Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Ngày 4-7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã tiến hành hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố để đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019.

Phát biểu khai mạc hội nghị, nhìn lại 6 tháng qua Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, có thể vui mừng đánh giá kinh tế, thương mại, đầu tư cũng như các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước đạt kết quả quan trọng, toàn diện. Thủ tướng nêu ra một số sự kiện đối ngoại nổi bật thời gian qua có ý nghĩa đặc biệt quan trọng như: Chính thức ký Hiệp định EVFTA, IPA với EU; trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc với số phiếu rất cao; chuẩn bị phục vụ tốt Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc… qua đó, thể hiện hình ảnh đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển và có trách nhiệm.

“Như đồng chí Tổng bí thư đã nói, từ khi đổi mới đến nay, chưa bao giờ chúng ta có cơ đồ như ngày hôm nay. Uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam được khẳng định, ngày càng củng cố”, Thủ tướng nói.

Về kết quả 6 tháng đầu năm 2019, theo Thủ tướng, kinh tế vĩ mô ổn định. Lạm phát được kiểm soát tốt. Tăng trưởng GDP, thu ngân sách, đầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu, phát triển doanh nghiệp đều đạt khá.

Quang cảnh hội nghị. 

“Việc chúng ta đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 6,76% là rất tốt vì trên nền tăng trưởng cùng kỳ 2018 đã đạt ở mức cao. Mức này cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2011-2017”, Thủ tướng nhận định. Thủ tướng đánh giá cao ngành nông nghiệp nỗ lực vượt khó, đạt mức tăng trưởng 2,39%. Đặc biệt, thủy sản tăng đến 6,45%, cao nhất trong 9 năm trở lại đây, gia cầm tăng 7%, đã bù đắp một phần thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi. Tổng cầu tiếp tục tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,5%, cao nhất trong 3 năm qua. Điều đáng mừng, chúng ta quán triệt quan điểm thúc đẩy tăng trưởng nhưng vẫn bảo đảm ổn định vĩ mô. Tăng trưởng tín dụng 6 tháng chỉ khoảng 7%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,09%. Thu hút trên 8,5 triệu lượt khách quốc tế. Xuất siêu hơn 1,6 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục với 9,1 tỷ USD. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.

Qua báo cáo của các bộ, ngành, địa phương và trực tiếp theo dõi nắm bắt tình hình, Thủ tướng cho biết nổi lên một số vấn đề cần tập trung thảo luận.

Trước hết về nông nghiệp, tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, có 60/63 tỉnh, thành phố có dịch, tiêu hủy hơn 2,82 triệu con lợn, chiếm 10% tổng đàn. Nắng nóng kéo dài trên diện rộng làm giảm năng suất lúa, cây trồng, vật nuôi; nguy cơ hạn hán, thiếu nước trầm trọng ở một số khu vực có thể diễn ra. Diện tích trồng rừng tập trung giảm 5%, diện tích rừng bị cháy tăng, nhất là vụ cháy rừng tại Hà Tĩnh là lời cảnh tỉnh sâu sắc đối với các vùng trên cả nước.

Tỷ lệ tồn kho ngành chế biến, chế tạo tăng 16,1%. Nhiều dự án trọng điểm về năng lượng, giao thông, hạ tầng chậm tiến độ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng. Nguy cơ thiếu điện hiện hữu mặc dù đã vận hành thêm điện diesel và nhập khẩu điện.

Xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản giảm, do giá giảm. “Chúng ta đã ký EVFTA, vấn đề đặt ra là phải triển khai hiệu quả, có sản phẩm xuất khẩu, bảo đảm chất lượng. Trước tình hình thương mại quốc tế diễn biến phức tạp, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải nỗ lực hơn để đáp ứng hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay”, Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng nhấn mạnh tình hình sản xuất kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó, có nhiều ý kiến cho rằng, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa có bước tiến thực chất. Phát sinh nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự cần được quan tâm nhiều hơn như gian lận thi cử, đạo đức, văn hóa ứng xử, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, tình trạng trẻ em đuối nước, rác thải nhựa, xảy ra nhiều vụ trọng án giết người dã man, đánh bạc trên mạng quy mô lớn, nạn buôn bán ma túy… Tuy tai nạn giao thông giảm, nhưng vẫn còn nhiều vụ nghiêm trọng.

