CCB Trần Xuân Yểm - người đại diện theo ủy quyền của ông Nguyễn Văn Mười chỉ khu đất trước căn nhà đã được cấp chủ quyền ổn định, lâu dài nay bị 2 cấp Tòa án ở tỉnh Long An xét xử thu hồi cấp cho người khác.

Liên tục trong suốt gần 10 năm qua đề nghị xem xét theo thủ tục tái thẩm và giám đốc thẩm đối với 2 Bản án sơ thẩm và phúc thẩm của Tòa án nhân dân (TAND) các cấp tỉnh Long An, nhưng đến nay bị đơn và người đại diện pháp luật của bị đơn kiến nghị, đề đạt tới TAND Tối cao vẫn chưa được xem xét…

Diễn biến vụ án

Cuối năm 2024, ông Nguyễn Văn Mười, sinh năm 1968, trú tại ấp Tân Quang 1, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An là bị đơn trong vụ kiện và người đại diện theo ủy quyền của ông Mười là CCB Trần Xuân Yểm, sinh năm 1956, CCCD: 02301… do Công an TP. Hồ Chí Minh cấp (là anh vợ ông Mười) tiếp tục đề nghị xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm đối với Bản án số 04/2015/HC-ST ngày 16-9-2015 của TAND huyện Cần Giuộc và Bản án số 05/2016/HC-PT ngày 22-2-2016 của TAND tỉnh Long An đã có hiệu lực pháp luật, gửi tới TAND Tối cao nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét, giải quyết.

Trong đơn gửi về Báo CCB Việt Nam, CCB Trần Xuân Yểm cho rằng: Năm 2015, ông Lê Văn Vui khởi kiện yêu cầu huỷ một phần Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là GCN) số 01389 QSDĐ/0512-LA của UBND huyện Cần Giuộc cấp ngày 22-12-1997, cho ông Nguyễn Văn Mười với tổng diện tích đất trên GCN là 10.884m2, trong đó có thửa đất số 1560 với tổng diện tích đất trên GCN là 2.268m2, tờ bản đồ số 05, loại đất thổ, đất có địa chỉ tại ấp Tân Quang 2, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An (sau đây xin được gọi tắt là “thửa đất số 1560”). Theo ông Vui trình bày trong đơn khởi kiện thì tại thửa đất 1560 có 936m2 đất là ông Vui trực tiếp quản lý sử dụng từ trong chiến tranh đến nay và sử dụng vào mục đích trồng lúa nước.

Tuy nhiên, trên thực tế nguồn gốc thửa đất số 1560 có diện tích đất 2.268m2 là do ông Mười được thừa kế từ mẹ ông là cụ My để lại. Theo đó, đất này là đất hương hỏa ông bà, cha mẹ của cụ My để lại trong đó 1.332m2 loại đất gò và 936m2 đất lá (dừa nước), bầng, đước và cả cây khuynh diệp (bạch đàn)… theo sơ đồ bản vẽ hiện trạng đã được kiểm tra nội nghiệp và sau này ông Mười được đứng tên trên GCN, được Hội đồng xét duyệt, cơ quan thẩm quyền công nhận và được UBND huyện Cần Giuộc cấp CGN số 01389 QSDĐ/0512-LA theo đúng quy định của pháp luật đất đai thời bấy giờ.

Nhưng oái ăm là phần đất tranh chấp 936m2 này phía nam giáp với thửa đất 1559, tờ bản đồ số 05, diện tích 1.769m2 có địa chỉ tại ấp Tân Quang 2, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An (sau đây xin được gọi tắt là “thửa đất số 1559”) của ông Vui được nhận từ di sản thừa kế của ông Lê Văn Kim và tại thời điểm tranh chấp người quản lý, sử dụng thực tế của thửa đất trên là ông Lê Văn Tiền (em ruột ông Lê Văn Kim).

