bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện các chính sách dân tộc, việc lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, giảm nghèo để thực hiện các chính sách dân tộc, tháo gỡ những khó khăn về thủ tục trong luật đầu tư công khi thực hiện các chính sách dân tộc. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần xem xét tiến hành giám sát tối cao đối với việc thực hiện chính sách dân tộc trên phạm vi cả nước. Đồng thời, đề nghị Chính phủ cần có cơ chế chính sách hỗ trợ phong trào khởi nghiệp trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đối tượng thanh niên.

Hoàng Linh