Hướng tới kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2015) ngày 16-6-2014, T.Ư Hội CCB Việt Nam đã phát động Cuộc thi viết “Xuân 1975 - Bản hùng ca toàn thắng”. Đây là một trong những hoạt động rất có ý nghĩa nhằm động viên, khuyến khích những người đã trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu viết lại những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dây mùa Xuân 1975, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau gần 1 năm phát động, Ban tổ chức Cuộc thi đã nhận được hơn 1.600 bài dự thi gửi về từ khắp mọi miền đất nước. Đối tượng tham gia rất đa dạng: Có các vị tướng, sĩ quan cao cấp; có những trí thức, văn nghệ sĩ; doanh nhân thành đạt và có cả những “lão nông tri điền”… Hầu hết họ là CCB.
Là hồi ức của những người trong cuộc, từ những góc độ khác nhau, cách tiếp cận khác nhau, mỗi câu chuyện là một khúc tráng ca phản ánh chân thực, xúc động và khá toàn diện những ngày tháng hi sinh chiến đấu hào hùng trên khắp các mặt trận, hầu khắp các đơn vị từ núi rừng Tây Nguyên đến đồng bằng, đô thị, từ đất liền đến hải đảo và kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tư tưởng xuyên suốt các tác phẩm dự thi là ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống anh dũng, quật cường, mưu trí sáng tạo tinh thần xã thân hi sinh chiến đấu và ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của quân đội và nhân dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ kính yêu.
1.600 bài dự thi là 1.600 kỷ niệm của những con người cụ thể, những nhiệm vụ, tình huống cụ thể, trong đó nhiều kỷ niệm đẹp của tình đồng đội, nhiều gương chiến đấu hi sinh anh dũng, làm xúc động và chạm đến trái tim của thế hệ hôm nay.
Điển hình phải kể đến tác phẩm “Phái viên Tổng cục Chính trị trong mùa Xuân toàn thắng” của Trung tướng Phạm Hồng Cư-nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Chỉ với hơn 2.000 từ, ông đã khái quát lại toàn bộ những tư tưởng chỉ đạo lớn, những quyết định táo bạo của Bộ Chính tri, Quân ủy T.Ư trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.
Tác giả cũng là người vinh dự nhận bức điện lịch sử gửi mặt trận của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp vào chiều ngày 7-4-1975, tại TP Đà Nẵng mới giải phóng. Bức điện của Đại tướng viết: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Trung tướng Phạm Hồng Cư cho rằng mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như lời hịch của non sông…
Tác phầm: “Tiến công tiêu diệt Sư đoàn 25 ngụy trên hướng tây bắc Sài Gòn” của Trung tướng Nguyễn Hải Bằng-nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316. Với một bức tranh sinh động, đẩy cam go của Sư đoàn 316, trước và trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Sư đoàn đã mở tung cánh cửa phía Tây Sài Gòn cho đại quân tiến vào cùng đơn vị bạn giải phóng thành phố. Tác phẩm của Trung tướng Lê Khoa-nguyên Cục trưởng Cục Tài chính Bộ Quốc phòng bảo đảm tài chính cho chiến dịch cùng nhiều bài viết của các tướng lĩnh. Thiếu tướng Đỗ Công Mùi-nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 với tác phẩm: “Sư đoàn 10 đánh chiếm 2 trong 5 mục tiêu trọng yếu”. Thiếu tướng Lê Ngọc Sanh-nguyên Phó giám đốc về Chính trị Học viện Lục quân với bài: Tổng tiến công và nổi dậy”. Thiếu tướng Hoàng Toái-nguyên Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Quân khu 2 với bài: “40 năm nhớ về một trận đánh”… Những bài viết này đều chứa đựng nhiều tư liêu quý và gửi gắm vào đó sự tri ân đối với những đồng chí, đồng đội đã anh dũng hi sinh.
Đọc tác phẩm dự thi “Trận nghi binh kỳ thú” của Thiếu tướng Nguyễn Như Huyền-nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, chúng ta biết rõ hơn, ngay từ ngày 9-1-1975, Quân ủy T.Ư đã họp triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến dịch Tây Nguyên và quyết định dùng nghi binh lừa địch ngay ở trận mở màn. Tác giả đã phân tích quyết định thiên tài của Quân ủy T.Ư chọn Kon Tum và Pleiku “địa thế “đẹp” như trận địa huấn luyện để thực hành nghi binh”. Ông cho rằng, nghi binh để điều khiển địch theo ý định của ta là một nghệ thuật độc đáo, nổi bật của Chiến dịch Tây Nguyên, Xuân 1975.
