Bộ đội Hóa học thực hành ứng cứu sự cố hóa chất trong nhiễm độc.

Sau nhiều năm nỗ lực thực hiện, việc khắc phục, xử lý chất độc hóa học (CĐHH) sau chiến tranh đã đạt được kết quả quan trọng. Tuy nhiên, cho đến nay, hậu quả chiến tranh để lại còn rất nặng nề, đòi hỏi các cấp, ngành mà đặc biệt là Bộ đội Hóa học phải có sự phát triển mới về lực lượng để đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Về vấn đề này, phóng viên Báo CCB Việt Nam có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Hà Văn Cử - Tư lệnh Binh chủng Hóa học. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Thiếu tướng Hà Văn Cử.

PV: Thưa đồng chí, chiến tranh đã đi qua nhiều năm nhưng hậu quả để lại rất nặng nề. Theo ước tính, trong chiến tranh, quân đội Mỹ rải xuống nước ta hơn 80 triệu lít CĐHH và đến nay nước ta có hàng triệu mét vuông đất bị ô nhiễm, khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm. Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong việc khắc phục CĐHH, Bộ đội Phòng hóa đã và đang triển khai nhiệm vụ này như thế nào?

Thiếu tướng Hà Văn Cử: Như phóng viên vừa đề cập, thì chiến tranh đã lùi xa nhưng chúng ta vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi CĐHH, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước. Trong 10 năm trở lại đây, Binh chủng Hóa học đã trực tiếp tham gia thu gom, xử lý hơn 200 tấn chất độc CS trên địa bàn 34 tỉnh, thành phố trong cả nước; điều tra đánh giá mức độ ô nhiễm CĐHH/đi-ô-xin trên 15 sân bay quân sự và sân bay dã chiến từng sử dụng trong chiến tranh; tiến hành chôn lấp, cô lập khoảng 150.000m3 đất nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin và đang nghiên cứu phối hợp lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện Việt Nam để xử lý chất độc da cam/đi-ô-xin tại sân bay Biên Hòa...

PV: Để hoàn thành tốt nhiệm vụ khắc phục CĐHH tồn lưu sau chiến tranh, cần phải có lực lượng chuyên trách, chuyên sâu mới có thể bảo đảm tính lâu dài ổn định. Vậy Binh chủng Hóa học đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lực lượng này như thế nào, thưa đồng chi?

Thiếu tướng Hà Văn Cử: Xây dựng nguồn nhân lực là một trong những ưu tiên hàng đầu của Binh chủng. Trong đó, chúng tôi ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có trình độ khoa học, các chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực phóng xạ, hạt nhân, sinh học và nhất là lĩnh vực môi trường xử lý đi-ô-xin. Chúng tôi có hàng trăm chuyên gia đầu ngành trên lĩnh vực về hóa học và xử lý môi trường; có 3 trung tâm ứng cứu sự cố hóa chất độc phóng xạ, hạt nhân ở 3 khu vực Bắc - Trung - Nam. Đặc biệt là đội khắc phục hậu quả môi trường làm nhiệm vụ trong khu vực ASEAN mà chúng ta đã tham gia diễn tập quốc tế rất là nhiều lần. Đây là lực lượng rất là tinh nhuệ, sẵn sàng chấp nhận những khó khăn, nguy hiểm nhất là về độc hại. Bộ Quốc phòng đang hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ, đề xuất thành lập Trung tâm Hành động quốc gia về khắc phục hậu quả CĐHH và môi trường. Hy vọng là trong tháng 6 này, Thủ tướng sẽ ký. Với việc thành lập Trung tâm thì chắc chắn việc khắc phục hậu quả CĐHH nói riêng và công tác khắc phục hậu quả môi trường nói chung của Quân đội sẽ được cụ thể hóa và nâng được chất lượng lên tầm cao mới.

PV: Cùng với việc có được lực lượng chuyên trách, chuyên sâu trình độ cao cũng phải có những những trang thiết bị công nghệ hiện đại, đúng không ạ?

Thiếu tướng Hà Văn Cử: Đúng như vậy, Binh chủng Hóa học tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện công nghệ xử lý CĐHH/đi-ô-xin. Trong đó, tập trung vào đầu tư hiện đại các phòng thí nghiệm, như hệ thống máy sắc khí phân giải cao, các thiết bị lấy mẫu, thiết bị chuẩn bị lấy mẫu, đảm bảo đồng bộ theo tiêu chuẩn quốc tế về quan trắc phân tích trong đất, trầm tích, nước và khí thải. Theo kế hoạch, trong năm 2019 này chúng tôi có thêm 2 thiết bị rất hiện đại, có thể áp dụng vào thực tiễn để xử lý chất độc CS và xử lý khí thải có chứa đi-ô-xin.

PV: Thưa đồng chí, khắc phục, xử lý CĐHH cũng là vấn đề mà nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế quan tâm, vậy Binh chủng có tính đến việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế để có thêm nguồn lực trong khắc phục xử lý CĐHH hay không?

Thiếu tướng Hà Văn Cử: Quan hệ hợp tác quốc tế trong khắc phục, xử lý CĐHH được Binh chủng rất tích cực triển khai thực hiện. Hiện nay, Binh chủng đang phối hợp chặt chẽ với các công ty, các tập đoàn. Ví dụ như Tập đoàn Ximidu (Nhật Bản), Tập đoàn Tomorai (Hoa Kỳ), Công ty Hemo (Vương quốc Bỉ) để tiến hành thử nghiệm công nghệ xử lý đất, trầm tích, ô nhiễm da cam/đi-ô-xin tại sân bay Biên Hòa. Đến quý III-2019, sẽ hoàn thành thử nghiệm, báo cáo cơ quan chức năng, để chúng ta có nghiên cứu, lựa chọn công nghệ phù hợp với thực tiễn trong việc xử lý tại sân bay Biên Hòa.

PV: Thời gian tới, Binh chủng xác định những định hướng lớn cụ thể như thế nào, để nâng cao hơn nữa chất lượng khắc phục CĐHH tồn lưu sau chiến tranh, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Hà Văn Cử: Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Binh chủng Hóa học xác định trước hết là tham mưu, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp lý bảo đảm an ninh môi trường. Thứ hai, mở rộng xây dựng, hiện đại hóa hệ thống quan trắc tại các khu vực nhạy cảm đã được thu thập, xây dựng các số liệu phải đầy đủ, làm cơ sở cho phục vụ nghiên cứu, đấu tranh pháp lý khi chúng ta có sự cố xảy ra trong khu vực trên biên giới, môi trường biển - hải đảo, góp phần khẳng định chủ quyền và hoạch định chung chính sách môi trường của quốc gia. Thứ ba, áp dụng nghiên cứu khoa học, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Tôi cũng tin tưởng rằng, công tác khắc phục chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh và công tác bảo vệ môi trường trong những năm tới sẽ đạt được những thành công mới, mang lại môi trường sống trong lành cho mỗi chúng ta.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Trường Giang (thực hiện)