Phó đô đốc Trần Thanh Huyền (đứng giữa) tại buổi giao lưu với cán bộ Đoàn về giáo dục truyền thống.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945, lợi dụng Hiệp ước Postdam, quân Đồng Minh kéo vào nước ta “giải giáp quân Nhật”, nhưng thực chất là: “Diệt cộng, cầm Hồ” (diệt cộng sản, bắt Hồ Chí Minh), bóp chết chính quyền cách mạng non trẻ. Ở miền Nam, quân đội Anh và theo sau là quân đội Pháp kéo vào Sài Gòn. Chúng cấu kết với nhau, cùng với quân Nhật điên cuồng chống phá chính quyền cách mạng, đe dọa nghiêm trọng nền độc lập, tự do.

Đêm 22 rạng sáng 23-9-1945, lợi dụng lệnh giới nghiêm, quân đội Pháp ngang nhiên nổ súng vào tòa Thị chính Sài Gòn (nơi làm việc của Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ), Chợ Lớn, Bưu điện, Đài Phát thanh…

Trước hành động ngang ngược của kẻ thù, rạng sáng 23-9, Hội nghị Liên tịch giữa Xứ ủy, Ủy ban Hành chính lâm thời, đại diện Tổng bộ Việt Minh được tiến hành tại phố Cây Mai, Chợ Lớn (nay là Đồn Cây Mai, quận 11). Hội nghị thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, do ông Trần Văn Giàu làm Chủ tịch và Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn - Chợ Lớn, do ông Nguyễn Văn Tư làm Chủ tịch. Và ngày 23-9-1945, Nam Bộ vang vọng lời hiệu triệu: “Độc lập hay là chết! Hôm nay, Ủy ban Kháng chiến kêu gọi: Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái, hãy cầm chặt vũ khí, xông lên đánh đuổi quân xâm lược”.

Ngay từ ngày đầu, quân Pháp đã gặp phải sự kháng cự, chống trả mạnh mẽ của quân và dân Sài Gòn - Chợ lớn. Các đội xung phong công đoàn cùng các đội tự vệ, TNXP triển khai chiến đấu, làm cho địch lúng túng, lo sợ và gây cho chúng nhiều thiệt hại. Khắp đường phố đều được dựng các chiến lũy bằng các vật dụng: Bàn, ghế, giường, tủ… công sở, chợ búa, giao thông, trường học trong thành phố đều ngưng hoạt động.

Đáp lời kêu gọi của Chính phủ, nhân dân cả nước đều hướng về và bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, chi viện tối đa sức người, sức của cho Nam Bộ. Các đoàn quân Nam tiến được thành lập và hối hả lên tàu vào Nam. Quỹ “Nam Bộ kháng chiến” ra đời...

Nam Bộ kháng chiến thể hiện khát vọng và ý chí không gì lay chuyển trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Trang sử hào hùng ấy là mốc son chói lọi, mãi xứng danh “Thành đồng Tổ quốc” như lời Bác Hồ khen tặng.

Vinh dự và tự hào khi được sống tại thành phố là nơi khởi đầu chiến đấu chống quân Pháp xâm lược khi nước nhà vừa tuyên bố độc lập, gần 70.000 hội viên CCB thành phố luôn trân trọng những giá trị của ngày Nam Bộ kháng chiến mang lại. Các thế hệ CCB thành phố luôn là những tấm gương sáng trong các cuộc vận động, các phong trào, nhất là phong trào thi đua yêu nước CCB gương mẫu. Và chính họ cũng là những người “truyền lửa” cho thế hệ trẻ. Có nhiều tấm gương tiêu biểu như CCB, thương binh hạng 2/4 Trần Trọng Ân - Chủ tịch Hội CCB phường 10, quận 8. Sau khi làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia trở về, với “cặp nạng”, ông Ân đi khắp các ngõ hẻm tại địa phương trong suốt 25 năm hoạt động nghĩa tình, mỗi năm trích trên 100 triệu đồng giúp người nghèo. Đó là CCB Đinh Văn Huệ, 91 tuổi - Bí thư chi bộ khu phố 7, phường 15, quận 10; CCB Võ Văn Tuấn, 75 tuổi, thương binh hạng 4/4 ở phường 6, quận 8; Lê Thị Nhân 75 tuổi, phường 3, quận Gò Vấp; Nguyễn Hữu Tước, 85 tuổi, phường Tân Thuận Tây, quận 7... Với  thâm niên “vác tù và” trên 20 năm, họ đã “truyền lửa” cho biết bao thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ và khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, nhiều thanh niên đã trở thành đảng viên.

Việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ của CCB toàn thành phố rất hiệu quả thông qua mô hình “3 chi” (chi bộ lãnh đạo, chi hội CCB là nòng cốt, chi đoàn thanh niên là lực lượng xung kích). Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành hội Phùng Thế Vinh, bằng “mô hình” này, Hội CCB tổ chức kể chuyện truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên ở địa phương và học sinh, sinh viên các trường từ phổ thông đến đại học.

Từ năm 2015 đến nay, mô hình “3 chi” cảm hóa 3.872 thanh niên chậm tiến trở thành những người có ích cho xã hội, bồi dưỡng 65.975 thanh niên kết nạp vào Đoàn, giới thiệu 7.990 đoàn viên ưu tú cho các chi bộ xem xét đưa vào nguồn phát triển Đảng và đã có 5.598 đồng chí được kết nạp vào Đảng. Hiệu quả nhất là sự động viên thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ.

Trong lần giao lưu với 2.000 sinh viên của 6 trường đại học tại Trường ĐHSP T.P Hồ Chí Minh (26-10-2019), Phó đô đốc Trần Thanh Huyền - Phó chủ tịch Thường trực Hội CCB thành phố chia sẻ: “Tại mảnh đất này, đã diễn ra hai sự kiện lịch sử quan trọng, đó là ngày khởi đầu của Nam bộ Thành đồng bất khuất chiến đấu chống quân đội thực dân Pháp (23-9-1945) và ngày 30-4-1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...”. Tiếp đó là phim ảnh minh họa về ngày 23-9-1945 tại khu Sài Gòn - Chợ Lớn... Sự chia sẻ của Phó đô đốc Trần Thanh Huyền có phim ảnh minh họa gây ấn tượng mạnh cho đoàn viên, thanh niên, sinh viên và ngay tối hôm đó, BCH Đoàn các trường tổ chức giao lưu văn nghệ có cả tiết mục được “sân khấu hóa” tái hiện ngày 23-9-1945.

Kỷ niệm 75 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến năm 2020, Phó đô đốc Trần Thanh Huyền cho biết: “Trong bối cảnh thành phố và cả nước vẫn luôn sẵn sàng chống dịch và tập trung khôi phục và thúc đẩy sản xuất, ổn định đời sống; T.P Hồ Chí Minh đang nỗ lực đẩy mạnh thi đua chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ T.P Hồ Chí Minh lần thứ XI và Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Các cấp Hội tiếp tục tuyên truyền, giáo dục truyền thống anh hùng của Nam Bộ “Đi trước, về sau” trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác Hội và phong trào thi đua yêu nước “CCB gương mẫu” năm 2020”.

Bài và ảnh: Hữu Vĩnh