Đọc những tác phẩm, của những tác giả, hiện là nhân chứng ra giải phóng Trường Sa còn giúp chúng ta càng hiểu sâu sắc hơn tầm nhìn và tài thao lược của Bộ Tham mưu chiến dịch. Tác phẩm “Từ Tiên Sa đi giải phóng Trường Sa” của tác giả Phạm Duy Tam, phường An phú, quận 2, TP. Hồ Chí Minh, nguyên là Thuyền trưởng tàu 675 một trong những tàu của Đoàn 125 Hải quân cùng với lực lượng Đặc công Quân khu 5, đặc công Hải quân ra giải phóng Trường Sa. Câu chuyện giúp chúng ta thấy được sự chỉ đạo kiên quyết, kịp thời và phương án linh hoạt để giải phóng từng cụm đảo, khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng đối với chủ quyền, biển đảo thiêng liêng của của Tổ quốc. Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh trong Mật lệnh gửi Chính ủy Quân khu 5 lúc 17 giờ 30 phút ngày 4-4-1975: “Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, nếu không hành động, sớm sẽ bị nước khác đánh chiếm”.
Các tác phẩm dự thi còn góp phần làm sâu sắc thêm bài học kinh nghiệm về sức mạnh của chiến tranh nhân dân trong chiến lược quân sự độc đáo Việt Nam. Đó là hình ảnh những bà mẹ, những người chị, những cô du kích, những thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến ra trận cùng với Quân giải phóng như một binh chủng hợp thành.
Trong tác phẩm “Hành quân thần tốc nhờ có dân”, tác giả Lê Văn Quýt 83 tuổi-nguyên Phó chính ủy Trung đoàn 2, Sư đoàn 3, Quân khu 5 kể: Ngày 10-4-1975, đơn vị ông nhận lệnh phải cơ động gấp 400km từ Bình Định vào Ninh Thuận chặn tuyến phòng thủ Phan Rang của địch. Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn đó nhân dân địa phương ở Ngã ba Phú Tài, giáp Quốc lộ 1 đã huy động hàng chục xe và lái xe, đủ để chở bộ đội cơ động ngay trong ngày, mà đồng bào không đòi hỏi một quyền lợi gì. Trong lời nhắn gửi phần cuối bài tác giả viết: “Nếu không có dân thì trận đánh đó chắc chắn đơn vị bộ binh chúng tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ”.
Còn “Vua chiến trường”-pháo 105 ly của Tiểu đoàn 10 pháo binh, Sư đoàn 3, Quân khu 5 xuôi trên sông Vàm Cỏ Tây, kịp tập kết bất ngờ bắn mãnh liệt vào các ổ đề kháng của địch góp phần quyết định giải phóng thị xã Tân An, tỉnh Long An chiều ngày 28-4-1975 cũng là do đồng bào Nam Bộ dùng xuồng bí mật tháo rời từng bộ phận chở trên sông Vàm Cỏ Tây suốt từ kênh Ba Thu về huyện Thủ Thừa (Long An).
Sau trận đánh, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh đã điện khen đơn vị và nhân dân huyện Thủ Thừa. Bức điện viết: “Lần đầu tiên trong lịch sử, trọng pháo của ta đã về đến đồng bằng chi viện cắt lộ 4 là hướng tác chiến lợi hại của chiến dịch. Thắng lợi đó là nhờ có dân…” (Tác phẩm “Xuồng cõng pháo xuôi về lộ 4” của Trương Nguyên Tuệ).
Rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện trong các bài thi kể về nhân dân vừa cưu mang, che chở, đùm bọc, vừa cùng bộ đội trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong suốt chiến dịch… Chiến tranh nhân dân đã tạo nên sức mạnh tổng hợp-sức mạnh giúp chúng ta chiến đấu và chiến thắng.
Nét nổi bật trong các tác phẩm dự thi là đã khắc họa lại giai đoạn hào hùng nhất, nhưng cũng gian khổ, khó khăn, khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Giai đoạn mà “cả nước lên đường” với khí thế “một ngày bằng hai mươi năm”.
Đó là cuộc hành quân thần tốc bằng xe cơ giới, của Binh đoàn Quyết Thắng-Quân đoàn 1 từ Ninh Bình vào Đồng Xoài (Bình Phước) trên cung đường dài 1.700km bị bom đạn địch cày xới mà chỉ đi hết có 20 ngày, kịp đưa hàng nghàn quân vào chi viện cho chiến trường; Đó là chuyến vận tải hàng trăm xe đi suốt ngày, đêm chở quân, chở vũ khí, lương thực “lật cánh” từ Chapasak (Lào) về Tây Nguyên của Sư đoàn 471 Đoàn 559, trong tác phẩm “Mệnh lệnh vẩn chuyển” của Minh Tuấn… Rồi những trận đánh quyết liệt vào sào huyệt địch cũng được phản ánh hết sức sinh động trong các tác phẩm gửi về dự thi.
