Chườm đá khi bị bong gân hạn chế cử động, sử dụng băng thun để cố định khớp nơi bị thương.

Hiện nay, nhiều người thường chủ quan với chấn thương bong gân và tự ý điều trị không đúng cách như dùng rượu, xoa cao, dầu nóng vào nơi bị tổn thương.

Đây là sai lầm thường thấy trong điều trị bong gân. Khi bị chấn thương bong gân, bạn nên dùng nước đá hoặc đập nhỏ đá bọc vào khăn bông, áp nhẹ khối đá lên bề mặt da vùng chấn thương (nếu không có sây sát da) làm giảm đau tại chỗ, đồng thời nằm kê chân lên cao giúp máu lưu thông dễ dàng và làm tan máu bầm.

Bong gân là trạng thái tổn thương ở gân, cơ, dây chằng, bao khớp do lao động nặng, chơi thể thao, do bước hụt trẹo chân… làm khớp xê dịch đột ngột gây tổn thương gân mạch, ứ trệ khí huyết. Biểu hiện của bong gân là cảm giác đau buốt, sau đó vùng khớp bị trẹo tê dại không còn biết đau nữa, một giờ sau cảm giác đau nhức trở lại, sưng đỏ hoặc xanh tím phù nề quanh vị trí tổn thương.

Bong gân thường chia ra 3 độ. Dây chằng chỉ bị giãn một ít được coi là nhẹ (độ 1); Dây chằng bị rách một phần dấu hiệu nặng (độ 2); Dây chằng bị đứt hoàn toàn dấu hiệu rất nặng (độ 3). Nếu bong gân độ 1, bạn chỉ cần giảm đau và cho khớp nghỉ ngơi vài ngày. Bong gân độ 2, 3, bạn nên đến bác sĩ vì vừa phải giảm đau vừa phải cho dây chằng bị đứt hoặc rách liền lại nếu không sẽ mang tật suốt đời.

Lưu ý: Không dùng các phương pháp nóng tác động vào vùng bị tổn thương. Các chất có tính nóng chỉ nên dùng trong trường hợp gãy xương. Sức nóng sẽ làm tăng tiết dịch, kích thích tuần hoàn máu làm nhanh liền xương, ngược lại khi xoa chất nóng vào nơi dây chằng tổn thương do bong gân có thể dẫn đến hậu quả về sau như hạn chế vận động khớp, teo cơ, cứng khớp.

Thùy Linh