Là bạn đọc, tôi có cảm nhận khi đọc bài viết “Sản xuất quanh nhà”, của tác giả Phương Nghi đăng trên Báo CCB Việt Nam gần đây, giới thiệu phong trào của Hội CCB tỉnh Sóc Trăng, với cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, sức thuyết phục cao, phong trào cần được tuyên truyền và nhân rộng trong toàn Hội để vận dụng thực hiện.

Theo tác giả bài báo “Phong trào “Sản xuất quanh nhà”, mục tiêu cốt lõi là thay đổi tư duy và phương pháp chăn nuôi, trồng trọt trên chính mảnh đất vườn của mình, thay đổi phong tục, thói quen tập quán, chuyển đổi canh tác từ cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn…

Đây là động lực để các cấp Hội CCB tỉnh Sóc Trăng tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường tham gia phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phấn đấu giảm nghèo nhanh, bền vững, làm giàu hợp pháp”.

Ví dụ như Chi hội CCB ấp Thuận Hoà, xã Gia Hoà 2, huyện Mỹ Xuyên, đã vận động hội viên tận dụng bờ ao, bờ kênh, đất trống của gia đình để trồng các loại rau củ quả, nuôi ếch, nuôi tôm thương phẩm đem lại thu nhập cho hội viên từ 5-20 triệu đồng/tháng/hội viên. Điều đáng chú ý là chi hội trưởng đứng ra bao tiêu, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hội viên; chi hội cho hội viên vay quỹ ưu đãi để nuôi tôm thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Còn Chi hội CCB ấp 15, xã Vĩnh Lợi, huyện Thạnh Trị, hội viên tận dụng và cải tạo đất, mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có giá trị hàng hoá cao để thay thế cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả, sản xuất manh mún; Hội CCB huyện khuyến khích động viên cho hội viên vay vốn để phát triển sản xuất mang lại hiệu quả.

Hay ở Chi hội CCB ấp Cái Quanh, xã Tân Thạnh, huyện Long Phú, tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, chi hội đã khuyến khích hội viên trồng rau màu đa canh tùy vào điều kiện cụ thể của từng hộ cho phù hợp, sản phẩm được bao tiêu, đầu ra ổn định giúp hội viên an tâm sản xuất…

Có thể thấy, từ kết quả phong trào “Sản xuất quanh vườn” của CCB ở Sóc Trăng là một bài học hay về ý thức tự lực tự cường, tận dụng lãng phí tài nguyên “tấc đất tấc vàng”, thay đổi tư duy nhận thức sản xuất hàng hoá, liên kết sản xuất gắn liền với tiêu thụ, áp dụng khoa học kỹ thuật - công nghệ, sản xuất theo hướng hữu cơ, tạo sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn người tiêu dùng…

Phong trào góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giảm nghèo bền vững, làm giàu hợp pháp trong hội viên. Đồng thời, thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động xã hội ở địa phương, phát huy tính năng động, sáng tạo của hội viên để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định và cải thiện đời sống, góp phần thiết thực trong xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Dân gian đúc kết rằng: “tấc đất tấc vàng”, “bỏ đất hoang là có tội”… lưu truyền mãi từ đời này sang đời khác để nhắc nhở, nay vẫn nóng hổi “tính thời sự”. Mô hình VAC “vườn, ao, chuồng” nhộn nhịp một thời trong nhiều gia đình nông thôn theo kiểun“tự cấp tự túc” chí ít là giúp ích cho mỗi gia đình “tự sản tự tiêu”. Bắt gặp đâu đó thửa ruộng, mảnh vườn, thước ao, bờ mương… chưa được sử dụng, khai thác tối đa làm lợi cho chính gia đình mình. Tình trạng đất trống cỏ dại mọc, mặt nước để không vẫn phải ra chợ “chuốc” mớ rau, con cá, con gà… về làm bữa ăn hằng ngày vừa đắt đỏ, không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng sức khoẻ… mà đúng ra phải “tự lực tự cường” để tạo nguồn thực phẩm không chỉ phục vụ bữa ăn hàng ngày trong nhà mà còn là sản phẩm hàng hoá thiết yếu đưa ra thị trường… Hay  thói quen để mặc “nước chảy bèo trôi” không chịu thay đổi cách suy nghĩ để mạnh dạn cải tạo vườn tạp, đất kém hiệu quả sang sản xuất cây trồng, vật nuôi phù hợp với đất đai, ao vườn để có giá trị kinh tế cao vừa cải tạo đất tăng thu nhập nâng cao đời sống…

Để lãng phí đất quanh nhà không biết khai thác sử dung cũng xót và tiếc lắm, với ý chí “tự lực tự cường” nên chăng phải biết tận dụng nó vì “tấc đất là tấc vàng” (bây giờ mỗi tấc đất là rất nhiều vàng), nhanh chóng thay đổi nhận thức để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp có giá trị kinh tế cao, sản xuất sản phẩm làm hàng hoá theo nhu cầu thị trường, muốn năng suất giá trị cao phải ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, phải nắm được kiến thức kỹ thuật sản xuất kinh doanh, bảo hiểm cây trồng vật nuôi; tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, hỗ trợ giúp đỡ về vốn để gỡ “bí” khi gặp khó, tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất sản phẩm sạch theo chuỗi, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm tiến tới đạt tiêu chuẩn OCOOP…

Tin rằng, qua phong trào (mô hình) “Sản xuất quanh nhà” của Hội CCB tỉnh Sóc Trăng sẽ là bài học quý giá đối với hội viên, tổ chức Hội CCB, phong trào cần được nhanh chóng phổ biến, triển khai thực hiện trong các cấp Hội để vận dụng học tập làm theo.

Lê Như Cương