“Tinh thần, thái độ làm việc của đại bộ phận cán bộ, công nhân, viên chức là tốt, có nhiều cố gắng, có trách nhiệm, nhưng vẫn còn một bộ phận nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc lơ là, bê trễ trong công việc nên  lãnh đạo cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành cần phải chấn chỉnh ngay tình trạng này, không để đến khi vi phạm phải xử lý mất cán bộ”, Thủ tướng nêu rõ. Tình trạng nói hay làm dở, làm chậm, trách nhiệm thấp, kể cả chuyển lòng vòng, cấp dưới kêu ca, người dân chờ đợi vẫn còn.

Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác trong phát sinh ở từng bộ, từng ngành, đặc biệt là các địa phương, ví dụ như các tồn tại, hạn chế về cơ chế điều phối vùng, quy hoạch phát triển đô thị, khu công nghiệp, vấn đề đấu giá đất đai, quản lý, sử dụng tài sản công, tài nguyên rừng, cát đá sỏi khai thác trái phép.

Thủ tướng hoan nghênh nhiều đồng chí bí thư, chủ tịch địa phương đã rất sát sao, chủ động, nắm chắc tình hình, chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả nhiều vấn đề thực tiễn phát sinh cũng như nhiều mô hình tốt xuất hiện ở địa phương. Vì vậy, cần nhân rộng kinh nghiệm quý, cách làm hay từ thực tiễn để làm tốt hơn trên phạm vi cả nước.

Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, tư lệnh ngành với trách nhiệm cao nhất, tiếp thu, lắng nghe và xử lý nhanh những vấn đề tồn tại kéo dài. “Và như vậy một số tồn tại mà ai cũng thấy để các đồng chí phát biểu xem có đúng không, ví dụ như vấn đề liên quan đến Luật Quy hoạch, Nghị định về BOT, vấn đề sân golf, vấn đề tự chủ các đơn vị sự nghiệp công, rồi một số công trình đã có chủ trương nhưng vẫn giẫm chân tại chỗ... Thủ tướng cho rằng một số vấn đề về văn hóa đạo đức xã hội còn nhiều tồn tại, bất cập, yếu kém, rồi vi phạm ở một số địa phương, bộ, ngành cũng cần được liên hệ để xử lý.

Thủ tướng quán triệt tinh thần phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu mà Trung ương và Quốc hội đã giao trên tinh thần bứt phá và toàn diện. “Tinh thần ấy vẫn được quán triệt tại phiên họp này trong thảo luận và trong hành động của tất cả các bộ, các cơ quan, không ai bàn lùi mà phải bàn tiến để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong tinh thần ấy, Thủ tướng lưu ý bối cảnh quốc tế, khu vực hiện nay rất phức tạp, dự báo tiếp tục diễn biến khó lường, yêu cầu đặt ra với tất cả các bộ, các ngành, các địa phương là cần phải linh hoạt ứng phó, có đối sách kịp thời, không được chủ quan, phải xác định rõ những nhiệm vụ, những giải pháp trọng tâm đối với từng bộ, ngành, địa phương trên tinh thần phân cấp mạnh mẽ hơn, đề cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu, chủ động, linh hoạt hơn trong chỉ đạo điều hành, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm từ 2011-2017, trong bối cảnh 70% các nền kinh tế trên thế giới, trong đó hầu hết các nền kinh tế phát triển đều rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh nếu không có những yếu tố bất ngờ thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% của năm 2019 hoàn toàn có thể đạt được.

Số liệu cập nhật ngày 2-7-2019 của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu đạt 122,4 tỷ USD, nhập khẩu 120,8 tỷ USD, xuất siêu 1,6 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 67.000 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 3,8% về số doanh nghiệp và tăng 32,5% về số vốn đăng ký. Có 21.617 doanh nghiệp doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2018.

QUANG PHƯƠNG