Một góc trang trại gà tại nhà của CCB Phạm Văn Tràng, thôn 2, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư mà khởi đầu là từ CCB giúp nhau làm kinh tế gia đình.
Đọc bài: "Sản xuất quanh nhà - Mô hình nhỏ, hiệu quả to” của tác giả Phương Nghi đăng trên Báo CCB Việt Nam từ số 1484 đến 1486, do Hội CCB tỉnh Sóc Trăng phát động, tôi thấy đây là chủ trương rất đúng đắn theo quan điểm của Đảng, truyền thống của Dân tộc và Quân đội trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc trước đây; phù hợp với tình hình kinh tế đất nước và hoàn cảnh của đông đảo CCB hiện nay.
Trong một lần lên thăm "An toàn khu" của cuộc kháng chiến chống Pháp, tôi được đọc bài thơ của Bác Hồ, yêu cầu bộ phận phục vụ khi tìm nơi đặt trụ sở cơ quan phải đạt được các tiêu chí: Bí mật, thuận tiện và phải có chỗ để tăng gia sản xuất. Trong đó có câu rất dễ nhớ: "Trên có núi, dưới có sông/ Có đất ta trồng, có bãi ta chơi". Theo Bác, bất cứ ở đâu cũng phải tận dụng các điều kiện để tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống. Một số nghiên cứu về di tích, địa điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Trước khi di chuyển cơ quan, Bác yêu cầu xóa mọi dấu vết lán trại, đồng thời phải trồng sắn, gieo rau. Một số người hỏi, Bác giải thích: Cơ quan mình đi sẽ có cơ quan khác đến. Phải làm sao cho khắp rừng Việt Bắc này chỗ nào cũng có hậu cần tại chỗ phục vụ kháng chiến”.
Còn nhớ, ngày chúng tôi hành quân vào chiến trường đánh Mỹ, dọc đường có nhiều nương sắn rất tốt và các loại rau rừng chỉ thấy cấu ngọn. Hỏi ra mới biết, cấp trên yêu cầu các đơn vị hành quân qua, được vào nhổ sắn mang về cho bộ đội sử dụng khi bị thiếu lương thực, nhưng phải tổ chức trồng lại với diện tích ít nhất cũng phải bằng diện tích đã nhổ. Với rau rừng chỉ được hái, không được nhổ cả gốc để các đơn vị đến sau có nguồn lương thực, rau xanh tại chỗ.
Chính việc thực hiện tốt chủ trương: Xây dựng tiềm lực hậu cần tại chỗ, đảm bảo "thực túc binh cường" nên trong các cuộc kháng chiến, mặc dù kinh tế đất nước rất khó khăn, nhưng quân dân ta vẫn đủ sức đánh thắng quân xâm lược.
Ngày nay, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và cuộc vận động cả nước vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau; Đảng, Nhà nước ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm động viên, khuyến khích người nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Đối với đông đảo CCB, mặc dù được các cấp chính quyền và tổ chức Hội quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, một bộ phận không nhỏ kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ gia đình hội viên thuộc diện hộ nghèo còn cao, có cơ sở chiếm tới 5-6%. Vì vậy, việc động viên CCB tận dụng lợi thế của địa phương, phát động phong trào sản xuất quanh nhà như Hội CCB tỉnh Sóc Trăng, nhằm giúp hội viên phát huy tinh thần tự lực tự cường, phấn đấu vươn lên thoát nghèo là việc làm rất cần thiết và cần được nhân rộng.
Phong trào "Sản xuất quanh nhà" phải hiểu theo nghĩa "rộng", không bó hẹp trong việc tận dụng khai thác đất đai quanh nhà để trồng cây, trồng rau hay đào ao nuôi tôm, cá mà phải căn cứ tình hình cụ thể để tổ chức đạt hiệu quả. Vì vậy, cán bộ và tổ chức Hội phải hết sức linh hoạt, nắm chắc đặc điểm của địa phương, nơi nào có điều kiện về đất đai thì hướng dẫn hội viên cải tạo vườn tạp, ruộng cấy lúa kém hiệu quả để trồng cây có giá trị kinh tế cao. Những nơi đất chật người đông, tổ chức Hội vận động hỗ trợ con giống, hướng dẫn hội viên nuôi gà đẻ trứng, gà thịt, chim bồ câu, ốc nhồi, ếch…; hoặc tận dụng triền đê nuôi dê, bò với quy mô vừa phải, phù hợp với khả năng của từng đối tượng hội viên và bảo đảm vệ sinh môi trường.
