Rất may, Dự án 61 Trần Phú (Hà Nội) chậm thi công, nên bức phù điêu “Quân dân Thủ đô bắn rơi máy bay Mỹ” - ngày 19-5-1967 (viết tắt là Bức phù điêu) được gắn trên tường của tòa nhà ở góc phía đường Nguyễn Thái Học - Lê Trực đã không bị phá bỏ.

Bởi Dự án phá nhà xưởng cũ từ thời Pháp thuộc, xây tòa nhà mới 11 tầng đã được UBND T.P Hà Nội ra quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư từ ngày 24-6-2017. Nghĩa là việc xây mới tòa nhà đã được tất cả các cấp, các ngành của T.P Hà Nội thông qua.

Nói như lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội trong buổi họp báo gần đây, thì đúng là kết cấu, kiến trúc của dãy nhà Pháp cổ ở 61 Trần Phú “không có gì đặc biệt” và là công trình công nghiệp. Nhưng nếu nói lịch sử chống Mỹ của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung thì Bức phù điêu lại là một trong những Di tích có một không hai, nếu như không muốn nói là đặc biệt.

Đích thực Bức phù điêu là một di tích văn hóa - lịch sử, cho dù đến nay Bức phù điêu không thuộc danh mục các công trình được quản lý, bảo vệ của  Hà Nội.

Lạ thật, một người bình thường cũng nhận thấy ý nghĩa, giá trị lịch sử của Bức phù điêu, mà bị tất cả các cấp, các ngành chịu trách nhiệm phê duyệt Dự án “quên”! Kể cả gần đây đã phá dỡ tòa nhà gần xong mới có dư luận “xôn xao”, thì Công ty cổ phần Thiết bị Bưu điện (Chủ đầu tư) mới báo cáo gửi quận Ba Đình, khẳng định sẽ giữ gìn nguyên trạng Bức phù điêu “Quân dân Thủ đô bắn rơi máy bay Mỹ” ngày 19-5-1967.

Các ngành của Hà Nội “khởi động” và Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm (nếu có) ở công trình xây dựng tại số 61 Trần Phú (quận Ba Đình).

Chủ tịch UBND T.P Hà Nội ra quyết định tạm dừng phá dỡ Công trình 61 Trần Phú.

Nguyên nhân “quên” Bức phù điêu chỉ có thể lý giải là do những người có trách nhiệm đã thông qua, ký dự án bằng tay, chứ không phải bằng đầu!

Nhật Huy