Một góc Cảng Hải Phòng.
Năm 2018, GDP nước ta đạt mức tăng trưởng 7,08%, cao hơn nhiều nước trong khu vực và cao nhất trong 10 năm qua. Tiếp theo đà ấy, những tháng đầu năm 2019 này, nền kinh tế đất nước lại gặt hái được những kết quả đáng khích lệ.
Theo Tổng cục Thống kê, quý I-2019, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tăng 6,79%, cao hơn tăng trưởng quý I giai đoạn 2011-2017 nhưng thấp hơn mức tăng trưởng của quý I-2018 (7,38%). Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp thì kết quả này cũng là nỗ lực đáng kể. Điểm sáng trong quý I là kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 10,8 tỷ USD, tăng hơn 86% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, cả nước có thêm 28.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đầu tư 375,5 nghìn tỷ đồng, tăng cả về số doanh nghiệp và về lượng vốn. Đặc biệt, vốn bình quân của doanh nghiệp mới thành lập đạt 13,2 tỷ đồng/đơn vị, lượng vốn mới bổ sung vào nền kinh tế đang gia tăng, thể hiện rõ môi trường đầu tư- kinh doanh đã được cải thiện. Kim ngạch xuất khẩu đạt 58,5 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước tăng 9,7% trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,7% cho thấy sức vươn của doanh nghiệp nội đang có sự cải thiện. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch đang trên đà tăng mạnh...
Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách quốc tế trong những tháng đầu năm 2019. Ước tính, ba tháng đầu năm ngành du lịch đón 5 triệu khách quốc tế và khả năng trong quý 2 này là tháng cao điểm của ngành du lịch, số khách sẽ còn tăng cao hơn nữa, hướng tới chỉ tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2019. Nền kinh tế đang từng bước giảm hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản để dự trữ. Kết quả đó có phần lớn là do công cuộc cải cách đã tiến hành đồng bộ với những biện pháp quyết liệt. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục cải thiện, kinh tế vĩ mô được điều hành linh hoạt và có sự phối hợp chặt chẽ. Các bộ, ngành cắt giảm hàng nghìn “giấy phép con”; minh bạch, rút ngắn các thủ tục đầu tư kinh doanh ở mức tối đa. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I tăng 2,63% so với cùng kỳ năm trước là mức tăng bình quân thấp nhất trong 3 năm gần đây. Bên cạnh đó là ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế quốc tế trong quá trình hội nhập của nền kinh tế nước ta, nhất là khi các hiệp định lớn như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA) được ký kết và có hiệu lực. Hai thị trường xuất khẩu tiềm năng lên tới 20 tỷ USD của Ca-na-đa và 40 tỷ USD của Ô-xtrây-li-a cùng với thị trường EU trong cuối năm nay khi Hiệp định EVFTA được ký kết và thực thi khoảng 1 tỷ USD, chỉ tính riêng ngành Dệt may Việt Nam sẽ tiến tới mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD trong năm 2019, ngoài ra là sự vươn lên của các ngành nghề khác. Điều này tạo ra tâm lý ổn định, cũng như tạo đà cho tăng trưởng trong các quý tiếp theo. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, môi trường kinh doanh tiếp đà cải thiện và tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, an sinh xã hội được giữ vững...
Tuy nhiên, còn không ít thách thức ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nền kinh tế đất nước từ giờ đến cuối năm như kết quả giải ngân vốn đầu tư công thấp; ảnh hưởng của hạn hán, dịch tả lợn châu Phi, giá xăng, dầu, điện tăng cao trong thời gian gần đây và nhiều yếu tố có thể phát sinh theo thời gian. Với sự lãnh đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ; sự quyết tâm và ra quân của các Bộ, ngành, các địa phương và doanh nghiệp và người dân cả nước, những mục tiêu về KTXH đất nước trong năm 2019 chắc chắn sẽ được thực hiện thắng lợi.
Quốc Huy