Doanh nhân CCB Nguyễn Văn Biềng (bên trái) giới thiệu các sản phẩm của cơ sở đúc đồng Cao Hương (tháng 4-2021).

Những năm qua, Hội Doanh nhân CCB huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh luôn phát huy phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu và tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, doanh nhân CCB Nguyễn Tiến Thắng - Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB huyện Gia Bình cho biết: “Hội có 15 hội viên, những năm qua, Hội tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua: “CCB gương mẫu”; “CCB giúp nhau làm kinh tế giỏi”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”... Trong đó, Ban Chấp hành Hội luôn khuyến khích hội viên chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống; đưa cây giống, con giống có năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất, chăn nuôi; tổ chức cho hội viên đi thăm quan các mô hình kinh tế tiêu biểu...”.

Từ các phong trào thi đua, Hội xuất hiện nhiều tấm gương doanh nhân CCB làm kinh tế giỏi: Nguyễn Tiến Thắng - chủ siêu thị mini ở thị trấn Gia Bình, Nguyễn Xuân Thu - chủ trang trại VAC ở xã Quỳnh Phú, Nguyễn Kim Hùng - chủ cơ sở sản xuất máy bơm nước Thiên Long Hùng Vương ở xã Nhân Thắng, Phạm Văn Cầu - Giám đốc Công ty TNHH Nhật Xô chuyên hoạt động trong lĩnh vực vận tải - đúc đồng, Nguyễn Văn Biềng - chủ cơ sở đúc đồng Cao Hương ở xã Đại Bái...

Cơ sở sản xuất và khu trưng bày sản phẩm đúc đồng truyền thống Cao Hương rộng 1.000m2 của CCB Nguyễn Văn Biềng, mỗi năm, cơ sở cung cấp hàng nghìn sản phẩm các loại ra thị trường. Chia sẻ về việc kinh doanh, chủ cơ sở Nguyễn Văn Biềng cho biết: “Từ nhỏ, tôi đã quen thuộc với những âm thanh nhộn nhịp, tiếng máy, tiếng búa, tiếng đục trong các công đoạn tạo mẫu, làm khuôn, nấu và rót đồng, làm nguội, chạm khắc cho những sản phẩm làng nghề. Năm 1992, gia đình tôi đầu tư 300 triệu đồng mở xưởng đúc đồng, nhôm với các sản phẩm: Xoong nồi, tranh, tượng, đỉnh, lư hương, lọ hoa, hoành phi, câu đối... Trong quá trình sáng tạo các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mỗi người thợ đều có bí quyết, kinh nghiệm riêng, nhưng nhất định phải có niềm đam mê, khát vọng gìn giữ nghề “cha truyền, con nối”.

Để phát triển làng nghề, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của khách hàng, CCB Nguyễn Văn Biềng không ngừng rèn luyện, nâng cao tay nghề, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm với các họa tiết hoa văn cầu kỳ, tinh xảo, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Đến nay, cơ sở sản xuất đúc đồng Cao Hương tạo việc làm ổn định cho 15 lao động địa phương với thu nhập bình quân gần 10 triệu đồng/người/tháng.

Từ năm 2015 đến nay, cùng với phát triển kinh tế, Hội Doanh nhân CCB huyện Gia Bình còn tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thăm hỏi, động viên, tặng hàng trăm suất quà cho các đối tượng chính sách, Mẹ VNAH, CCB có hoàn cảnh khó khăn; ủng hộ Quỹ “Phòng, chống dịch Covid-19” và các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do bão, lũ... với số tiền hàng tỷ đồng.

Với việc làm ý nghĩa, thiết thực, nhiều hội viên của Hội đạt danh hiệu “CCB gương mẫu”; nhiều tập thể, cá nhân được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Hiệp Hội Doanh nhân CCB Việt Nam; UBND, Hội CCB, Hội Doanh nhân CCB tỉnh khen thưởng.

Thời gian tới, Hội Doanh nhân CCB huyện Gia Bình tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tham gia học tập, quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những chính sách mới về phát triển kinh tế, doanh nghiệp và người lao động; quan tâm tập hợp, phát triển hội viên mới; tăng cường liên doanh, liên kết, tìm kiếm, mở rộng thị trường; nhân rộng và lan tỏa những cách làm hay, mô hình mới trong phát triển kinh tế.

Phong Vân