Phạm vi lập quy hoạch gồm khu đất nghiên cứu có diện tích 45.380 m2. Dự kiến có 3 khu chức năng chính là bảo tàng di tích tại chỗ; các khu trưng bày di tích ngầm; các công trình phục vụ quản lý, kỹ thuật (nhà tiếp đón, khu cây xanh tiểu cảnh, sân đường nội bộ...).
Trong đó, khu bảo tàng di tích tại chỗ cần không gian rộng để người xem có thể hình dung và bao quát toàn bộ quy mô di tích. Các hố khai quật nguyên trạng đã phát lộ được xác định là không gian quan trọng nhất trong nhà bảo tàng di tích tại chỗ.
Tại đây cũng có không gian trưng bày các hiện vật khảo cổ được tìm thấy từ các khu khai quật của di tích. Đây là những hiện vật có giá trị cần phải bảo quản, bảo vệ đặc biệt hoặc là các hiện vật có kích thước nhỏ cần tiếp cận gần.
Thông qua việc đánh giá hiện trạng, đơn vị lập quy hoạch sẽ xác định các khu vực phải bảo tồn nguyên trạng, khu vực có thể phải lấp cát tạm thời trồng cây xanh, khu vực có thể xây dựng công trình phục vụ cho công tác quản lý và phát huy giá trị di tích.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình là cơ quan tổ chức lập quy hoạch này.
Sau 8 năm khai quật, khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu đã mở cửa đón khách tham quan lần đầu tiên vào dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đầu tháng 11, khu di tích lại đóng cửa để phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn.
Quỳnh Anh (TH)