Người dân khu 5-6, xã dân Quyền cho rằng khói của Nhà máy gạch Ta Kao khiến cho cây lúa của họ bị… táp lá.
Hàng mẫu ruộng lúa vụ chiêm xuân đang trong thời gian sinh trưởng, phát triển xanh tốt bỗng dưng bị cháy lá khiến cho người dân khu 5-6, xã Dân Quyền, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ như ngồi trên lửa. Vụ việc được người dân phát hiện, phản ánh tới chính quyền địa phương…
Lúa đang “thì con gái” bỗng dưng… ngả mầu!
Giữa tháng 3, hàng chục mẫu ruộng lúa của của hơn 20 hộ dân Khu 5-6, xã Dân Quyền, huyện Tam Nông đang xanh tốt, phát triển bình thường bỗng nhiên lá ngả màu vàng và sau đó chuyển dần sang… cháy khô.
Theo người dân thì gần khu ruộng của họ là Khu công nghiệp Trung Hà có nhiều nhà máy, xí nghiệp đang hoạt động. Đáng chú ý, khu ruộng bị táp lá nằm sát Nhà máy gạch của Công ty CP Ta Kao Việt Nam, ngày đêm xả khói nghi ngút. Người dân cho rằng, đây là một trong những nguyên nhân khiến cho cây lúa của họ bị ảnh hưởng.
Bà Vũ Thị Tâm ở khu 5, xã Dân Quyền cho biết: Sau khi dồn điền đổi thửa, nhà bà có 2,7 sào lúa tại xứ đồng Phần Đông 2, xã Dân Quyền. Gia đình bà trông chờ vào diện tích lúa này để lấy thóc gạo ăn nhưng có nguy cơ vụ lúa này sẽ bị mất trắng vì khói lò gạch của Công ty Ta Kao xả ra.
Cũng giống như nhà bà Tâm, bà Lê Thị Thanh ở khu 5, xã Dân Quyền có 2 sào 1 thước tại xứ đồng Phần Đông 2 cũng bị ảnh hưởng khá nặng. Ruộng lúa nhà bà Thanh cứ xơ xác, thưa thớt, không xanh tốt như những thửa ruộng nằm cách xa phía ống khói của Nhà máy gạch Ta Kao (ảnh).
Theo người dân thì mấy ngày qua trời u ám kết hợp với gió đông nam khiến khói Nhà máy gạch cứ lảng vảng trên mặt ruộng, không thể bay lên trên cao được.
Người dân cũng cho biết, mấy năm trước, cột khói của nhà máy xả lên trời khá cao nên mức độ ảnh hưởng không nhiều tới sinh trưởng cây lúa. Nhưng năm nay, không hiểu tại sao khói của nhà máy lại xả thấp đến thế…
“Ta Kao từng phải trả tiền đền bù… cho dân”
Vẫn theo bà Thanh thì vụ chiêm xuân năm 2018, ruộng lúa của gia đình bà từng bị…cháy lá, cây chậm phát triển do khói nhà máy gạch xả sang. “Thời điểm đó, gia đình tôi thu hoạch mỗi sào chỉ cho sản lượng khoảng 40kg thóc lép. Khi mang lúa về, tôi cho gà ăn mà gà cũng chả buồn ăn. Đưa lên miệng cắn thì vị của hạt thóc lép… đắng ngắt, không thể nuốt nuổi. Gà còn chẳng buồn ăn thì làm sao người ăn được!” - bà Thanh chua chát nói.
Mặc dù bị ảnh hưởng từ khói nhà máy gạch nhưng vụ chiêm xuân năm 2018 gia đình bà Thanh cũng chỉ được đền bù, hỗ trợ 1.000 đồng/m2 lúa. Theo bà Thanh thì có hộ cũng chỉ được hỗ trợ khoảng 400 đồng/m2, nhà được hỗ trợ cao nhất cũng chỉ là 1.400 đồng/m2 lúa bị thiệt hại…
Bà Vũ Thị Tâm cho hay: Bình quân những vụ lúa không bị ảnh hưởng từ khói nhà máy gạch, mỗi vụ gia đình bà thu hoạch từ 250kg thóc/sào. Có năm chăm sóc tốt cho thu hoạch lên tới 300kg thóc/sào.