Năm 1981, chủ trương nhà nước đắp đập ngăn mặn rạch Chà Là qua nhiều lần đập bị bể, đến năm 1992 thì đập mới được kiên cố cho đến nay. Quá trình nước ngập, cây cối rủ lá chết dần là phù hợp lời khai của ông Vui và ông Đỗ Văn Phát (đại diện cho ông Lê Văn Vui), thì ông Vui không thể sử dụng canh tác trồng lúa được như lời hai ông đã khai. Đến năm 2009, ông Nguyễn Văn Dầu ( là anh trai ông Mười: địa chỉ: ấp Tân Quang 2, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), đang quản lý và canh tác quyền sử dụng đất nêu trên có ký hợp đồng Côbe ( máy múc) của ông Võ Phước Tuyến (địa chỉ: ấp Tân Quang 2, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) đến múc ao và dọn thực bì. Trong thời gian ông Dầu thực hiện công trình không bị cá nhân hay tập thể nào đến ngăn cản và tranh chấp, kể cả ông Vui hay ông Phát hoặc cụ Kim hay vợ chồng ông Tiền. Cũng tại thời điểm này, ông Lê Văn Tiền cũng Hợp đồng Côbe (máy múc) của ông Tuyến san lấp ao và phá bỏ hàng me bờ ranh và cây khuynh diệp (bạch đàn) tại thửa số 1559. Từ đó ông Tiền thấy đất của ông Mười để trống không canh tác (ngoài diện tích ao), nên ông Tiền đã mượn đất của ông Mười để trồng lúa và ông Mười đã đồng ý cho ông Tiền mượn từ đó đến nay nhưng ông Vui và ông Phát đã ngộ nhận và cho rằng ông Vui canh tác từ trước năm 1975 là không có cơ sở.

Bên cạnh đó, các nhân chứng như bà Võ Thị Xuân Mai, ông Võ Phước Tuyến, người hàng xóm có vần công (đổi công) với gia đình cụ My nên biết về ranh giới và nguồn gốc đất của ông Mười đã được UBND huyện Cần Giuộc cấp GCN là đất của cụ My (mẹ của ông Mười) là đất hương hỏa ông bà, cha mẹ cụ My để lại trước năm 1975 và các con cụ My canh tác sử dụng đến năm 2009 không có người ngăn cản tranh chấp.

Nhiều tình tiết có căn cứ để xem xét lại vụ án

Nhìn nhận, đánh giá về vụ việc trên, luật sư Phan Thị Tĩnh - Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, về mặt Tố tụng: Thứ nhất, TAND huyện Cần Giuộc và TAND tỉnh Long An đã đưa thiếu người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng. Ví như, tại thời điểm tranh chấp, ông Lê Văn Tiền (em trai ông Lê Văn Kim) và vợ là người quản lý và sử dụng trực tiếp thửa đất 1559, tờ bản đồ số 05 có địa chỉ: ấp Tân Quang 2, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An mà ông Lê Văn Vui được thừa kế lại từ ông Lê Văn Kim. Như vậy, ông Lê Văn Tiền và vợ ông Tiền là người có quyền lợi liên quan theo khoản 8 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính năm 2010.

Thứ hai,TAND huyện Cần Giuộc và TAND tỉnh Long An chưa thực hiện thu thập các chứng cứ và chứng minh đầy đủ để làm rõ các tình tiết trong vụ án.

Cụ thể, hai cấp tòa án đã không xem xét các chứng cứ quan trọng, cần thiết để làm rõ tình tiết vụ án là hai Sổ mục kê được lập ngày 8-5-2000 và ngày 9-7-2012. Hai Sổ mục kê này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc chứng minh nguồn gốc của thửa đất số 1560. Bên cạnh đó, tại Bản đồ địa chính cũng thể hiện rõ hình vẽ và địa giới giáp ranh của thửa đất 1560 và thửa đất 1557 cùng thửa đất 1559.

Đáng chú ý, ông Lê Văn Vui đã biết thửa đất 1559 có diện tích bao nhiêu, hình dạng ra sao thể hiện trong GCN số K884396 do UBND huyện Cần Giuộc cấp ngày 19-5-1997 thể hiện quyền sử dụng đất của ông Lê Văn Kim là bố của ông Lê Văn Vui với hai thửa đất 1557 và 1559 (giáp ranh với thửa đất 1560). Cùng với Văn bản khai nhận di sản thừa kế của ông Lê Văn Kim được lập tại Phòng Công chứng số 02 tỉnh Long An có trụ sở: số 27-28 lô A quốc lộ 50 - khu dân cư Thương mại, thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An do Công chứng viên Huỳnh Thị Lệ Thu chứng thực, số công chứng 6129, quyển số 07TP/CC-SCC/TK có kèm trích lục bản đồ thửa đất 1559 và Phiếu chuyển thông tin tài chính để xác định nghĩa vụ tài chính số 3105 do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Cần Giuộc gửi Chi cục thuế huyện Cần Giuộc ngày 19-5-2010 là các chứng cứ quan trọng thể hiện rõ ràng quyền sử dụng của gia đình ông Mười đối với phần diện tích đất tranh chấp 936m2 đã được ông Lê Văn Kim và người nhận di sản thừa kế là ông Lê Văn Vui biết từ lâu (ông Vui khai quản lý và sử dụng thửa đất từ năm 1975).

