Thời gian đầu, ông không quản khó khăn vất vả, trưa tối tranh thủ vỡ hoang, khai phá để có đất sản xuất, chăn nuôi. Sau một thời gian, bằng kinh nghiệm thực tế và học hỏi qua các nguồn thông tin, ông chọn hướng phát triển kinh tế gia đình chính là mô hình trồng rừng, chăn nuôi để nâng cao cuộc sống. Trong chăn nuôi, ông đầu tư nuôi gà thương phẩm, mỗi lứa trên 1.000 con, mỗi năm nuôi từ 3 đến 4 lứa, cung cấp ra thị trường trên 1 tấn gà thương phẩm. Trong diện tích gần 10.000m2 ông tập trung trồng cây keo lai, theo chu kỳ cứ 5 năm cho khai thác một lần. Ngoài ra còn trồng cây ăn quả các loại theo mùa vụ và đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng... Từ mô hình trồng rừng và chăn nuôi, ông tạo được việc làm cho những người trong gia đình, trung bình mỗi năm thu nhập gần 200 triệu đồng.CCB Trần Văn Sang.

Không những làm kinh tế giỏi, CCB Trần Văn Sang còn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương. Ông nguyên là Trưởng thôn, Chi hội trưởng CCB nhiệt tình và trách nhiệm, luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào.

Ông còn tham gia các buổi giao lưu kể chuyện chiến đấu cho các cháu học sinh; thanh niên tiếp lửa truyền thống. Trong những buổi kể chuyện này hễ có cơ hội là ông tranh thủ kể thêm chuyện làm kinh tế để phổ biến cho mọi người về kỹ thuật trồng rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gà thương phẩm mà ông đã áp dụng thành công, nên ông mới có “của ăn, của để” như hôm nay.

Ông bảo “khoe” cách làm giàu của mình thì chỉ có tốt hơn thôi.

Đàm Thanh