Các đồng chí lãnh đạo chủ trì hội thảo.

Sáng 28-8, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Dự hội thảo có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch nước; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Mệnh lệnh thiêng liêng cho toàn Đảng, toàn dân

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Phạm Minh Chính khẳng định: Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào lịch sử như một “kiệt tác bất hủ”; một “bảo vật quốc gia” gắn liền với tên tuổi của Người. Trong Di chúc, Người trước hết nói về Đảng, căn dặn những vấn đề trọng yếu nhất về xây dựng và chỉnh đốn Đảng; xây dựng Đảng là đạo đức, là văn minh. Người chỉ rõ: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”. Để Đảng ta trở thành một đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, Hồ Chí Minh căn dặn vấn đề đoàn kết phải đặt lên hàng đầu: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”…

Trên cơ sở luận giải vấn đề xây dựng Đảng trong Di chúc của Người, các đại biểu tham luận đều liên hệ thực tiễn và chỉ ra rằng: Thực hiện di huấn của Người, trong 50 năm qua, Đảng ta đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng, luôn xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên và then chốt. Trong các kỳ đại hội của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã nghiên cứu, bổ sung nội dung xây dựng Đảng vào Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, ban hành các nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Liên tục trong hai nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành: Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI và XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các chỉ thị của Bộ Chính trị, triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Với cách làm trên, từ Ban Chấp hành Trung ương đến các chi bộ cơ sở đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của nhiều chi bộ, đảng bộ và cán bộ, đảng viên được tăng lên. Cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đạt nhiều kết quả quan trọng; góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Toàn cảnh hội thảo.

Hiện nay, cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng; phòng, chống tham nhũng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng đạo đức, lối sống vẫn còn cam go, ác liệt. Như trong Di chúc của Người đã tiên liệu: “Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”. Bởi vậy, mỗi cấp ủy Đảng và đảng viên, với thái độ thẳng thắn, xây dựng, cần nghiêm túc, thực hiện tự phê bình và phê bình, nâng cao ý thức kỷ luật, xây dựng phong cách lãnh đạo, tác phong, thái độ làm việc tôn trọng nhân dân, phục vụ nhân dân; gương mẫu đi đầu trong hoạt động, công tác, nói đi đôi với làm… để có được niềm tin của nhân dân; góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh như di huấn của Người.

“Bản cương lĩnh” của dân tộc và thời đại

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: Bản Di chúc là văn kiện lịch sử ở tầm cương lĩnh với tầm nhìn vượt thời gian, mang tinh thần cách mạng cao cả và nhân văn sâu sắc, chứa đựng các giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại. Đó cũng là chiếu lệnh, trao gửi chân lý và niềm tin sắt son không gì lay chuyển được vào tương lai thắng lợi tất yếu của cách mạng: “Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Bản Di chúc sau khi được công bố đã gây xúc động mạnh mẽ, như một lời hiệu triệu, được truyền đi, lan tỏa trở thành ý chí, quyết tâm và sức mạnh to lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh.

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: Mang tầm nhìn vượt thời gian, Di chúc của Người đã đề ra những chủ trương, định hướng về xây dựng đất nước, phát triển kinh tế-xã hội sau ngày toàn thắng.

Thực hiện di nguyện của Người, từ năm 1986, Đảng ta đã tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Dù điều kiện khó khăn sau chiến tranh, nhưng đến năm 1989, nông dân được miễn giảm thuế và miễn thuế nông nghiệp theo lời dặn trong Di chúc của Người. Cũng từ đó, đời sống nhân dân ta từ miền núi đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị, từ biên cương đến hải đảo không ngừng được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.

Học Bác và thực hiện theo di huấn của Người, Đảng ta luôn quan tâm đến phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, với việc cụ thể hóa chủ trương “Phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt”, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận, một cách đồng bộ, tạo ra những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Sáng tỏ nhiều bài học trong thực hiện Di chúc của Người

Ý kiến tham luận của các nhà khoa học thống nhất khẳng định: Sự vận dụng sáng tạo những chỉ dẫn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa đến những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực, cùng những bài học kinh nghiệm, quý báu rút ra sau 50 năm thực hiện Di chúc của Người. Qua việc học Bác, chúng ta luôn vững vàng về nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH với đường lối đổi mới và hội nhập quốc tế, kiên định với những nguyên tắc của Đảng; phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, tự phê bình và phê bình, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Kiên định, đi đôi với vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận trong thực tiễn, không áp dụng lý luận một cách máy móc, giáo điều; gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành.

Thời gian qua, học Bác, mỗi cán bộ, đảng viên luôn nắm vững bài học “dân là gốc”, “tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân”, thấm nhuần sâu sắc lời dặn của Người: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”; trở thành tấm gương sáng về “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”; đấu tranh không khoan nhượng với nạn tham ô, tham nhũng, các biểu hiện lệch lạc, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

Nhiều tham luận cho rằng, càng đối mặt với khó khăn thường nhật, chúng ta càng phải có thêm ý chí, bản lĩnh, niềm tin và quyết tâm hoàn thành ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng ta phải tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, thực hiện phát triển nhanh, bền vững đất nước, trọng tâm là hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh CNH, HĐH trên nền tảng của khoa học công nghệ, giáo dục và đổi mới sáng tạo; chủ động, tích cực đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.

Bài học thấm thía nhất, đó là “điều trước tiên”, phải đẩy mạnh xây dựng và chỉnh đốn Đảng một cách toàn diện, đồng bộ trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ và đạo đức. Coi trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị từ cơ sở. Đặc biệt chú trọng công tác cán bộ, coi đây là then chốt của những nhiệm vụ then chốt. Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn nêu gương sáng về tư tưởng, đạo đức, phong cách; chuyển từ nhận thức đúng đắn sang hành động cụ thể; cán bộ chức vụ càng cao lại càng phải gương mẫu, liên tục tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất của mình như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Có được như vậy, Đảng ta mãi mãi sẽ là đạo đức, là văn minh, mãi được nhân dân tin yêu vào trao trọn trọng trách lãnh đạo.

50 năm đã trôi qua nhưng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn có sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn, vẫn là ánh sáng soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nước ta, là nguồn động viên, cổ vũ các thế hệ người Việt Nam tiếp tục phấn đấu tiến lên giành những thắng lợi mới.

TRỊNH DŨNG