Thôn Yên Mỹ - nơi đầu tiên lập Đền thờ Bà Hoàng Thái hậu Trần Thị Ngọc Hào
Hoàng Thái hậu Trần Thị Ngọc Hào (hiệu Bạch Ngọc) vợ của vua Trần Duệ Tông, nhạc mẫu vua Lê Lợi. Bà là người có công lớn cùng con cháu và nhân dân địa phương khai khẩn ruộng đất, tạo nên nhiều xóm làng trù phú ở các huyện: Hương Sơn, Đức Thọ, Hương Khê, Can Lộc (Hà Tĩnh).
Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, Lê Lợi trên đường Thượng đạo gặp Hoàng hậu Bạch Ngọc, rồi kết duyên với công chúa Huy Chân. Từ đó điền trang của Hoàng hậu Bạch Ngọc trở thành một trong những căn cứ địa của cuộc kháng chiến, khu hậu cần vững chắc để cung cấp quân, lương thảo cho vị anh hùng Lê Lợi đánh thắng giặc Minh. Hoàng Thái hậu mất ngày 22/6 ( âm lịch) niên hiệu Hồng Đức. Theo nguyện vọng lúc còn sống, vua Lê Thánh Tông cho quân đem thi hài bà về mai táng ở quê nhà làng Tri Bản, huyện Hương Khê.
Đám tang của bà di chuyển bằng thuyền, chẳng may gặp giông tố triều cường, thuyền lật, thi hài trôi vào vùng đất giữa 2 thôn Yên Mỹ và Yên Phú. Nhà vua lệnh cho an táng bà tại đây. Để tưởng nhớ công lao to lớn của bà, năm 1471 vua Lê Thánh Tông ra chiếu sắc lập đền thờ tại thôn Yên Mỹ, xã Yên Thái (nay xã Liên Minh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh).
Hằng năm, cứ đến ngày mất của bà 22-6 (âm lịch) nhân dân 2 thôn Yên Mỹ, Yên Phú và dân trong vùng về đền thờ bà ở thôn Yên Mỹ dâng hương, lễ vật, tri ân công lao của bà.
Các triều đại phong kiến Việt Nam từ vua Lê Thánh Tông đến triều Nguyễn đều phong sắc cho bà. Các sắc phong đều ghi rõ: đền thờ bà Hoàng Thái hậu là ở thôn Yên Mỹ và Yên Phú, giáo cho 2 thôn trông coi, phụng sự.
Trước đây thôn Yên Mỹ thuộc xã Yên Thái, thôn Thọ Tường thuộc xã Phương Nghi, năm 1949 sáp nhập 2 xã. Một số cán bộ xã người thôn Thọ Tường độc quyền cho lấy tất cả cổ vật, đồ tế khí 4 ngôi đền thôn Yên Mỹ (trong đó có cổ vật, đồ tế khí đền thờ Hoàng Thái hậu Trần Thị Ngọc Hào) đưa về đền Thọ Tường, đã gây nên xô xát, bắt bớ. Đến năm 2001 đền thờ bà Hoàng Thái hậu còn giữ được 13 đạo sắc. Toàn bộ 13 đạo sắc này do cụ Trần Ngọc Cận cất giữ tại nhà thờ họ Trần ở thôn Yên Mỹ.
Đền Thọ Tường ở xã Phương Nghi lập vào năm 1889 thờ bà Trần Thị Nguyệt, giỗ ngày 10-3 (âm lịch) hằng năm. Sau khi biết tại nhà thờ họ Trần, ông Cận còn giữ 13 đạo sắc về bà Hoàng Thái hậu, những người trông coi đền Thọ Tường bày mưu mời ông Cận về làm thủ từ đền Thọ Tường. Rồi dụ dỗ ông Cận mua lại 13 đạo sắc với giá 500.000 đồng. Sau khi có sắc phong, hội trông coi đền Thọ Tường làm hồ sơ xin công nhận di tích lịch sử văn hóa. Nhưng 2 lần đều không được bởi lý do đền Thọ Tường không đúng địa chỉ và sắc chỉ, cổ vật. Năm 2002 Sở Văn hóa Thể thao, Du lịch Hà Tĩnh chỉ đạo hội trông coi đền Thọ Tường lấy căn nhà quả thực, tịch thu của địa chủ hồi cải cách ruộng đất đã sử dụng làm trạm xá về làm hạ điện đền Thọ Tường, làm thêm nhà ngũ lâu. Họ lấy cổ vật 4 đền ở thôn Yên Mỹ đặt vào đền Thọ Tường, đắp thêm tượng 2 vị tướng nói có thời vua Thành Thái. Rồi họ tự đổi tên đền Thọ Tường thành đền Liên Minh.
