Hội CCB huyện Đắk Song bàn giao nhà “Nghĩa tình đồng đội” cho CCB Đoàn Văn Suốt ở xã Nam Bình.

"Lấy cơ sở làm mục tiêu hoạt động" là phương châm của Hội CCB huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) trong nhiệm kỳ 2017-2022. Với cách làm mới, Hội CCB huyện chủ trương đưa Hội nghị giao ban hằng tháng về họp tại các chi hội.

Theo đó, hằng năm, Hội CCB các cấp lập kế hoạch giao ban luân phiên tại từng chi hội, báo cáo và mời Đảng ủy, UBND cùng cấp tham dự.

Ở cấp xã, Hội CCB tiến hành giao ban hằng tháng tại một chi hội với sự có mặt của đại diện Đảng ủy, UBND xã, Bí thư chi bộ, các đoàn thể và toàn thể hội viên trong thôn, buôn.

Hội CCB huyện chọn 1 xã và tham gia giao ban tại chi hội cùng với sự tham dự của Ban Chấp hành huyện Hội và đại diện Đảng ủy, UBND huyện. Sau buổi giao ban, các đại biểu tới tham quan 1 mô hình làm kinh tế giỏi tại địa phương.

Với tinh thần hướng về cơ sở, hình thức “giao ban mở rộng” đã giúp Hội CCB huyện Đắk Song không chỉ đẩy mạnh các phong trào mà còn kịp thời giải quyết những vướng mắc trong thực hiện chế độ, chính sách cũng như phát huy tinh thần giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế trong hội viên.

Nhờ có sự tham dự của các cấp ủy Đảng và chính quyền, chế độ phụ cấp hỗ trợ cán bộ thôn, buôn trong huyện được giải quyết nhanh chóng. Toàn huyện Hội có 70% Chi hội trưởng làm công tác kiêm nhiệm như Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Chi hội trưởng Nông dân. Hiện nay, tất cả đã được hưởng phụ cấp từ 2 đến 3 ngày lương/tháng (tùy thuộc vào số công việc kiêm nhiệm).

Còn với một số vấn đề chưa hợp lòng dân như việc lấy đất làm đường nông thôn, qua buổi giao ban, hội viên CCB được nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình và nghe đại diện Đảng ủy, chính quyền giải thích. Tiêu biểu như Hội CCB xã Thuận Hạnh, khi những khúc mắc được giải đáp thì chính những CCB này là nòng cốt để tuyên truyền, vận động nhân dân làm theo. Đến nay, xã Thuận Thành đã về đích Nông thôn mới, và đang tiếp tục xây dựng xã Nông thôn mới nâng cao.  

Trong quá trình huy động Quỹ “Đồng đội” của Hội CCB huyện, mỗi hội viên đóng góp 50.000 đồng/năm, chỉ có 1 xã không đồng tình. Qua giao ban, việc thu, chi và hiệu quả sử dụng Quỹ được công khai minh bạch đã tạo niềm tin, sự ủng hộ trong hội viên. Từ đầu năm đến nay, nhờ Quỹ “Đồng đội”, Hội CCB huyện đã xây dựng được 3 căn nhà “Nghĩa tình đồng đội” cho CCB Bàn Xuân Hạnh, ở xã Đắk N’Drung; CCB Đoàn Văn Suốt, xã Nam Bình và CCB Nguyễn Thị Na, xã Thuận Hạnh.

Để thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo cho hội viên, Hội CCB huyện luôn chú trọng công tác hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình hội viên và người dân trên địa bàn phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống. Việc tổ chức tham quan các mô hình làm kinh tế giỏi tại mỗi địa phương tổ chức giao ban tạo cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh trong hội viên.

“Mỗi lần xuống cơ sở tham quan, tôi đều ghi hình, chụp ảnh để về giới thiệu với CCB trong xã học tập. Tuyên truyền, vận động hội viên thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, cải tạo vườn tạp, đất đai.  Đến nay, một số mô hình đã đạt kết quả tốt như trồng cây cà phê giống mới, sầu riêng vỏ xanh, nuôi lợn rừng…” - CCB Chu Văn Bắc - Chủ tịch Hội CCB xã Nam Bình nói.

Nam Bình, là một xã có nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, nhờ đó mà một số Chi hội xây dựng được quỹ cho hội viên vay vốn với số tiền rất lớn, như chi hội thôn Bình An có 70 hội viên, đóng góp quỹ vốn gần 1 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Đình Liên - Chủ tịch Hội CCB huyện Đắk Song cho biết: “Tôi luôn tâm niệm rằng, không bám trụ cơ sở là không có thực tế. Nhờ đổi mới hình thức sinh hoạt, tình trạng khiếu kiện đã giảm hẳn. Cùng một vấn đề, nhưng được tuyên truyền cho nhiều xã cùng học tập và rút kinh nghiệm”.

Với cách làm sáng tạo, vì lợi ích của hội viên, Hội CCB huyện Đắk Song cùng các cấp Hội cơ sở phát huy phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp.

Hồ Thanh Hương