Ngày 14-3-2017, ông Thái Văn Thành - Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh ký “Giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường” số 242, mục 3 của quyết định này ghi rõ: “Thực hiện dự án khi được UBND huyên cấp phép cải tạo và hạ độ cao đối với đất nông nghiệp và sử dụng đất làm nguyên liệu san lấp công trình của hộ gia đình”. Phụ lục của Giấy xác nhận cũng vẽ toàn bộ khu đất, bao gồm cả các phần mộ tồn tại trước đó.
Đến ngày 16-3-2017, ông Thái Văn Thành tiếp tục ký Quyết định số 573, cho phép bà Nguyễn Thị Huyên cải tạo, hạ độ cao đối với đất nông nghiệp và sử dụng đất làm vật liệu san lấp công trình với diện tích 2.511 m2, độ sâu từ 0,9 đến 1,1 m, khối lượng khai thác 2.500m3. Phụ lục bản đồ “Mặt bằng thiết kế san hạ thửa đất” thể hiện có cả các phần mộ đang tồn tại.
Nhưng trong Quyết định số 573 của Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Thái Văn Thành chỉ ghi: Mục đích sử dụng đất là “Sử dụng đất là vật liệu san lấp công trình” - mà bỏ đi phần quan trọng là “sử dụng đất làm nguyên liệu san lấp công trình của hộ gia đình”. Vô hình chung, quyết định trên đã “hợp thức hóa”, cho phép bà Huyên mang đất đi bán ở nơi khác.
…Hậu quả đau lòng!
Có được các Quyết định của chính quyền trong tay, Công ty TNHH MTV Trung Hải (Công ty Trung Hải), do ông Nguyễn Thành Công (chồng bà Huyên là giám đốc) đã đưa máy móc, xe ben vào khu vực đồi Trạng Ngư, đào xúc đất mang đi bán cho HTX Chấp Lễ thi công hệ thống đường giao thông nội đồng.
Công ty Trung Hải còn mở rộng khu vực với diện tích lớn hơn nhiều lần. Chiều dài khu vực xúc đất khoảng 120 mét, nơi rộng nhất khoảng 50 mét và nơi hẹp nhất 20 mét, độ sâu hơn mức cho phép từ 2 đến 4 lần, sát vào khu nghĩa trang của bốn tộc họ ở các thôn Tây Sơn và Chấp Lễ.
Nghiêm trọng hơn, trong quá trình đào đất, máy xúc đã làm vỡ phần dương của mộ liệt sĩ Nguyễn Đăng Liễn - là cán bộ tiền khởi nghĩa và làm hư hại 3 ngôi mộ đất cạnh đó.
Ông Nguyễn Đăng Binh, 79 tuổi (con trai liệt sĩ Nguyễn Đăng Liễn) bức xúc cho biết: “Ngôi mộ bị máy xúc làm vỡ là của Liệt sĩ Nguyễn Đăng Liễn - cha tôi. Ông sinh năm 1899 và hy sinh vào tháng 2-1949 trong kháng chiến chống Pháp (là cán bộ tiền khởi nghĩa). Cũng tại khuôn viên của nghĩa trang gia tộc (cách khu vực bị đào xới khoảng vài mét) còn là nơi an táng của 1 Liệt sĩ khác là Nguyễn Đăng Hạ hi sinh tháng 12-1948 là anh trai tôi và phần mộ của cụ bà Nguyễn Thị Nhỏ - Mẹ Việt Nam anh hùng, là mẹ của tôi”.
Đã sai lại “diễn trò”
Sau khi một số báo đăng tải sự việc trên, ông Nguyễn Đăng Minh kiến nghị đến báo chí và cơ quan chức năng về việc Công ty Trung Hải khai thác đất, làm hư hỏng phần mộ của 1 liệt sĩ và 3 phần mộ đất chưa xây cất. Một số trang thông tin đã có bài viết: “Không có chuyện san lấp “lòi” xương cốt liệt sĩ tại Vĩnh Linh”. Trong đó có trích dẫn ý kiến trả lời của ông Nguyễn Đăng Dưỡng: “Ông Nguyễn Đăng Dưỡng (sinh năm 1944), trú tại thôn Chấp Nam, xã Vĩnh Chấp là người thân của các ngôi mộ, cho biết: Đúng là trong quá trình san ủi, lái máy đã vô tình chạm phải các ngôi mộ, thực tế là không ai mong muốn điều này xảy ra, đặc biệt là không có chuyện “lòi” xương cốt ra ngoài. Tuy nhiên, đơn vị san ủi đã cam kết khắc phục, xây dựng tường bao xung quanh và hiện nay đang làm rất khẩn trương.”
Sau khi bài viết này được đăng tải, ông Nguyễn Đăng Dưỡng và gia đình đã vô cùng bức xúc và khẳng định rằng đây không phải là ý kiến của ông đưa ra. Ông Dưỡng đã có đơn kiến nghị gửi đến cơ quan báo đã đăng tải bài viết, và khẳng định: Việc máy múc của Công ty Trung Hải làm ảnh hưởng đến mộ Liệt sỹ Nguyễn Đăng Liễn và 3 ngôi mộ đất chưa xây… là hoàn toàn có thật. Ông Dưỡng đã yêu cầu tác giả của bài viết (đưa sai ý kiến của ông) phải có lời xin lỗi.
Bài và ảnh: Thanh Tùng - Doãn Thành