Theo đơn thư của bạn đọc Nguyễn Văn Thiểm, đảng viên, thuộc chi bộ xã Đông Thọ, hiện là cán bộ văn phòng một cửa UBND xã Đông Thọ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh phản ánh: Việc thu hồi đất và giao đất cho Công ty CP đầu tư địa ốc Sông Hồng (Công ty Sông Hồng) thuê xây dựng và kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp đa nghề Đông Thọ tại xã Đông Thọ, huyện Yên Phong có nhiều khuất tất.
Cụ thể, việc bồi thường hỗ trợ đất tại cụm công nghiệp này chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (thực hiện theo quyết định thu hồi đất số 166/QĐ-UBND ngày 30-1-2008 của UBND tỉnh Bắc Ninh) với diện tích 48,78ha đã hoàn thành trong năm 2008. Giai đoạn 2 (theo quyết định số 335/QĐ-UBND ngày 16-9-2013 của UBND tỉnh Bắc Ninh) diện tích hơn 7,87ha, mới thực hiện trong năm 2012, 2013 và có nhiều dấu hiệu vi phạm các quy định về đất đai hiện hành.
Trong các dấu hiệu sai phạm này ông Thiểm cho rằng, việc thu hồi 7,87 ha là không nằm trong qui hoạch phê duyệt bởi đó chỉ là diện tích mà Công ty Sông Hồng thống kê, bổ sung ngoài dự án trong giai đoạn 1.
Tài liệu ông Thiểm cung cấp, cho thấy thời điểm năm 2008, tỉnh Bắc Ninh chưa có kế hoạch, quy hoạch thu hồi phần đất này nhưng chủ đầu tư và chính quyền địa phương đã móc ngoặc với nhau và làm thủ tục thu hồi trước. Sau đó, năm 2013 mới có quyết định thu hồi đất nhưng trước đó Công ty Sông Hồng đã tiến hành bồi thường trước một phần của dự án, trả tiền bồi thường theo quy định của năm 2008.
Từ cái sai đó dẫn đến hàng loạt sai phạm khác. Mặc dù năm 2013 mới có quyết định của tỉnh về việc thu hồi đất, nhưng trước đó xã Đông Thọ đã gửi tờ trình tính giá bồi thường hỗ trợ cho người dân theo quy định của năm 2008. Theo đó mức bồi thường, hỗ trợ chỉ có 79.000 đồng/m2 đất. Tổng giá trị bồi thường cho 7,87 ha chỉ là hơn 5,3 tỉ đồng.
Chính vì áp giá đền bù thế này, ông Thiểm cho là trái với nguyên tắc về bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất của pháp luật hiện thời. “Năm 2013, UBND tỉnh Bắc Ninh mới có quyết định thu hồi đất giao đất cho Công ty Sông Hồng thì phải tính mức đền bù, bồi thường hỗ trợ theo giá mới của năm 2013. Do đó, theo quy định mức tiền bồi thường, hỗ trợ là 439.000 đồng/m2. Tổng số tiền trả cho người dân phải là hơn 26,5 tỷ đồng mới đúng” - đơn ông Thiểm phân tích.
Cũng theo đơn tố cáo và bằng chứng do ông Thiểm cung cấp: Không chỉ có những bất thường trên, lãnh đạo địa phương còn có những ưu ái khó hiểu cho Công ty Sông Hồng. Vào tháng 10-2007 lãnh đạo địa phương có thỏa thuận với công ty, hỗ trợ địa phương ngoài chính sách 20.000 đồng/1m2 đất tạm giao; 50.000 đồng/m2 đất chuyên dùng để địa phương bổ sung vào ngân sách địa phương. Sau này, do tình hình kinh tế khó khăn, Công ty Sông Hồng xin giảm trừ 2 tỷ đồng này. UBND xã Đông Thọ cũng “bất ngờ” giảm trừ 2 tỷ đồng cho Công ty Sông Hồng… điều này là vô lý, gây thiệt hại cho ngân sách và vi phạm pháp luật.
Rất tiếc những hiểu biết và phân tích cặn kẽ nhưng những lập luận của ông Thiểm không được các cán bộ xã Đông Thọ và huyện Yên Phong lắng nghe.
Và trù đập đảng viên?
Trình bày trước chúng tôi ông Thiểm nói: Là cán bộ địa chính, tôi nhận thấy những quyết định trên vi phạm pháp luật nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi nhân dân về lâu dài có thể gây khiếu kiện, kéo dài phức tạp. Tôi đã lên tiếng và bị trù dập khốn khổ…
Khi là cán bộ địa chính, xây dựng xã Đông Thọ, ông Thiểm là kỹ sư quản lý đất đai, trước đó đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thế nhưng ông Thiểm bị luân chuyển theo Quyết định số 881/QĐ-UBND ngày 24-4-2013 của huyện Yên Phong do Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Bang ký. Theo đó từ chức danh cán bộ địa chính - xây dựng chuyển sang chức danh cán bộ văn phòng một cửa. Dù không phải là cán bộ thuộc diện phải định kỳ luân chuyển.
Vì vậy, việc luân chuyển cán bộ này là bất thường và phạm vào những hành vi bị cấm trong việc thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị định số 158/2007/NĐ-CP của Chính phủ - ông Thiểm cho hay.
Tiếp đó, ngày 28-10-2013, Đảng ủy xã Đông Thọ nơi ông Thiểm sinh hoạt ra một kết luận kiểm tra, “tuyên” cán bộ dám nói như ông Thiểm mắc các lỗi như: Vi phạm kỷ luật về phát ngôn, phát tán tài liệu của tổ chức đến những nơi không được phép lưu trữ, mặc dù đã được nhắc nhở nhưng không chấp hành và cố tình phát tán tài liệu (vi phạm 19 điều Đảng viên không được làm). Việc phát ngôn ở hội nghị dùng nhiều từ thiếu văn hóa, nhiều nội dung không đúng sự thật… điều đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tổ chức Đảng, làm giảm uy tín của tập thể…
Trao đổi với ông Mẫn Văn Bẩy, Chủ tịch UBND xã Đông Thọ về các vấn đề trên, ông này cho hay: Tố cáo của ông Nguyễn Văn Thiểm, UBKT Đảng ủy xã đã có kết luận. Tuy nhiên ông Thiểm đã có đơn lên cấp trên, hiện UBKT Huyện ủy Yên Phong đang tiến hành xác minh lại. Để cho khách quan hãy chờ UBKT Huyện ủy kết luận. Chúng tôi không muốn làm rối lên vấn đề người ta đang làm…
Nói về những tờ trình đề nghị bất thường của xã với dự án thu hồi hơn 7,8 ha đất cho cụm công nghiệp trên địa bàn xã, ông này cho hay: Xã Đông Thọ không phải chủ đầu tư, chỉ là đại diện cho các hộ dân mất đất, xã không có hồ sơ. Chúng tôi chỉ đưa ra đề nghị, còn phê duyệt hay không là ở các cơ quan chức năng khác?! Tất cả những văn bản hồ sơ pháp lý, tôi không giữ, tôi chỉ ký cho người ta rồi người ta mang đi!
Để làm rõ vụ việc, ngày 17-4-2014, PV đến UBND huyện Yên Phong gặp những người có trách nhiệm liên quan đến dự án trên, nhưng lãnh đạo huyện đi vắng; liên hệ qua điện thoại tới trưởng phòng TNMT huyện không thấy hồi âm… Do đó, Báo CCB Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh sớm làm rõ những vấn đề được báo nêu.
Bài và ảnh: Chính nhi