Nhiều người dân, trong đó có các CCB đã gửi đơn, trực tiếp tới Tòa soạn Báo CCB Việt Nam phản ánh vụ việc gây bức xúc ở thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. PV đã nhiều lần tới địa phương điều tra và Báo CCB đã có loại bài về vấn đề này: “Đằng sau việc cách chức Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thái” trên số báo ngày 3-6-2010; “Nhà đầu tư hành xử kiểu xã hội đen hòng chiếm đất” trên số báo ngày 13-8-2010; “UBND tỉnh Hải Dương kết luận có hợp lý không” trên số báo ra ngày 28-10-2010; “Tỉnh Hải Dương: Quyết định không đúng thẩm quyền gây bức xúc trong nhân dân” trên số báo ra ngày 9-12-2010; “Cần thu hồi giấy phép của Cty Thế Anh” trên số báo ra ngày 5-5-2011…
Theo đề nghị của Ban Biên tập Báo CCB Việt Nam, ngày 28-8-2011, UBND tỉnh Hải Dương đã tổ chức cuộc họp giữa các sở, ban, ngành liên quan, đại diện lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện Kim Thành, thị trấn Phú Thái với Báo CCB Việt Nam. Đồng chí Phạm Sỹ Thảo, Phó Chánh văn phòng, Thư ký của Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Phía Báo CCBVN có Tổng biên tập Trần Nhung, Phóng viên Nguyễn Quang Vinh.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, TBT Báo CCBVN đề nghị cuộc họp làm rõ hai vấn đề mà đơn thư bạn đọc phản ánh, đã được báo phân tích kỹ qua các bài điều tra nói trên: Một là UBND tỉnh Hải Dương ra quyết định 4778 ngày 16-12-2008 cho phép giao đất cho Cty Thế Anh triển khai dự án có tính bất khả thi và chồng chéo với QĐ 162 ngày 13-1-2004 đã gây hậu quả nghiệm trong cho doanh nghiệp của hộ ông Đặng Đức Chúc. Hai là tại sao trên một khu vực nhỏ hẹp lại cấp phép hoạt động cho hai doanh nghiệp cùng một lĩnh vực sản xuất kinh doanh, có phù hợp với tình trạng thực tế hay không?.
Ý kiến của các cơ quan liên quan đều thấy rõ sự bất cập và chồng chéo của hai dự án kinh doanh trong cùng một lĩnh vực của hai doanh nghiệp. Lãnh đạo huyện Kim Thành và Thị trấn Phú Thái cho biết, trước khi có việc Cty Thế Anh không qua địa phương, xin thẳng tỉnh cấp phép cho dự án thì cơ sở của ông Chúc hoạt động ổn định, không có vấn đề gì xẩy ra để chính quyền phải lên tiếng. Sở Kế hoạch và đầu tư thì cho biết dự án của Cty Thế Anh được cho phép vào thời điểm năm 2008 là lúc ngành đóng tàu đang có xu hướng phát triển mạnh, còn nếu ở thời điểm bây giờ thì không thể cho phép. Sở Nông nghiệp và nông thôn, Sở Giao thông vận tải cũng thấy sự bất cập của dự án Cty Thế Anh vì không có vùng nước thì không thể kinh doanh cầu cảng được, đồng thời cũng cho biết doanh nghiệp của ông Đặng Văn Chúc có một vài sai sót trong hoạt động kinh doanh đã phải giải quyết. Nhất là ngày 13-1-2011 Cục Đường Thủy nội địa đã ra QĐ 31/QĐ-CĐTNĐ thay thế cho QĐ 211, theo đó, để đảm bảo một cảng thủy nội địa có đủ điều kiện họat động như vùng nước, các công trình phụ trợ…căn cứ vào QĐ 162 của tỉnh Hải Dương, Cục Đường thủy nội địa công bố lại cảng nội địa Phú Thái có vùng nước trước cảng là 300m theo vùng đất được tỉnh Hải Dương chấp thuận cho dự án của ông Chúc tại QĐ 162 và vùng nước neo chờ tiếp theo về hạ lưu 300m. Điều này khiến các cơ quan chức năng trong tỉnh càng thêm lúng túng trong việc tìm cách giải quyết vụ việc. Cũng có ý kiến cho rằng ông Chúc không có hoạt động gì, chỉ cho Xí nghiệp tư nhân Thắng Lợi thuê mặt bằng kinh doanh là sự hiểu nhầm vì thực chất Xí nghiêp Thắng Lợi là của gia đình ông, do con trai ông làm giám đốc.
Sau khi nghe các ý kiến trong hội nghị, TBT Báo CCB Việt Nam phát biểu nêu rõ: Một là để xẩy ra vụ việc bất ổn kéo dài có trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành trong tỉnh đã có sự không đồng bộ trong ban hành văn bản và quan điểm giải quyết vụ việc. Hai là tại khu vực này đã xảy ra tranh chấp về lợi ích của hai doanh nghiệp kéo dài nhiều năm, vì vậy, chính quyền và các cơ quan chức năng cần vào cuộc giải quyết theo đúng quy định của Pháp luật và tình trạng thực tế. Ba là trên một diện tích đất nhỏ hẹp chỉ nên để một doanh nghiệp được phép hoạt động. Có nên thu hẹp mặt bằng dự án của ông Chúc đã được cho phép theo QĐ 162 không trong khi ông Chúc đã đầu tư nhiều công sức, tiền của, biến vùng đất hoang thành một cảng thủy nội địa có tiềm năng, đang sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có đóng góp vào ngân sách địa phương? Trong khi đó, Cty Thế Anh chưa hoàn thiện đủ thủ tục pháp lý, chưa triển khai gì thuộc dự án, chưa có đầu tư đáng kể gì thì có buộc phải thực hiện việc giao đất triển khai dự án không? Nếu cấp phép cho cả hai doanh nghiệp là không phù hợp với điều kiện thực tế và sẽ gây tranh chấp, mất ổn định kéo dài. UBND tỉnh Hải Dương cần xem xét năng lực cụ thể của hai doanh nghiệp, chỉ để lại một doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả tại khu đất này, còn doanh nghiệp còn lại có thể ưu tiên giao cho một vị trí khác, lập lại một dự án khác. Bốn là đề nghị đồng chí Thư ký của Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo Chủ tịch tỉnh để ra Quyết định giải quyết dứt điểm vụ việc.
Ý kiến của TBT Báo CCBVN được các đại biểu dự cuộc họp cho là rất thỏa đáng và nhất trí hoàn toàn. Đại diện lãnh đạo tỉnh chủ trì cuộc họp khẳng định sẽ báo cáo kết quả cuộc họp lên để UBND tỉnh Hải Dương xem xét giải quyết có lý, có tình.
Báo CCBVN hoan nghênh chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương đã có buổi làm việc thẳng thắn, cởi mở trên tinh thần cùng tháo gỡ khó khăn, tạo sự đồng thuận giữa chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân địa phương.
Quang Vinh