Sau nhiều biến cố về chiến tranh, cố đô Huế đã mất đi rất nhiều cổ vật giá trị nhất. Trước tiên là biến cố Thất thủ kinh đô ngày 5/7/1885 (nhằm ngày 23 tháng 5 Âm lịch). Sau khi phe chủ chiến của vua Hàm Nghi muốn đánh Pháp nhưng bại lộ, lính Pháp đã tấn công và chiếm kinh đô Huế, lấy đi khá nhiều cổ vật giá trị và các đồ vàng, bạc, ngọc ngà, châu báu.

Tháng 2 năm 1947, Pháp tái chiếm Việt Nam, cũng như Huế. Một số cung điện bị hư hại nặng, tiêu biểu như Tử Cấm Thành nằm trong Kinh thành Huế bị cháy đến 3 ngày 3 đêm. Khi quân Pháp tràn vào đã cướp đi toàn bộ những thứ quý giá nhất của triều Nguyễn, hoàng cung Huế gần như trống rỗng.

Cụ thể những Kim Ngọc Bảo Tỷ - là ấn của nhà vua, được làm bằng ngọc, đúc vàng, bạc hay bạc mạ vàng tượng trưng cho đế quyền, chế độ quân chủ phong kiến triều Nguyễn (gồm chúa và vua Nguyễn) ở Việt Nam - đã biến mất. Đây được xem là những cổ vật quý báu hàng đầu của Huế.

Tiếp đến là chiến tranh Mậu thân 1968 rồi đến 1972. Đặc biệt vào năm 1975, khi thành phố đi di tản gần hết thì giữa cảnh “tranh tối tranh sáng”, thêm một phần cổ vật nữa cũng “khăn gói ra đi”.

Trong Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện đang còn một ít ấn triện nhưng đều là loại dùng cho các quan, không phải của vua cho nên giá trị không lớn. Riêng Ngọc Tỷ ở Huế từ lâu đã không còn cái nào nữa. Dù không còn ở Huế nhưng 85 Ngọc Tỷ cũng đang ở trên đất Việt Nam cũng là một điều đáng mừng.

Nếu so số cổ vật khoảng hơn 8.000 tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế với số mất đi không dấu vết cộng với số lưu lạc ở các tỉnh thành, ngoại quốc thì giá trị cổ vật Huế hôm nay chỉ bằng khoảng 1/10 so với thời kỳ hoàng kim triều Nguyễn.

Nói thế cũng không phải là toàn bộ cổ vật ở đây là không có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, nghệ thuật. Vì nếu đi vào xem tại Bảo tàng cổ vật cung đình Huế, khách du lịch hay người bình thường trước nhiều bộ sưu tập như “cành vàng lá ngọc” “tiền cổ” “đồ sứ” “kim loại quý” … toát lên không khí vương giả hồi xưa cũng đã bị chinh phục rồi. Chỉ có những người thực sự am hiểu về cổ vật mới thấy thật sự chính xác những gì quý nhất ở Huế đã không còn nữa.

Một dòng “chảy máu” cổ vật khác do kẻ trộm. Giai đoạn 1975-1985, một số cổ vật quý báu làm tùy táng cho vua bị đào bới mất cắp tại các lăng ở Huế. Những năm 87-88, lăng bà Từ Dũ (mẹ vua Thiệu Trị) cũng bị mất đi chiếc mũ bằng vàng trong những ngày mưa gió cuối năm. May mắn sau đó kẻ trộm đã bị bắt giữ. Tuy nhiên cổ vật này sau đó lại được đem đi thanh lý - tôi thật sự không hiểu nổi.

Rồi cách đây 20 năm tại lăng Khải Định đã bị mất đi một bát nhang kim loại rất lớn do một vị khách tham quan đã đổ toàn bộ đất, nhang ra và bỏ vào túi áo ra về trót lọt (mất trong giờ tham quan), đến nay vẫn chưa tìm ra trộm…

Chính những lần bị trộm cắp như thế và mới nhất là vụ trộm cổ vật lăng Khải Định gần đây đã làm giảm dần số lượng đồ quý báu trong di tích Huế. Dù cổ vật không còn bao nhiêu so với lúc xưa nhưng ta nên giữ chút nào được thì hay chút đó vì làm vậy chính là giữ phần “hồn” của di tích. Chính cổ vật trang hoàng trong Đại Nội và các lăng đã làm cho những tòa nhà thêm có phần nội thất sống động hơn, làm du khách dễ “cảm” hơn là đến với các di tích “trơ trọi”.

Rất nhiều nguồn cổ vật trôi nổi ở thị trường nước ngoài cần được ban ngành, cơ quan chức năng quan tâm đúng mức hơn. Chúng ta nên tìm bằng nhiều cách để đưa cổ vật về nước khi biết được thông tin có bán cổ vật hay đấu giá trực tiếp.

Cổ vật trong di tích cũng như đồ vật sở hữu trong nhà chúng ta ở. Nếu thiếu đi nó, di tích sẽ chỉ là những công trình kiến trúc đơn thuần và ngôi nhà sẽ rất lạc lõng và thiếu đi tính đặc trưng. Lúc đó, nhà cũng như di tích: sẽ không còn lưu dấu ấn cho khách khi vào thăm nữa.

Hoàng Linh (TH)