Những năm vừa qua, các cấp Hội trong cả nước đã triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào "CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi" và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hội viên thuộc diện hộ nghèo hằng năm đều giảm, nhiều cơ sở Hội không còn gia đình hội viên nghèo. Tuy nhiên, một số nơi lại thiên về vận động CCB phát triển các doanh nghiệp, trang trại có quy mô lớn, chưa chú trọng đúng mức việc phát động phong trào "Sản xuất quanh nhà" để từng bước cải thiện đời sống gia đình hội viên.
Việc vận động CCB tận dụng lợi thế, truyền thống của địa phương, sự giúp đỡ của chính quyền, gia đình, đồng đội để khởi nghiệp bằng xây dựng các doanh nghiệp, trang trại, cơ sở sản xuất kinh doanh là việc làm rất cần thiết. Vì đây là những mô hình điển hình mang tính "biểu tượng, dẫn dắt" cho mọi hội viên phấn đấu noi theo. Đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, đóng góp ngân sách nhà nước và công tác an sinh xã hội. Tuy nhiên, số lượng CCB có khả năng, điều kiện làm chủ các doanh nghiệp, trang trại, cơ sở sản xuất chiếm tỷ lệ rất thấp. Ví dụ như Hội CCB tỉnh Thái Bình có gần 500 doanh nhiệp, trang trại, cơ sở sản xuất do CCB làm chủ, nhưng mới đạt gần 2% so với tổng số hội viên toàn tỉnh. Vì vậy, phát động phong trào “Sản xuất quanh nhà” làm cho từng CCB có thu nhập hiệu quả ngay trên mảnh đất của gia đình, là việc làm căn cơ để xóa nghèo bền vững trong tổ chức Hội. Nếu làm tốt, phong trào “Sản xuất quanh nhà” cũng sẽ là mô hình để các cấp chính quyền, các hội đoàn thể ở địa phương hưởng ứng và nhân rộng.
Thực hiện phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo làm kinh tế giỏi” ở Hội CCB tỉnh Thái Bình thời gian qua đạt kết quả tốt. Đã có gần 500 doanh nghiệp, trang trại, cơ sở sản xuất do CCB làm chủ; tỷ lệ hộ nghèo trong tổ chức Hội còn 0,32%; có 93 (36%) cơ sở Hội cấp xã không còn hộ nghèo. Nhiều mô hình "Sản xuất quanh nhà" mang lại hiệu quả thiết thực như: Mô hình tặng gà giống của Hội CCB xã Tân Học, Thái Phúc, huyện Thái Thụy; mô hình “Giúp trồng vườn thanh long” của Hội xã Đông Quang, huyện Đông Hưng; mô hình “Hướng dẫn trồng củ ấu trong ao” của Hội xã Châu Sơn, huyện Quỳnh Phụ; “Hướng dẫn gieo mạ khay để cấy máy” của Hội xã Tân Phong, huyện Vũ Thư… nhưng các mô hình này còn ở phạm vi hẹp, chưa dược nhân rộng.
Xây dựng phong trào "Sản xuất quanh nhà" như Hội CCB tỉnh Sóc Trăng và một số nơi ở Hội CCB tỉnh Thái Bình là viêc làm rất tốt và đáng trân trọng. Nhưng làm thế nào để nhân rộng và duy trì tính bền vững của phong trào mới là điều căn bản. Qua đó, làm cho tổ chức Hội không còn hộ gia đình hội viên nghèo; không có hội viên nào "bị bỏ lại phía sau".
Vẫn biết xây dựng được phong trào đã khó, duy trì và nhân rộng lại càng khó hơn, nhưng không phải là bất khả thi. Nếu được tổ chức chỉ đạo chặt chẽ, cán bộ các cấp Hội sâu sát, linh hoạt, sáng tạo; hội viên nhiệt tình hưởng ứng, nhất định phong trào "Sản xuất quanh nhà" sẽ đi vào cuộc sống. Khép lại bài viết này, tôi muốn nhắc đến câu mà người đời vẫn dặn: Cho chiếc cần câu và hướng dẫn cách câu thì tốt hơn cho con cá.
Nguyễn Văn Hán - Nguyên Chủ tịch Hội CCB tỉnh Thái Bình