Đầu năm 2004 Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh mang sắc chỉ Văn tế của bà Hoàng Thái hậu ở thôn Yên Mỹ ra Viện Sử học phiên âm, dịch nghĩa, xin Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch làm hồ sơ Di tích lịch sử cấp Quốc gia đền Liên Minh. Năm 2007 sau khi các ông Võ Hồng Hải, Nguyễn Cảnh Thụy, Nguyễn Trí Sơn, Lê Bá Hạnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm xong hồ sơ đưa về cho ông Đặng Chuyên- Chủ tịch xã ký. Nhưng ông Chuyên cho rằng hồ sơ giả mạo không đúng sự thực nên không ký. Cuối năm 2007 họ dùng sức ép nhiều phía, đến mức ông Chuyên đành phải ký.
Đền Thọ Tường được thay bằng đền Liên Minh thờ Hoàng Thái hậu Trần Thị Ngọc Hào, giỗ ngày 22-6. Và ngày 22-8-2008 được công nhận Di tích Lịch sử cấp Quốc gia. Bà Trần Thị Nguyệt (đền Thọ Tường) không được thờ nữa. Giỗ bà ngày 10-3 cũng mất.
**Hãy trả về cho lịch sử **
Toàn bộ hồ sơ hiện đang còn lưu giữ, đều cho thấy việc xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc gia đền Liên Minh là không đúng. Bằng chứng là sắc chỉ các triều đại phong kiến Việt Nam từ đời vua Lê Thánh Tông đến triều Nguyễn đều ghi rõ địa chỉ thờ tự Hoàng Thái hậu Trần Thị Ngọc Hào ở thôn Yên Mỹ, chứ không phải ở thôn Thọ Tường.
Viện trưởng Viện sử học Việt Nam cũng khẳng định việc này tại Công văn số: 41/VSH ngày 8-4-2004 gửi Bảo tàng Hà Tĩnh.
Thực tế tại thôn Thọ Tường chỉ có đền thờ bà Trần Thị Nguyệt (giỗ ngày 10-3). Các di vật, cổ vật, sắc phong hiện đang thờ tự tại đền Liên Minh không phải của đền Liên Minh mà được mua bán, thu từ các đền thờ khác đem về rồi tạo dựng lại, làm thay đổi các yếu tố gốc cấu thành di tích, vi phạm Điều 3 luật Di sản: “... Nghiêm cấm hành vi mua bán, trao đổi cổ vật ...” và Điều 4 Nghị định 98/2010/NĐ-CP của Chính phủ: “...Không được thay đổi yếu tố gốc cấu thành Di tích...”.
Người sở hữu hợp pháp các di vật, cổ vật tại đền thờ Hoàng Thại hậu Trần Thị Ngọc Hào là ông Trần Ngọc Cẩn và nhân dân thôn Yên Mỹ.
Đã hơn 10 năm nay nhân dân thôn Yên Mỹ gửi đơn tới các cấp chính quyền từ địa phương tới Trung ương, nhưng chưa được giải quyết, nên nhân dân thôn Yên Mỹ vẫn tiếp tục khiếu kiện.
Đã đến lúc các cấp cần tôn trọng ý kiến của dân, lắng nghe dân nói, làm việc một cách nghiêm túc, sai đâu sửa đấy, những gì của lịch sử phải trả về cho lịch sử, không để “râu ộng nọ cắm cằm bà kia”.
Lê Văn Nguyên- Hải Hưng