Phú Tân hiện có trên 500 hội viên Hội CCB thực hiện mô hình sản xuất bền vững như nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm kết hợp nuôi cua, cá, sò huyết, trồng hoa màu, cây ăn trái...thu nhập từ 50-300 triệu đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho bản thân, hội viên CCB trong huyện còn phát huy tốt tinh thần tương thân tương ái, giúp nhau xoá đói giảm nghèo. Đến nay, đã xây dựng quỹ Hội được trên 3,4 tỷ đồng, giúp cho trên 1.000 lượt hội viên xoay vòng vốn vay để phát triển kinh tế gia đình và tự giúp nhau về cây con giống, ngày công lao động, giúp vốn cho hội viên nghèo không tính lãi suất bằng tiền, vàng... trị giá gần 600 triệu đồng.
Tiêu biểu phong trào này có CCB Trần Văn Khá ấp Kiến Vàng (Tân Hưng Tây, Phú Tân), sau ngày đất nước thống nhất, anh về quê lập nghiệp, cuộc sống rất khó khăn, đất đai hoang hóa, phèn mặn. Nhưng với quyết tâm vượt qua khó khăn, anh đã tích góp và cải tạo đưa vào sản xuất ổn định hơn 2ha đất nông nghiệp. Đến năm 2005, có chủ trương chuyển dịch cơ cấu sản xuất, anh mạnh dạn thực hiện mô hình đa cây con kết hợp như nuôi tôm, cua, kết hợp trồng cây ăn trái. Từ mô hình này, mỗi năm gia đình anh có thu nhập trên 300 triệu đồng. Nhờ cần cù, chịu khó, anh đã tích góp xây dựng được nhà khang trang và mua sắm đầy đủ các phương tiện cần thiết cho gia đình. Các con anh đều được ăn học đàng hoàng và có việc làm ổn định.
Năm 2010, thấy nhiều địa phương nuôi sò huyết đạt hiệu quả, CCB Nguyễn Văn Bé ở ấp Má Tám (Việt Thắng, Phú Tân) tìm đến tận nơi để học hỏi kinh nghiệm và thực hiện thành công mô hình nuôi sò huyết trong vuông nuôi tôm. Năm đầu, anh Bé thả 1 tấn sò giống trên diện tích hơn 1ha. Sau khi thu hoạch, trừ chi phí anh có lãi trên 100 triệu đồng. Thấy đạt hiệu quả kinh tế cao, năm 2012, anh Bé thả nuôi hơn 6 tấn giống và thu hoạch được trên 8 tấn sò thương phẩm, lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng. Và đến nay, mỗi năm gia đình anh thu lợi từ 100-300 triệu đồng từ nuôi sò huyết. Anh Bé phấn khởi chia sẻ: “Mặc dù thời gian nuôi sò huyết tương đối dài, vốn đầu tư cao nhưng bù lại rất dễ nuôi, không tốn chi phí thức ăn, ít rủi ro và cho hiệu quả kinh tế cao”.
Chính sự năng nỗ, chịu khó tìm tòi, thực hiện mô hình mới, có hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, nên đời sống của hầu hết hội viên Hội CCB huyện Phú Tân có nhiều chuyển biến tích cực. Trao đổi với chúng tôi, CCB Hồ Công Định-Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết: “Hội CCB Phú Tân tiếp tục phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ để đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, giúp nhau giảm nghèo và nâng cao đời sống cho hội viên. Đồng thời, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”.
Bài và ảnh:
Phương Nghi