Dưa, cà muối là thực phẩm lên men nhờ vi khuẩn probiotic. Ăn dưa, cà muối giúp kích thích tiêu hóa đồng thời bổ sung nhiều vi khuẩn có lợi, khi ăn cùng các thực phẩm giàu đạm giúp dễ tiêu hóa, ngon miệng hơn. Tuy nhiên, khi ăn dưa và cà muối xổi tức là muối và sử dụng luôn trong ngày sẽ gây hại cho sức khỏe.

Do dưa và cà muối xổi có lượng vi khuẩn chưa đủ lên men. Ngoài ra, dưa, cà khi trồng có sử dụng nhiều phân đạm, khi muối chưa kỹ sẽ chuyển thành nitrit. Hàm lượng nitrit cao kết hợp với các axit amin tạo thành nitrosamin, là chất gây ung thư. Cà muối còn xanh còn chứa chất độc solanin có thể gây ngộ độc. Còn dưa muối đã để lâu bị khú, đóng màng trắng, vàng, nấm đen thường là do bị nhiễm nấm, không có lợi cho hệ tiêu hóa.

Khi muối dưa, nên ngâm chìm trong nước muối từ 3 đến 10 ngày, tuỳ thời tiết. Nếu muối nước ấm thời gian lên men nhanh hơn. Không nên ăn quá nhiều, đặc biệt không ăn khi đói. Mỗi người trong một tuần chỉ nên ăn khoảng 50g. Khi muối cần lựa chọn nguyên liệu tốt, dưa già, không dập nát, lá cải to, xanh và phơi héo trước khi muối. Nén chặt dưa khi muối giữ độ giòn, dưa không bị đen. Trước khi ăn nên rửa sạch nhẹ nhàng để giảm độ mặn và độ chua. Không ăn dưa muối khi còn hăng, cay, có vị ngai ngái hoặc đã quá chín, quá chua, đổi màu, lên nhớt, cà đã nổi váng vàng hoặc nấm đen... Trước khi muối nên rửa nguyên liệu và các dụng cụ thật kỹ. Nên muối trong bình thuỷ tinh, sành, sứ. Không muối vào thùng sơn, thùng nhựa tái chế vì có thể bị thôi hóa chất độc hại dính ở thùng.

Những người không nên ăn dưa và cà muối

Dưa, cà muối có nồng độ axit cao, chứa nhiều muối, cay nên những người đau dạ dày nên hạn chế. Không ăn dưa chua lúc đói hoặc ngay đầu bữa ăn khiến dạ dày cồn cào hoặc giảm mùi vị. Ăn nhiều dưa chua còn gây tổn thương niêm mạc dạ dày gây bệnh viêm mạn tính hoặc loét dạ dày. Những người có đường tiêu hóa kém, phụ nữ mang thai, cơ thể nhạy cảm không nên ăn. Trẻ nhỏ hạn chế ăn do hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn chỉnh.

Vũ Minh