Đoàn công tác của Hội Doanh nhân CCB T.P Hồ Chí Minh tham quan mô hình sản xuất kinh doanh tại Công ty nhôm Nam Sung của doanh nhân CCB Đoàn Văn Cường.
Những doanh nhân CCB của Hội Doanh nhân CCB T.P Hồ Chí Minh (viết tắt là Hội) năm xưa là đồng đội ở chiến trường, nay trở về “trận tuyến mới”, họ lại đoàn kết, giúp đỡ nhau trên thương trường, trở thành đối tác, bạn hàng của nhau.
Thời gian qua, Hội thực hiện được nhiều hoạt động có ý nghĩa, như: Tổ chức các đoàn doanh nhân CCB cùng với y, bác sĩ về chiến khu xưa thăm, khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con; trao quà, trao học bổng cho học sinh các gia đình nghèo khó...
Với chủ trương “Nghĩa tình - hợp tác - hiệu quả”, sau thời gian đại dịch, để thúc đẩy các doanh nghiệp thành viên vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển, Hội quyết định mỗi tháng sẽ tổ chức đi thăm một nhà máy, xí nghiệp của các doanh nghiệp hội viên nhằm trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau trong sản xuất kinh doanh.
Mô hình đầu tiên được Hội chọn tham quan học tập là Công ty TNHH nhôm Nam Sung, ở huyện Đức Hoà, tỉnh Long An, do CCB Đoàn Văn Cường - Phó chủ tịch Hội làm Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc.
Ông Đoàn Văn Cường chia sẻ với đồng đội, đồng nghiệp: “Tôi trăn trở, mong muốn nhất là làm sao để có thể tạo được nhiều việc làm cho người lao động”. Ý tưởng đó đã khiến ông quyết tâm học hỏi, từ một người sản xuất vành xe đạp chuyển sang thi công nhôm rồi làm tổng đại lý cho một hãng nhôm của Đài Loan, để đến năm 2014, ông thành lập được nhà máy Nhôm Nam Sung tại Long An thu hút hàng trăm lao động nông nhàn của địa phương.
Thời kỳ đầu mới thành lập nhà máy, ông Cường gặp không ít khó khăn, nhưng với lòng quyết tâm cao của một người lính, cùng bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, ông đã lãnh đạo nhà máy ngày càng phát triển. Từ việc chỉ sản xuất 200 tấn nhôm/tháng ra thị trường, năm 2018, nhà máy đã sản xuất 2.000 tấn/tháng, đưa dây chuyền khép kín vào hoạt động, nâng cao chất lượng sản phẩm, sử dụng công nghệ tiên tiến của thế giới và dần chinh phục thị trường, hình thành thương hiệu nhôm Nam Sung uy tín trên thị trường. Và ông quyết định về quê hương Nam Định thành lập Nhà máy nhôm Nam Sung số hai với tổng số vốn đầu tư 600 tỷ đồng, được xây dựng trên khu đất rộng gần 10ha ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, tiếp tục tuyển dụng hàng trăm công nhân địa phương, với thu nhập trung bình từ 6-7 triệu đồng/tháng.
Là thành viên của Hội, ông rất vui vì nhận được sự ủng hộ của của hội viên khi đến thăm nhà máy. Bản thân ông và Công ty TNHH nhôm Nam Sung luôn sẵn sàng đồng hành cùng các hoạt động của Hội, đồng thời ông cũng mong rằng, trong thời gian tới, Hội sẽ có thêm nhiều hoạt động hữu ích để tăng cường tình đoàn kết, giúp đỡ việc làm; hợp tác làm ăn của các doanh nghiệp thành viên.
Có mặt tại buổi tham quan, ông Khương Văn Thuấn - Chủ tịch Hội nói: “Sáng kiến mỗi tháng Hội tổ chức tham quan, học hỏi một doanh nghiệp mới được thực hiện từ tháng 9-2022 đến nay và được các thành viên rất hăng hái tham gia. Chúng tôi tin tưởng rằng, đây là một trong những cách làm hay, giúp những người lính trên mặt trận mới học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường cho các hội viên trong Hội”.
Còn hội viên doanh nhân CCB Trần Quốc Mạnh, thì cho rằng “Đến thăm các doanh nghiệp thành viên giúp cho mỗi hội viên có dịp vừa học hỏi, vừa mở rộng bạn hàng, đối tác trên thương trường”.
Minh An