Tháng 6-1949, chị đi bộ đội, được điều về Bộ Tổng tham mưu. Chị làm công tác văn thư và biên dịch tài liệu cho tờ “Quân sự tập san”. Từ ngôi nhà lá trên đồi cao lộng gió ở Việt Bắc, người đầu tiên ra đón chị là một chàng trai to cao, có đôi mắt sáng thông minh và nụ cười đôn hậu. Đó là anh Đặng Quân Thụy. Anh vừa phụ trách biên tập tập san, vừa làm trợ lý của cơ quan tham mưu, nên lúc nào cũng bận.

Đời sống ở chiến khu khó khăn thiếu thốn mọi bề. Bộ đội bệnh tật, ốm đau nhiều. Anh bị bệnh sốt rét, lên cơn sốt vẫn ngồi vào bàn làm việc. Chị thương anh và lo cho sức khoẻ của anh. Trong chị dâng lên nỗi thương cảm và niềm tin yêu! Còn anh linh cảm từ khi chị về làm việc tại cơ quan, cuộc sống ở chiến khu cũng vui hơn. Hình như ông tơ, bà nguyệt có ý xếp đặt. Anh chị đều là học sinh Hà Nội, tham gia hoạt động trong đoàn thể học sinh cứu quốc của Mặt trận Việt Minh từ năm 1944, tham gia Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội ngày 19-8-1945. Tháng 9-1945 anh nhập ngũ vào Chi đội Vi Dân. Sau thời gian huấn luyện ngắn, anh vào đội Nam Tiến, tham gia chiến đấu tại Mặt trận Buôn Ma Thuột và bị thương. Năm 1946, anh được điều về Bộ Tổng Tham mưu, chị lại tham gia chiến đấu tại Mặt trận Liên khu 2 ở Hà Nội trong 60 ngày đêm quyết liệt. Khi xa lúc gần như thế, để rồi ngày 6-5-1950, lễ thành hôn của anh chị đã được tổ chức tại núi rừng Việt Bắc. Cưới xong, chị được chuyển về Cục Quân y, vừa làm việc, vừa luyện thi vào đại học Dược, còn anh lại lao vào công tác chuẩn bị phục vụ chiến dịch Biên Giới. Bốn năm sau, chị sinh con trai đầu lòng, giữa thời gian anh đang tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Sinh con trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, con ốm đau, còi cọc, chị bị suy nhược cơ thể, gầy yếu, xanh xao. Thiếu bàn tay chăm sóc của anh, nhưng được anh chị em nhà trường và Xưởng Quân dược tận tình giúp đỡ, nên chị đã vượt qua khó khăn và vẫn học tập tốt. Tháng 10-1957, chị tốt nghiệp Đại học Dược vào loại ưu, rồi chuyển ngành về công tác tại Xí nghiệp Dược phẩm TƯ I. Do yêu cầu nhiệm vụ, tháng 4-1964, chị gửi hai con nhỏ cho ông bà nội, đi học tiếp ở Tiệp Khắc. Cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng khốc liệt hơn, miền Nam gọi, miền Bắc đáp lời, từng đoàn quân đi B nối tiếp nhau bí mật lên đường. Anh đang học ở Liên Xô, tháng 8-1964 được điều về nước đi chiến trường B2. Biết bao khó khăn gian khổ, nhưng không làm anh chùn bước. Nhớ nhất là lần vào Nam cùng đoàn tàu không số, khi chỉ còn cách bờ biển Bến Tre hơn hai chục hải lý thì được tin bến có động, không đổ bộ được, và Bộ Tổng Tham mưu lệnh cho tàu trở ra Bắc rồi để các cán bộ lại đi bộ vào Nam, chuyến đi kéo dài hơn hai tháng trời... Suốt 10 năm anh chiến đấu ở miền Nam, chị ít nhận được thư anh. Chị nén mình vươn lên đảm đương việc nước, việc nhà, chung thuỷ chờ chồng, nuôi con và chăm sóc bố mẹ già. Chín năm trong quân ngũ đã rèn cho chị một bản lĩnh vững vàng. Bản lĩnh đó, khi chuyển ngành được phát huy cao trong môi trường mới: Chị làm Phó giám đốc, rồi làm Giám đốc Xí nghiệp Dược phẩm TƯ I và được phong hàm phó giáo sư. Chị cùng các đồng chí trong Ban giám đốc lãnh đạo xí nghiệp liên tục hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất thuốc và đào tạo. Còn anh, sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, đâu đã được nghỉ ngơi, sang làm nhiệm vụ tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam, đến tháng 2-1979, lại lên biên giới phía Bắc. Khi về Hà Nội làm Tư lệnh Binh chủng Hoá học, thì thời gian gần gia đình cũng không được bao lâu, anh lại chuyển lên làm Phó tư lệnh rồi Tư lệnh Quân khu 2. Biên giới bình yên, cuối năm 1992, anh được bầu làm Phó chủ tịch Quốc hội, kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh. Năm 1997, Trung tướng Đặng Quân Thuỵ ra làm Phó rồi Chủ tịch Hội CCB Việt Nam. Chị Nguyễn Thị Ban tâm sự: “Trước đây, vì chú tâm nhiều đến chuyên môn, nên có lúc tôi quên anh là một thương binh cần chăm sóc đặc biệt. Những năm nghỉ hưu, tôi đã dành nhiều thời gian chăm lo sức khoẻ của anh…".

Tình yêu của họ đã hoà trong tình yêu đất nước, thật thuỷ chung, cao đẹp; đó chính là tình yêu của người chiến sĩ.

NGUYỄN TRỌNG DINH