Người lao động mong chờ chính sách hỗ trợ hiệu quả, kịp thời.

Sau gần 2 tháng triển khai gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng tiền thuê nhà cho công nhân theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, đa số người lao động vẫn chưa được nhận tiền, hầu hết chỉ mới dừng ở khâu xin chữ ký xác nhận của chủ nhà và nộp hồ sơ cho doanh nghiệp, thậm chí có nơi còn chưa triển khai đến người lao động.

Chính sách khuyến khích người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp hay quay lại thị trường lao động là rất nhân văn nhằm hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn, nhưng việc triển khai còn rất chậm. Đến nay, Cà Mau là địa phương đầu tiên phê duyệt hỗ trợ tiền thuê nhà cho hơn 2.300 lao động với kinh phí trên 1,16 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,068% của gói 6.600 tỷ đồng. Một số lượng rất nhỏ so với con số dự báo của Bộ LĐTBXH, có khoảng 3,4 triệu người thụ hưởng tiền hỗ trợ thuê nhà trọ.

Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, hiện 55 địa phương đã ban hành kế hoạch giải ngân hỗ trợ và 6 tỉnh chưa có động thái. Riêng các tỉnh Lai Châu, Điện Biên không có lao động thuộc chính sách hỗ trợ.

Về phía người lao động, khó khăn chủ yếu gặp phải là việc xin xác nhận của chủ trọ và chính quyền địa phương nơi tạm trú. Anh Nguyễn Văn Khánh đang làm việc cho Công ty Samsung Bắc Ninh phản ánh: “Tôi phải đi làm ca, chủ nhà không ở gần khu trọ nên tôi vẫn chưa xin được chữ ký”. Ngoài ra, với yêu cầu công chứng tạm trú từ phía công ty, người lao động còn phải đến UBND xin dấu xác nhận của chính quyền.

Còn chị Đỗ Ánh Tuyết - công nhân doanh nghiệp linh kiện điện tử cùng Khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết: Đến giờ này chưa hề nhận được thông báo từ bộ phận nhân sự để làm hồ sơ, dù đã nghe thông tin về gói hỗ trợ gần 2 tháng trước.

Nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn đang mắc ở khâu đầu tiên là nhận đơn đề nghị vì phải chờ công nhân xin được xác nhận của chủ nhà. Ngoài ra theo quy định, công ty nhận đơn, lập danh sách, niêm yết công khai trong 3 ngày rồi nộp cho Bảo hiểm xã hội, có thể xác nhận gộp 2-3 tháng. Nhiều nhà máy chọn cách tập hợp đủ hồ sơ để gửi một lần, để đỡ mất công và người lao động không phải làm đơn nhiều lần. Một số doanh nghiệp có số lượng công nhân đông, cán bộ phải kiêm nhiệm để giải quyết chính sách mang tính “đột xuất” này.

Thiết nghĩ, hiện nay hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được vận hành từ tháng 7-2021, và gần đây bổ sung nhiều tính năng mới, như hỗ trợ tra cứu bằng Chứng minh nhân dân hay Căn cước công dân. Qua hệ thống, công dân có thể biết các thông tin cá nhân như: Dân tộc, tôn giáo, nhóm máu, nơi đăng ký khai sinh, nơi ở thường trú, quê quán, nơi ở hiện tại…, đăng ký thường trú, tạm trú, thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng hoặc các dịch vụ liên quan đến cấp/phát Căn cước công dân như cấp mới, đổi thẻ hoặc xác nhận thông tin liên quan. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hình thành định danh số cho mỗi công dân Việt Nam trên môi trường số, giúp kích thích, vận dụng được năng lực số không bị giới hạn về thời gian và địa giới hành chính trong các giao dịch giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp và giữa người dân, doanh nghiệp với nhau. Tuy nhiên, việc ứng dụng hệ thống vào việc để xác thực thông tin giúp người lao động còn nhiều hạn chế và chưa được vận dụng hiệu quả. Việc sử dụng dữ liệu của hệ thống còn giúp phối hợp kiểm tra việc chồng chéo đối tượng thủ hưởng, tránh được việc trục lợi chính sách như trường hợp “nhảy việc” để hưởng hỗ trợ nhiều lần.

Qua “độ trễ” của một số chính sách góp phần đảm bảo an sinh xã hội, có diện phủ rộng như gói an sinh 62.000 tỷ đồng giải ngân thấp; gói 6.600 tỷ đồng tiền thuê nhà cho công nhân; gói hỗ trợ đào tạo lại lao động 4.500 tỷ đồng, cho thấy cần nhanh chóng khai thác, ứng dụng giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách bài bản, trách nhiệm, linh hoạt, sáng tạo; hướng đến các nhóm tiện ích quan trọng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Công điện 431/CĐ-TTg ngày 19-5-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp triển khai hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, phát triển thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, Công điện đôn đốc các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tập trung chỉ đạo thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg. “Đảm bảo hoàn thành trong tháng 8-2022” - Công điện nhấn mạnh.

Hồ Thanh Hương