Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, hiệu quả ĐTN chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế và mục tiêu của các địa phương. Các nghề phù hợp với điều kiện, tiềm năng của địa phương như lâm nghiệp, chăn nuôi chưa được quan tâm; trong khi đó, nhiều trung tâm dạy nghề lại mở nhiều lớp phi nông nghiệp mà lại nặng về lý thuyết, chưa gắn với giải quyết việc làm nên không thu hút được học viên. Từ đó dẫn đến tình trạng nhiều lớp ĐTN chỉ “đông vui” được vài hôm đầu, sau đó thưa dần. Có học viên thậm chí chỉ ghi tên để lĩnh chế độ và bỏ dở lớp học. Các huyện, dù hàng năm tổ chức được hàng chục lớp ĐTN theo kế hoạch đề ra nhưng tỷ lệ có việc làm sau đào tạo còn thấp, lao động duy trì và sống ổn định bằng nghề còn hạn chế.

Trước thực trạng trên, các huyện miền núi Thanh Hóa đang nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng công tác ĐTN gắn với nhu cầu thực tế tại địa phương. Ông Lữ Văn Hà - Trưởng phòng LĐTBXH huyện Quan Sơn cho biết: 2 năm trở lại đây, thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng công tác ĐTN cho lao động nông thôn, huyện đã tổ chức các lớp đào tạo các nghề, như: Sửa chữa ô tô, xe máy, may mặc, làm hàng mây tre đan xuất khẩu, dệt thổ cẩm, chế biến lâm sản, đặc biệt là làm du lịch cộng đồng cho người dân.. Đây đều là những nghề phù hợp với đặc thù và nhu cầu thực tế của địa phương.

Các huyện Bá Thước, Quan Hóa, Cẩm Thủy cũng chủ động chọn và định hướng đào tạo các nghề theo nhu cầu thực tế, đồng thời đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức các lớp ĐTN gắn với tạo việc làm cho lao động.

Lãnh đạo Phòng Quản lý ĐTN, Sở LĐTBXH Thanh Hóa cho biết: Trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh hiện có 12 cơ sở giáo dục - ĐTN, gồm 2 trường trung cấp nghề và 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Năm 2017, có 14.459 lao động tại 11 huyện miền núi được đào tạo nghề, trong đó 11.765 lao động sau đào tạo đã có việc làm, đạt 81,3%. Cũng theo Lãnh đạo Phòng Quản lý ĐTN, để nâng cao hiệu quả công tác ĐTN, tăng tỷ lệ có việc làm ổn định sau đào tạo, các địa phương cần phải làm tốt công tác hướng nghiệp, giáo dục nâng cao nhận thức về học nghề, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động để họ có ý chí tự vươn lên trong học nghề, tự tạo việc làm. Các cơ sở, trung tâm dạy nghề cần được đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất; lựa chọn cơ cấu nghề phù hợp, trong đó chú trọng những ngành nghề gắn với nhu cầu thực tiễn tại địa phương, những ngành nghề có nhiều cơ hội việc làm, các ngành nghề truyền thống hoặc những ngành nghề có nhiều cơ hội đi xuất khẩu lao động...

Các địa phương cũng cần liên kết tạo việc làm cho lao động sau đào tạo, hỗ trợ lao động vay vốn phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, đẩy nhanh quá trình thoát nghèo bền vững tại các địa phương.

Gia Khánh