Như vậy, thời hiệu khởi kiện của ông Lê Văn Vui về Quyết định hành chính là GCNQSDĐ đối với thửa đất 1560 đã không còn theo điểm a khoản 2 Điều 104 Luật Tố tụng hành chính năm 2010.

Thứ ba, TAND huyện Cần Giuộc và TAND tỉnh Long An chỉ xem xét các chứng cứ, chứng minh của bên nguyên đơn đưa ra mà bỏ qua các chứng cứ, chứng minh của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Trong cả hai bản án là Bản án số 04/2015/HC-ST của TAND huyện Cần Giuộc ban hành ngày 16-9-2015 về việc khiếu kiện Quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai và Bản án số 05/2016/HC-PT ngày 22-2-2016 của TAND tỉnh Long An về việc khiếu kiện quyết định hành chính đều chỉ xem xét, trích dẫn các chứng cứ, chứng minh và chỉ ghi nhận lời khai của các nhân chứng là bà Nguyễn Thị Xu, Nguyễn Thị Gạo có lợi cho bên nguyên đơn mà bỏ qua các chứng cứ, chứng minh quan trọng khách quan khác là Sổ mục kê, Bản đồ địa chính, giấy CNQSDĐ của ông Lê Văn Kim, Văn bản khai nhận thừa kế, Phiếu chuyển thông tin tài chính cùng các lời khai của các nhân chứng khác là ông Nguyễn Văn Đạt, bà Võ Thị Xuân Mai, bà Trương Thị Ba, bà Phạm Thị Nữa, bà Phạm Thị Đành lên tiếng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án này dẫn tới việc vi phạm khoản 3 Điều 72 Luật Tố tụng hành chính năm 2010 về chứng cứ, chứng minh: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.

Như vậy, việc thu thập chứng cứ và chứng minh chưa thực hiện đầy đủ hoặc không theo đúng quy định tại Chương VI của Luật Tố tụng hành chính năm 2010 được thể hiện tại khoản 1 Điều 227 Luật Tố tụng hành chính năm 2010.

Ngoài ra, về mặt nội dung vụ án cũng có nhiều “vấn đề”. Theo luật sư Phan Thị Tĩnh, trong vụ án này người bị kiện là UBND huyện Cần Giuộc đã khẳng định việc cấp giấy CNQSDĐ là đúng trình tự, thủ tục thời điểm đó; việc cấp giấy CNQSDĐ thực hiện theo Luật Đất đai 1993. Việc cấp giấy CNQSDĐ là đúng theo điều 36 Luật Đất đai 1993; điều 3 Nghị định số 04/2000/NĐ-CP ngày 11-2-2000.

Bên cạnh đó TAND huyện Cần Giuộc và TAND tỉnh Long An không làm rõ nguồn gốc đất và quá trình đóng tiền thuế sử dụng đất hằng năm đối với thửa đất 1560. Và trong quá trình sử dụng đất, thửa đất 1560 và thửa đất 1559 đã có sự biến động hàng rào giáp ranh do ông Lê Văn Tiền mượn đất của nhà ông Mười.

Đặc biệt là các chứng cứ, chứng minh phần diện tích đất 936m2 tranh chấp nằm trong phần diện tích của thửa đất 1560 mà không phải thửa đất 1559 và lời khai của nhân chứng cùng các chứng cứ, chứng minh có sự mâu thuẫn nhưng không được Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm tỉnh Long An xem xét, làm rõ…

Vì các lý do trên, CCB Trần Xuân Yểm và ông Nguyễn Văn Mười liên tục đề nghị TAND Tối cao xem xét thủ tục Giám đốc thẩm, Tái thẩm của vụ án trong suốt 10 năm qua là vậy - luật sư Tĩnh nói!

Tư Hoành