“Đền bù rẻ mạt như thế chúng tôi lấy đâu tiền mà đong thóc? Cả gia đình mấy miệng ăn đều trông chờ vào hơn 2 sào lúa. Cứ đà này, ít nữa cây lúa mà không hồi phục, phát triển được thì năm nay chắc lại không có thóc gạo ăn” - bà Tâm nói thêm!
Theo người dân thì họ đã làm đơn báo cáo sự việc cây lúa bị cháy táp lên chính quyền địa phương. “Ngày 15-3-2021, một số hộ dân chúng tôi kéo nhau ra xã đề nghị được gặp Chủ tịch xã phản ánh và yêu cầu chính quyền làm rõ sự việc nhưng vị Chủ tịch xã không có mặt ở phòng. Chúng tôi đã sang gặp ông Phạm Hồng Ty - Bí thư Đảng ủy xã phản ánh, được ông Ty cho biết là xã đang làm báo cáo gửi lên huyện về sự việc này” - bà Thanh cho biết tiếp.
Trao đổi với phóng viên Báo CCB Việt Nam, Giám đốc HTX nông nghiệp, dịch vụ Dân Quyền - Nguyễn Mạnh Thắng thông tin: Khi phát hiện hiện tượng lúa bị táp lá, phía HTX vẫn cấp nước đầy đủ để xác định xem cây lúa có phải do sâu bệnh hay không. Tuy nhiên, qua theo dõi xác định hiện tượng lúa táp lá không phải do sâu bệnh, mà gần ruộng lúa lại có Nhà máy gạch Ta Kao đang hoạt động, nhả khói… có thể là nguyên nhân(?). “Những năm trước cũng xảy ra hiện tượng này nên phía HTX vừa rồi cũng hướng dẫn cho bà con làm đơn gửi chính quyền địa phương để tổng hợp, báo cáo phòng, ban chức năng chức năng của huyện”.
Theo ông Thắng thì phải làm từng cấp một và chỉ có cơ quan chức năng của huyện mới có thẩm quyền, có đủ chuyên môn để xác định nguyên nhân xảy ra việc cây lúa bị táp lá từ đâu.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng cũng cho hay, vụ chiêm xuân năm 2018, phía Nhà máy Ta Kao có hỗ trợ một phần cho diện tích lúa của bà con bị ảnh hưởng. Số tiền hỗ trợ khoảng 10 triệu đồng, với tổng diện tích hơn 2ha lúa bị ảnh hưởng. Năm nay diện tích bị ảnh hưởng theo đánh giá của HTX là khoảng 5ha và hiện tượng táp lá diễn ra từ sau ngày 15 tháng Giêng tới nay. “Đều đặn vài ba ngày, HTX lại cử cán bộ ra khu ruộng theo dõi tiến triển phát triển của cây lúa, đồng thời quay lại hình ảnh của các ống khói xả sang làm căn cứ xác định nguyên nhân…” - ông Thắng nói.
Ngày 19-3-2021, trao đổi qua điện thoại với ông Đào Tiến Lực - Chủ tịch UBND xã Dân Quyền, ông Lực cho biết là đã tiếp nhận đơn của bà con phản ánh và xã đã tổng hợp, báo cáo vụ việc này tới UBND huyện Tam Nông và các cơ quan chuyên môn.
Theo ông Lực thì hiện tượng cây lúa bị táp lá mới xuất hiện gần đây. Thời điểm này cũng là thời điểm đang ở đầu vụ, cây lúa còn phát triển và từ nay đến lúc thu hoạch thì còn rất dài nên chưa thể xác định được mức độ thiệt hại. Tuy nhiên, ông Lực cũng cho biết là sự việc xảy ra ở thời điểm nào thì xã xem xét giải quyết thời điểm đó nhưng vẫn phải đợi kết quả kiểm tra, đánh giá của cơ quan chuyên môn!
Bài và ảnh: Doanh Chính