Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà Lê Hoàng A.T (14 tuổi) - học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh (T.P Kon Tum) đã rút dao đâm bạn bị tử vong.
Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh Kon Tum, từ năm 2017 đến hết tháng 6-2018, toàn tỉnh có 66 vụ án do người chưa thành niên gây ra với 90 đối tượng vi phạm pháp luật (tăng 5 vụ so với cùng kỳ). Các hành vi nổi lên là trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng... Đáng báo động là tăng cả về số vụ cũng như mức độ vi phạm, sự táo bạo, liều lĩnh; tuổi đời đối tượng vi phạm ngày càng có xu hướng trẻ hơn.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân căn bản góp phần gia tăng tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật và tội phạm là do sự nhạy cảm của lứa tuổi cộng với môi trường xã hội hiện đang lan tràn nhiều sản phẩm văn hóa độc hại; các trò chơi trực tuyến mang tính kích động, bạo lực, lối sống thực dụng, ích kỷ... tác động không nhỏ đến đến tâm lý của các đối tượng này. Bên cạnh đó, trách nhiệm giáo dục của gia đình cùng với sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội với các cơ quan bảo vệ pháp luật thiếu chặt chẽ, thường xuyên. Công tác đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm do người chưa thành niên gây ra của các lực lượng chức năng có lúc, có nơi chưa kịp thời, thiếu kiên quyết. Một số trường hợp xử lý chưa nghiêm khắc, chưa phát huy tốt tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung...
Nhằm kiềm chế gia tăng tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật, cấp ủy, chính quyền các cấp cần chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại địa phương. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục người chưa thành niên ở cơ sở, nhất là số có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, lang thang, cơ nhỡ... để kịp thời giúp đỡ, cảm hóa, giáo dục. Phát huy mạnh mẽ vai trò của gia đình, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở; xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư cũng như đã từng vi phạm pháp luật hoặc có khả năng vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư...
Lực lượng Công an cần thường xuyên nắm tình hình, quản lý đối tượng người chưa thành niên hư hỏng, đặc biệt chú ý số đối tượng đã từng có hành vi vi phạm pháp luật, từ đó chủ động các kế hoạch, phương án phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả. Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời điều tra khám phá nhanh các vụ án nghiêm trọng do người chưa thành niên phạm tội gây ra để xử lý nghiêm minh trước pháp luật, góp phần giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung...
**Đức Nhuận **