Câu chuyện đập nát “Cánh cửa thép” trên đèo Phượng Hoàng của Thế Viễn kể về một trận đánh mưu trí, dũng cảm tuyệt với của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 25 Tây Nguyên tiêu diệt Lữ dù 3 của địch chốt chặn trên đèo Phượng Hoàng, mở đường cho mũi tiến công xuống đồng bằng của Quân đoàn 3. Nhưng khốc liệt của chiến tranh và sự hi sinh anh dũng của Quân giải phóng ngay cửa ngõ Sài Gòn trước ngày giải phóng phải kể đến cuộc vượt cầu Cỏ May của Tiểu đoàn 3, thuộc Trung đoàn 2, Sư đoàn 3, Quân khu 5 vào hồi 3 giờ sáng ngày 29-4-1975. Bộ đội ta vượt sông sang giải phóng TP. Vũng Tàu trong thế hiểm yếu, lại đúng lúc nước thủy triều cạn. Trời sáng, “các loại hỏa lực của địch trên bờ đồng loạt bắn xuống, đạn ken dày trên mặt sông… Khi đơn vị vượt được sang bờ bên kia thì nhiều chiến sĩ đã hi sinh anh dũng tại khúc sông này…” (Tác phẩm “Cầu cỏ may, ngày ấy, bây giờ” của Nguyễn Văn Hồng). Ngã xuống đất Mẹ thì giống nhau, có chung một lý tưởng, nhưng mỗi người lại một hoàn cảnh, một ước mơ... Đó là Dũng, quê ở xã Lương Sơn, huyện Lập Thạch, Phú Thọ đánh căn cứ Long Bình bị thương nặng ở đầu và bụng vẫn quyết tâm theo xe của Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 tiến về Sài Gòn để được gặp đồng đội trong ngày toàn thắng, như đã thầm hẹn ước trước ngày ra trận. Nhưng! Dũng đã ngã xuống khi chỉ cách Dinh Độc Lập chưa đầy 20km (Tác phẩm “Lỡ hẹn” của Trịnh Công Bằng). Còn chiến sĩ thông tin Cầm Bá Thơ, sinh năm 1954, quê ở xã Xuân Cao, Thường Xuân, Thanh Hóa, trong tổ trinh sát phối thuộc với bộ đội đặc công Tiểu đoàn 7 (Quân khu 7) đánh tàn quân của địch từ hướng Long An chạy về Sài Gòn. Anh cơ động như con thoi trên trận địa… vừa truyền đạt mệnh lệnh chiến đấu… Và một viên đạn định mệnh của kẻ thù đã cướp sự sống của anh vào khoảng 6 giờ tối ngày 29-4-1975. Thơ hi sinh ngay tại cửa hầm. Anh ra đi chưa kịp ăn cơm tối, chi bộ chưa kịp làm lễ kết nạp anh vào Đảng! (tác phẩm “Đêm trước bình minh” của Giang Long).
Tác phẩm “Người đảng viên bất tử” của Nguyễn Quang Vinh, kể về một trường hợp hi sinh khác. Cũng vào trận như Thơ. Cũng ở ngay cửa ngõ Sài Gòn. Nhưng Chi bộ Đại đội 59, Trung đoàn 115, Sư đoàn 2, Quân khu 7 đã kịp làm lễ kết nạp Đảng cho Nguyễn Hữu Nguyên, quê ở Nam Đàn, Nghệ An trước khi Nguyên cùng đơn vị nhận nhiệm vụ điều nghiên, bảo vệ cầu Bình Phước. Ngòi nổ của các quả bom địch cài ở các mố cầu vừa được tháo xong thì đảng viên trẻ Nguyễn Hữu Nguyên ngã xuống bởi một viên đạn kẻ thù bắn lén từ bên kia sông Sài Gòn. Đúng 8 giờ 50 phút ngày 30-4-1975, quân ta rầm rập qua cầu Bình Phước tiến vào giải phóng Sài Gòn, thì cũng là lúc đồng đội của Nguyên vừa vuốt mắt cho anh. Nguyên anh dũng hi sinh ở tuổi 20! Rồi những trận đánh đầy cam go, gian khổ tại Buôn Ma Thuột, Xuân Lộc, căn cứ Nước Trong, Long Khánh… cùng biết bao tấm gương hi sinh anh dũng được tái hiện rõ nét qua mỗi câu chuyện.
Gian khổ đấy. Khó khăn thiều thốn đấy. Đổ xương đổ máu đấy, nhưng lúc nào, ở đâu bộ đội ta cũng tràn đầy lạc quan, phơi phới niềm tin, sẵn sàng chiến đấu hi sinh để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là điều mà Ban tổ chức, Ban giám khảo nhận được ở hầu hết các tác phẩm gửi về dự thi. Thật khó có thể viết được những chi tiết, những tư liệu chân thực và tràn đầy cảm xúc như thế, nếu không phải là người trong cuộc. Đó cũng chính là một trong những yếu tố riêng mang lại thành công của Cuộc thi.