Sách được trưng bày tại Hội thảo.

Sáng 17-4, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Xuất bản Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng”. Ban tổ chức nhận được 20 tham luận của đại biểu đến từ các tỉnh, thành, thư viện, công ty phát hành sách…tham gia hội thảo.

Tại   hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề như: Đánh giá nhu   cầu tiếp cận tri thức thông qua sách trong những năm qua; những cơ chế, chính   sách của Đảng và Nhà nước đối với việc phát triển văn hóa đọc; phân tích   những kết quả, những mặt đã làm được và chỉ rõ những hạn chế, vướng mắc trong   việc xây dựng và phát triển phong trào đọc sách hiện nay, cũng như việc triển   khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam; đánh   giá những phương án tổ chức triển khai, cách làm hiệu quả cần nhân rộng; đề   xuất, kiến nghị những giải pháp cụ thể, có tính khả thi nhằm phát triển phong   trào đọc sách, nâng cao và phát triển văn hóa đọc.    

PGS,TS Nguyễn An Tiêm (Hội Xuất bản Việt Nam) cho rằng: Hiện nay hệ thống thư viện các trường học từ tiểu học, THCS đến THPT của cả nước đã được hình thành và hoạt động khá hiệu quả. Tuy nhiên, chất lượng, chủng loại sách và hiệu quả phục vụ còn nhiều yếu kém, bất cập nên chưa có khả năng thu hút được đông đảo học sinh, sinh viên. Cùng với hoạt động của thư viện, việc đưa văn hóa đọc vào trong các hoạt động của sao đội và đoàn thanh niên trong nhà trường là việc làm cần thiết. Cần lồng ghép các hoạt động kích thích văn hóa đọc vào trong các hoạt động đoàn (đối với học sinh THPT), sinh hoạt sao đội (đối với học sinh Tiểu học và THCS).

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam đánh giá: Ngày Sách Việt Nam đã được triển khai một cách đồng bộ, mạnh mẽ, khá bài bản và hiệu quả từ Trung ương tới các địa phương, càng ngày càng được định hình rõ nét hơn và sức lan tỏa sâu rộng hơn. Ngày Sách Việt Nam 21-4 hằng năm là dịp để 2 ngành: Xuất bản và Thư viện cùng phối hợp và đồng hành vì mục tiêu chung là nâng cao văn hóa đọc cho toàn dân. Đó chính là mối quan hệ biện chứng, hữu cơ, gắn bó mật thiết giữa sách - văn hóa đọc và đời sống xã hội, sách và tri thức góp phần làm giàu cho xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển, thì ngược lại, xã hội cũng phải có trách nhiệm tôn vinh và đầu tư trở lại cho các hoạt động văn hóa quan trọng này.

Đại diện của Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) cho rằng, Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam và Quyết định số 329/QĐ-TTg Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ góp phần nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân về ý nghĩa của việc phát triển văn hóa đọc, định hướng đọc cho người dân. Bằng những hoạt động thiết thực, toàn ngành thư viện đã góp phần phát triển văn hóa đọc, tạo điều kiện cho người dân học tập suốt đời, đóng góp một phần vào việc nâng cao dân trí, phát triển bền vững nguồn nhân lực của đất nước.

Đánh giá về việc đọc sách trong thời đại truyền thông số, ông Trần Chí Đạt, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: Trong thời đại truyền thông số khi mà con người ta có thể dễ dàng giao tiếp với nhau chỉ trong tích tắc bằng các thiết bị di động thông minh, dễ dàng cập nhật thông tin nóng hổi nhất, đa chiều nhất, xuyên suốt không gian, thời gian từ sách (báo) điện tử thì việc đọc sách truyền thống vẫn có một chỗ đứng nhất định. Tuy vậy, để phát triển mạnh mẽ cũng như duy trì văn hóa đọc cần phải kết nối và phát triển song song việc xuất bản, phát hành sách in với sách điện tử trong hệ thống các nhà xuất bản.

Hội thảo khoa học “Xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng” một lần nữa khẳng định ý nghĩa, sự cần thiết và ảnh hưởng to lớn của việc đọc sách đối với đời sống văn hóa cộng đồng; khuyến khích mọi người dân, gia đình đến với sách, đọc sách và tham gia tích cực các hoạt động liên quan đến sách.

KHÁNH HUYỀN