Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có bước tiến trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, hướng tới việc phục vụ nhân dân với số lượng nhiều hơn và chất lượng cao hơn, hiệu quả hơn và công bằng hơn. Các chỉ số sức khỏe nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt, Việt Nam đạt nhiều tiến bộ trong các chỉ tiêu về y tế như giảm tỷ lệ chết mẹ và tử vong ở trẻ em, đạt mục tiêu về kiểm soát sốt rét và bệnh lao cũng như đẩy lùi tỷ lệ lây lan HIV/AIDS... được Cơ quan phát triển LHQ (UNDP) xếp vào danh sách các nước có thành tựu nổi bật về y tế so với tổng sản phẩm quốc dân (GDP).
Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, với phương châm đa dạng hóa các hoạt động của ngành, xã hội hóa công tác y tế, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã tiến một bước dài, bao gồm hệ thống y tế hỗn hợp công tư, từng bước thực hiện BHYT toàn dân; xã hội hóa công tác y tế, chăm sóc sức khỏe; ưu đãi các đối tượng chính sách xã hội, đồng thời trợ giúp chăm sóc sức khoẻ cho người nghèo… Cả nước hiện có 13.439 cơ sở khám chữa bệnh công, 75 khu điều dưỡng phục hồi chức năng, trên 1.000 phòng khám đa khoa và nhà hộ sinh khu vực. Điều đáng ghi nhận là chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh không ngừng được nâng cao. Mạng lưới y tế cơ sở đã được xây dựng rộng khắp cả nước từ TƯ đến các tỉnh, huyện, xã; từ đồng bằng, trung du, các vùng xa xôi hẻo lánh đến tận biên giới hải đảo và đang mở rộng khắp thôn, xóm, bản, làng với 11.544 trạm y tế xã, y tế cơ quan xí nghiệp. Nhờ mạng lưới đó, Việt Nam đã thực hiện được nhiều mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới đề ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ngành Y tế cũng đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, điển hình là sự chênh lệch đáng kể về các chỉ số sức khỏe giữa các vùng miền, nhóm dân tộc; là xu hướng gia tăng các bệnh không lây nhiễm và các yếu tố nguy cơ; xu hướng già hóa dân số, các dịch bệnh mới nổi tái xuất hiện, các vấn đề sức khỏe liên quan đến biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tiến độ xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quản lý Nhà nước về y tế còn chậm; tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến TƯ và bệnh viện các thành phố lớn còn cao, đặc biệt là tại các chuyên khoa tim mạch, ung bướu, chấn thương chỉnh hình và sản, nhi. Hệ thống y tế cơ sở còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực và cơ chế chính sách. Hoạt động của hệ thống y tế dự phòng gặp nhiều khó khăn do chưa được đầu tư thỏa đáng và mô hình tổ chức của y tế dự phòng thiếu sự gắn kết với hệ thống điều trị nên hiệu quả phòng, chống dịch bệnh chưa cao…
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong giai đoạn 2016-2020, Ngành Y tế sẽ tập trung ổn định mô hình, hoàn thiện hệ thống y tế theo quy hoạch đến 2025; định hướng 2035 theo hướng thu gọn đầu mối để nâng cao hiệu quả hoạt động, đầu tư. Ngành tập trung nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, giảm chênh lệch về chỉ số sức khỏe giữa các vùng, miền; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tiếp tục giảm quá tải ở các bệnh viện TƯ và thành phố lớn. Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế, hoàn thành việc chuyển ngân sách cấp cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; Tập trung đổi mới, củng cố và hoàn thiện hệ thống y tế từ TƯ đến địa phương theo Quy hoạch phát triển hệ thống Y tế Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Dương Sơn